Nằm gần biên giới giữa vùng Piedmont của Ý và Pháp, du khách muốn ghé thăm Coumboscuro cần phải bay đến Turin, đi tàu rồi đi xe buýt hoặc lái xe từ Pronvence xuống phía Nam.
Những du khách khi đến đây thường có chung một băn khoăn rằng liệu họ có đang ở Ý hay không, đặc biệt là khi người dân địa phương chào tạm biệt họ bằng câu "arveire" xa lạ thay vì "cameerci" quen thuộc trong tiếng Ý.
Ngôn ngữ chính thức của Coumboscuro là tiếng Provençal, một phương ngữ tân Latinh thời trung cổ. Ngôn ngữ này cũng được sử dụng trên khắp vùng Occitania của Pháp.
Chỉ có khoảng 30 người dân hiện đang sinh sống ở Coumboscuro và cuộc sống của họ cũng không hề dễ dàng. Ngôi làng này được hình thành nên từ những hộ gia đình chăn cừu, dù đàn vật nuôi của họ thường xuyên bị những con sói hoang đe dọa.
Điện ở Coumboscuro cũng thường xuyên bị cắt trong nhiều tuần giữa mùa đông, trong khi kết nối Internet ở đây cũng rất hiếm.
Nhưng những đồng cỏ yên bình trên núi hay cánh đồng hoa oải hương tím rực rỡ của ngôi làng này lại là điểm đến lý tưởng cho những du khách đang tìm kiếm một nơi chiêm ngưỡng khung cảnh ngoạn mục từ các đỉnh núi Alpine, kéo dài đến Cote d'Azur.
Tạm quên các quán bar, siêu thị và nhà hàng, tới Coumboscuro, du khách như được đắm mình trong những sự kiện văn hóa dân gian truyền thống diễn ra thường xuyên hay những buổi săn nấm đầy thú vị mỗi cuối tuần.
Cuộc sống của người dân Coumboscuro chậm rãi, giản dị và hòa hợp với thiên nhiên. "Chúng tôi không có TV. Ngay cả khi mất điện tới nửa tháng trời, chúng tôi cũng không hề lo lắng. Bởi cuộc sống vẫn có thể tiếp diễn như thời ông bà chúng tôi", Agnes Garrone, một người chăn cừu ở Coumboscuro, nói với CNN Travel.
"Tôi thường thức dậy trước bình minh để chăm cừu. Cứ như vậy tất cả các ngày trong năm, không có ngày nghỉ nào. Tôi không hề có khái niệm Giáng sinh cũng như Giao thừa, bởi vì ngay cả trong mùa lễ hội, đàn cừu của tôi cũng vẫn cần được ăn và chăm sóc. Bạn sẽ cảm thấy sự hy sinh này là xứng đáng mỗi khi thấy những chú cừu non ra đời", Garrone chia sẻ.
Garrone cũng đồng thời điều hành La Meiro di Choco, một trang trại cũ được tận dụng làm nhà nghỉ duy nhất ở Coumboscuro.
Khách tới đây sẽ ở trong những túp lều bằng gỗ truyền thống và được trải nghiệm nhiều đặc sản địa phương như cây trái trong vườn hay có thể mua len cao cấp làm từ lông của một loại cừu Ý bản địa có tên là Sambucana, còn được gọi là Demontina.
Trong khi nhiều người trẻ khác của ngôi làng đã bỏ đi để tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn ở những nơi khác thì Garrone và các anh trai của cô vẫn quyết định ở lại và làm việc trên mảnh đất của tổ tiên.
Garrone nói: “Du khách được chào đón khi tới Coumboscuro, chúng tôi muốn mọi người biết nhiều hơn về thế giới của chúng tôi, chúng tôi không muốn bị lãng quên vì Coumboscuro có rất nhiều di sản để chia sẻ”.
Cô gái 25 tuổi coi tiếng Provençal, thứ tiếng sự pha trộn giữa tiếng Pháp và tiếng Ý, là tiếng mẹ đẻ của mình.
Cô giải thích rằng mình là một phần của cộng đồng văn hóa xã hội và thứ ngôn ngữ truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước giúp cô nhận thức rõ ràng hơn về bản sắc dân tộc.
Khu vực Piedmont, nơi ngôi làng Coumboscuro nằm giữa, luôn chịu sự cai trị của cả người Ý lẫn người Pháp trong suốt chiều dài lịch sử. Điều này lý giải vì sao những người dân địa phương như Garrone không nói tiếng Ý hay tiếng Pháp mà chỉ lại lựa chọn tiếng Provençal.
Bao quanh ngôi làng là những rừng cây phỉ và cây tần bì, nằm rải rác trên Valle Grana nguyên sơ. Tại đây, chỉ có một số ít ngôi nhà được làm bằng đá và gỗ.
Các khu vực được kết nối với nhau bằng những con đường mòn, nơi du khách có thể đi bộ xuyên rừng, đạp xe leo núi hay thậm chí là cưỡi ngựa thong dong.
Trung tâm Coumboscuro là tám ngôi nhà tranh bằng gỗ cùng những bức tường bích họa xây xung quanh một nhà nguyện cổ, được thành lập vào năm 1018 bởi các mục sư người Pháp.
Mặc dù, Coumboscuro trước đây cực kỳ phát triển, nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi vào những năm 1400, khi mùa đông trở nên khắc nghiệt hơn buộc nhiều gia đình phải chuyển đến Provence sinh sống và chỉ trở lại đây vào mùa hè.
Dân số của làng giảm liên tục trong nhiều năm, nhưng Coumboscuro dần hồi sinh vào những năm 1950 khi ông nội của Garrone, Sergio Arneodo, tiếp quản làm giáo viên trường làng.
Sau khi nghiên cứu ngôn ngữ địa phương của tổ tiên, ông Arneodo đã giúp khôi phục nguồn gốc ngôn ngữ và tìm ra nét hấp dẫn trong văn hóa dân gian của ngôn ngữ Provençal để thúc đẩy cộng đồng.
Ngày nay, vẫn có rất nhiều sự kiện văn hóa truyền thống như lễ hội, hòa nhạc, trình diễn múa dân gian, diễn ra ở Coumboscuro. Những người muốn tìm hiểu thêm về bản sắc của vùng đất này có thể ghé thăm Bảo tàng Dân tộc học Coumboscuro. Ngoài ra, trung tâm nghiên cứu tiếng Provençal cũng thường xuyên tổ chức các khóa học viết và ngôn ngữ Provençal cho người lớn mới bắt đầu cũng như trẻ em.
Tháng 7 hàng năm, hàng nghìn người nói tiếng Provençal mặc trang phục truyền thống sẽ tham gia Roumiage, một cuộc hành hương tâm linh khởi hành từ Provence ở miền nam nước Pháp dọc theo dãy Alps đến Coumboscuro.
Hành trình này đưa họ băng qua những đỉnh núi tuyết, hẻm dốc và rừng dẻ, con đường mà tổ tiên họ đã từng đi trước đó.
Khi đến Coumboscuro, những người hành hương sẽ được chào đón bằng một lễ hội lớn, với các lều và chuồng trại được dựng sẵn như một chỗ ở tạm thời.
Mặc dù sự suy giảm dân số đang tiếp tục tác động đến ngôi làng song những người dân Coumboscuro vẫn luôn ý thức sâu sắc về cội nguồn của họ, nơi được cho là cái nôi của ngôn ngữ Provençal.
Davide Arnoedo, người điều hành Bảo tàng Dân tộc học Coumboscuro và trung tâm nghiên cứu về Provençal cho biết: “Sau sự phục hưng văn hóa, các cửa hàng những tác phẩm thủ công truyền thống của Provençal và các trang trại đã phát triển mạnh trở lại. Người dân trồng khoai tây, làm rượu táo, hạt dẻ và các đồ uống thảo mộc. Trong khi đó, các học giả, trí thức và nghệ sĩ đến đây làm triển lãm nghệ thuật và hội nghị để thảo luận về di sản phong phú của chúng tôi".
Sau các chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương, Ý chính thức công nhận sự tồn tại của cộng đồng thiểu số Occitan vào năm 1999 và tiếng Provençal hiện được luật pháp quốc gia bảo vệ.
Tuy nhiên, Provençal vẫn là đang đứng trước nguy cơ thất truyền trong tương lai. Năm 2010, ngôn ngữ này đã được UNESCO đưa vào danh mục 'Những ngôn ngữ gặp nguy hiểm của thế giới'.
Arneodo, chú của Garrone và con trai của thầy giáo Sergio Arneodo, cho biết thêm: “Đây là một trong số ít thung lũng trên thế giới còn nói thứ ngôn ngữ trữ tình này".