Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đậu ngay cổng là những chiếc xế hộp tiền tỷ. Không nhiều người biết rằng, chỉ cách đây khoảng 20 năm, nơi đây vẫn còn là một làng quê lạc hậu, nghèo nàn.
Đổi đời nhờ buôn tóc
Xen lẫn những ồn ào của cuộc sống phố thị, thi thoảng chúng ta vẫn nghe thấy tiếng rao của một người phụ nữ nào đó: “Ai tóc dài, tóc rối bán điii...”. Người cất tiếng rao đó chính là người làng Đông Bích, hoặc người đi thu mua tóc để về bán lại cho các đại lý ở làng Đông Bích.
Nhắc tới nghề buôn tóc, cái nghề đã giúp cả làng đổi đời, người dân Đông Bích vẫn nói vui với nhau rằng, đây là nghề “mua của người chán, bán cho người cần”, cứ nơi đâu có tóc là nơi đó có dấu chân của người làng Đông Bích. Hàng chục năm nay, người dân trong làng luôn tất bật, bôn ba xuôi ngược khắp cả nước, trải qua những ngày nhọc nhằn ăn nhờ ở trọ để mưu sinh bằng nghề buôn tóc.
Trong thực tế, một mớ tóc rối có thể gây phiền hà, vướng víu thậm chí làm mất thẩm mỹ chủ nhân nhưng lại là “miếng cơm manh áo” đối với người Đông Bích. Nghề buôn tóc cũng vì thế mà trở thành nghề truyền thống của làng, giống như bao làng nghề truyền thống khác.
Đường vào làng Đông Bích san sát những ngôi nhà cao tầng và xế hộp. |
Ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng thôn Đông Bích cho biết, nghề buôn tóc của làng bắt đầu từ năm 1996, đến nay được 23 năm, còn phát triển mạnh thì khoảng 15 năm trở lại đây. Ông Huy chia sẻ, khoảng 20 năm về trước, thôn Đông Bích còn rất nghèo, ngoài nghề nông thì người dân chủ yếu có một nghề phụ là đi thu mua phế liệu. Sau đó, từ chỗ chỉ có vài người đi thu mua tóc về bán lại, đến nay hầu hết người làng đều gắn bó với nghề buôn tóc.
Cũng nhờ nghề buôn tóc, cuộc sống của người dân trong làng đã thay đổi hoàn toàn. Cả thôn có hơn 400 hộ thì có đến 90% làm nghề buôn tóc, trong đó hàng chục hộ mở đại lý, hơn chục hộ thành tỷ phú, còn lại đều có cuộc sống giàu có, khấm khá. “Nếu không có nghề buôn tóc, chắc chắn cả làng không thể có được cuộc sống như bây giờ”, ông Huy chia sẻ.
Giáo viên, luật sư cũng bỏ nghề về buôn tóc
Kể về nguồn gốc nghề buôn tóc, ông Tạ Xuân Bắc (thôn Đông Bích), một trong những người gắn liền với nghề buôn tóc đã từ rất lâu cho hay, trước đây, làng Đông Bích cũng như bao vùng quê thuần nông khác, cuộc sống của người dân trong làng rất khó khăn. Trước năm 1995, nghề buôn tóc cũng bắt đầu xuất hiện manh nha, song chỉ có một vài hộ, chủ yếu đi thu gom tóc tại các vùng lân cận, sau đó đem bán cho các cửa hàng thời trang ở Hà Nội.
Hiện làng Đông Bích có hàng chục hộ mở đại lý thu mua tóc, mỗi tháng xuất khẩu vài chục tấn sang nước ngoài |
Đến khoảng trước năm 1996, có một nhóm người làng đi buôn phế liệu sang Trung Quốc. Khi sang bên đó, nhóm người này gặp và được một số người bên đó cho biết đang thu mua tóc vụn. “Lúc đó mình mang mẫu tóc vụn sang được người ta đặt mua buôn. Vậy là nhiều người đi chợ thi nhau thu gom ở các hàng gội đầu, cắt tóc mang bán qua biên giới. Từ đó, làng nghề cứ phát triển lên, cả làng đều làm, nhà này làm được thì nhà kia cũng làm được, đua nhau thu gom tóc như đi thu mua phế liệu. Dần dần, người ta phân chia ra, ông chủ to thì đứng ra thu mua và các chủ bé đi gom về làng bán lại. Ai không làm chủ thì đi khắp nơi trong cả nước mua gom”, ông Bắc kể.
Sau này, các thương lái Trung Quốc kéo nhau nườm nượp về Đông Bích để đặt và thu mua hàng. “Người ta về đây đặt mua tóc theo từng loại, loại 10 phân, 20 phân, 30 phân đến 1m sẽ có giá tiền khác nhau. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người dân trong làng đã lập công ty để mở rộng việc buôn bán. Ngày xưa là buôn bán theo kiểu thủ công, mua tóc về không biết sơ chế nhưng bây giờ nhờ máy móc công nghệ hiện đại, tất cả đều được xử lý để sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn”, ông Bắc nói.
Không những chỉ đi thu mua và bán lại, nhiều người trong làng còn ra nước ngoài tìm hiểu thị trường. Bởi thế, sản phẩm tóc của làng Đông Bích hiện còn được bán sang cả Mỹ, châu Âu, châu Phi và một số nước châu Á. “Bây giờ hầu như ở làng không bán hàng cho Trung Quốc nữa mà chủ yếu bán hàng cho châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, buôn bán theo đường chính ngạch chứ không theo đường tiểu ngạch nữa”, ông Bắc kể và không giấu vẻ tự hào: “Bây giờ làng thành đạt và con em nghèo khó đi lên, trở thành làng không có tệ nạn xã hội, người dân chịu khó làm ăn. Từ một làng thuần nông đến bây giờ hoàn toàn không có con lợn, con gà nào, không ô nhiễm môi trường, không tệ nạn, làng nghề rất sạch sẽ”.
Tóc khi mang về được xử lý thành sản phẩm |
Anh Nguyễn Văn Tỉnh, một trong những ông chủ xưởng tóc ở Đông Bích cũng cho biết, để thu mua tóc, người làng đi khắp các nơi trong nước, thậm chí sang Lào, Campuchia, Indonesia vì thấy dễ mua hơn Việt Nam... Giá thu mua từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng tùy từng loại, tóc dài, dày và nguyên bản giá cao hơn tóc qua sử dụng hóa chất, nhuộm, ép...
“Sau đó, người ta mang về đây mình thu mua lại rồi mang đi giặt giũ, phơi phóng, phân loại... Ngày trước thường xuất sang Thái Lan, Trung Quốc, còn hiện tại ở đây có nhiều công ty xuất trực tiếp sang châu Âu. Ví dụ như bên thị trường Nga chuyên làm màu, bên châu Phi thì không cần làm màu. Tóc được phân chia thành nhiều loại theo chiều dài, màu tóc”, anh Tỉnh nói và cho hay, tóc phụ nữ Việt Nam được đánh giá cao hơn cả bởi tóc khoẻ, dài, óng mượt, có chất lượng cao nhất là ở các vùng cao như Sơn La, Điện Biên hay vùng đồng bào dân tộc miền Trung... Giá cả tùy thuộc vào độ dài, cân nặng và độ mượt, nhưng đắt nhất vẫn là tóc cái.
Tuy nhiên, khi được hỏi về giá các loại tóc cũng như thu nhập từ nghề này, anh Tỉnh không tiết lộ. Anh cho rằng, dân làm nghề coi đó là bí mật, nếu nói ra việc thu mua sẽ rất khó khăn.
“Ở đây xem cái nghề này là nghề truyền thống của làng, của xã rồi, nhiều người đi học các ngành như giáo viên, ngân hàng, luật sư nhưng sau cũng bỏ về quê để phát triển nghề truyền thống, bởi nguồn thu nhập tốt. Hiện nay, cứ mỗi tháng thôn Đông Bích lại xuất đi khoảng vài chục tấn sang nước ngoài. Nghề buôn tóc được xem là nghề chính, không chỉ đem lại thu nhập đáng kể mà tạo công ăn việc làm để người dân Đông Bích mọi lứa tuổi coi là động lực, chăm chút để kiếm tiền”, anh Tỉnh cho biết thêm.
(Theo Báo Giao thông)