Xem clip:

Chùa Ông nằm trên đường Hai Bà Trưng, rộng hơn 500m², cạnh bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ) sầm uất. Vốn trước đây là hội quán do nhóm người Hoa đến từ hai phủ Quảng Châu và Triệu Khánh (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) cùng đứng ra thành lập để sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng nên chùa còn có tên gọi là Quảng Triệu Hội Quán.

W-chùa ông 4.jpg
Chùa Ông tiêu biểu cho lối kiến trúc đền miếu của người Hoa. Ảnh: Trần Tuyên

Theo tư liệu tại đây thể hiện chùa được khởi công xây dựng vào năm 1894 và hoàn thành sau 2 năm. Phần lớn vật liệu được mang từ Trung Quốc qua. Toàn bộ kiến trúc ngôi chùa bố cục theo hình chữ "Quốc" với các dãy nhà khép kín, vuông góc nhau. Mái lợp ngói âm dương, các gờ bó mái bằng gốm tráng men xanh.

Bước vào chùa có thể thấy cánh cửa chạm khắc tinh xảo mà nhân viên trông coi cho biết chỉ mở vào các ngày rằm và mùng 1 âm lịch hàng tháng. Sau cánh cửa này là nơi thờ tự các vị thần, các nhân vật hiển thánh được cộng đồng sùng bái.

W-chùa ông 2.jpg

Toàn bộ khung sườn chịu lực của công trình đều bằng các loại gỗ quý với hệ thống kèo khá phức tạp, vòm mái được chống đỡ bởi 6 hàng cột vuông, sơn đỏ, chân đế bằng đá tảng nguyên khối.

Nổi bật trong chùa phải kể đến những bức phù điêu từ các bao lam, hoành phi, liễn đối, xà ngang… với hình ảnh mai, lam cúc hay rồng, phụng, cá hoá rồng.

Ngay Tiền điện, phía bên phải thờ Phúc Đức Chính thần, bên trái thờ Mã Tiền Tướng quân. Gian chính điện thờ Quan Thánh Đế Quân (tức Quan Công). Tương truyền đây là vị thần tượng trưng cho “nhân lễ nghĩa trí tín”, cho sự dũng cảm, trung thành và lòng danh dự của người Hoa.

W-chùa ông 1.jpg
Chánh điện chùa Ông. Ảnh: Trần Tuyên

Thờ phối tự còn có Thiên Hậu Thánh Mẫu, Tài Bạch Tinh Quân, Đổng Vĩnh Trạng Nguyên, bên trái chính điện là gian thờ Phật bà Quan Âm. Các tượng được chế tác theo nghệ thuật tượng tròn bằng nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, thạch cao, gốm... 

Hình thức cầu an thường thấy ở chùa là lệ cúng nhang khoanh. Du khách viết tên, năm sinh lên các tấm “bảng vàng” rồi gắn vào khoanh nhang. 

W-chùa ông 3.jpg
chùa ông.jpg
Mỗi khoanh nhang có thể mất 10-12 ngày mới cháy hết. Ảnh: Linh Trang

Du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái nhiều nhất vào các ngày rằm, dịp lễ Tết, đặc biệt là lễ vía Quan Thánh Đế Quân (24/6 âm lịch).

Ngoài những giá trị về mỹ thuật, kiến trúc, Chùa Ông còn là nơi bảo vệ cán bộ hoạt động cách mạng ở nội ô TP Cần Thơ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với những giá trị đó, năm 1993, chùa được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.