Càng bận rộn với công việc bên ngoài bao nhiêu, con người càng có xu hướng trở nên… lười biếng bấy nhiêu khi đặt chân về nhà và giải quyết các công việc của gia đình.

Thực tế, nhiều ông chồng không chịu dọn dẹp trong khi cứ vất đồ đạc tứ tung, nếu không giày một nơi, vớ một góc thì cũng chiếc áo cởi ra rồi vứt lên giường. Trong khi đó, một số bà vợ hay viện cớ quá bận rộn nên không thích nấu nướng, để mặc chồng con cảnh cơm hàng cháo chợ. Sự lười biếng còn lây lan sang cả những đứa con, lười tắm gội hoặc không buồn dọn dẹp đồ vật của chính mình khi đã “bày vẽ” ra khắp nơi là thói quen của bọn trẻ…

Trong cuốn How to Simplify your life (Bí quyết đơn giản hóa cuộc sống), hai tác giả Werner Tiki Kustenmacher và Lothar J. Seiwert đã đưa ra một phương pháp thúc đẩy tính siêng năng, giúp bản thân thoát khỏi sự lười biếng, gọi là “Nguyên tắc 30 giây”.

{keywords} 

Trước tiên, thử đặt chiếc đồng hồ bên cạnh, bạn sẽ nhận ra không tốn quá ba phút để ủi một chiếc áo, năm phút cho tắm rửa và chỉ cần 20 giây nếu phải treo chiếc áo khoác lên tường… Không khó để áp dụng, nguyên tắc này còn mang lại những hiệu quả bất ngờ.

Tập tính siêng năng: Sau một ngày lao động hoặc học tập vất vả, với tâm trạng mệt mỏi, rã rời, muốn nhanh chóng được thư giãn, nghỉ ngơi, chúng ta vô ý tạo nên đống bừa bộn trong không gian sống của mình. Lao theo cơn lười biếng, mỗi người thường tự dặn lòng: “Móc áo khoác lên ư? Không phải là bây giờ”, “nghỉ một tí rồi ta sẽ cất đôi giày vào kệ sau”… Song nếu nhận ra chỉ cần 30 giây cho những công việc ấy, bạn sẽ thấy không nên chần chừ. Khi áp dụng thường xuyên, tính siêng năng dần hình thành, cảm giác chán chường sẽ mất đi khi đứng trước mọi công việc.

Cải thiện tình trạng hôn nhân, gia đình: Một người vợ không thể kéo dài cuộc hôn nhân bên cạnh một ông chồng lười tắm rửa, hễ đi làm về là giữ nguyên quần áo công sở rồi cứ thế “bay” lên giường, hoặc hẹn tới hẹn lui việc đóng lại cái bàn hỏng chân cho vợ. Hạnh phúc cũng khó bề trọn vẹn nếu người vợ không gọn gàng, ngăn nắp, cơm nước cho chồng con cứ qua loa, đại để hay bỏ mặc nhà cửa luôn trong tình trạng lộn xộn, bụi bẩn. Và không bậc phụ huynh nào có thể kiềm nén khi thấy con cái bày biện đồ chơi ra khắp nơi hoặc quần áo cứ cuộn tròn nhét vào ngăn tủ. Gia đình sẽ khó bề đầm ấm nếu thường xuyên nảy sinh xung đột, cáu gắt, thậm chí lên án, chỉ trích nhau do thói tật lười biếng.

Mang đến cảm xúc tích cực: Sự nghỉ ngơi, thư giãn sẽ không hoàn toàn thoải mái khi đống bừa bộn vẫn đang chờ mình giải quyết. Áp dụng “Nguyên tắc 30 giây” khiến bản thân như vừa trút xong một gánh nặng, tinh thần sẽ phấn chấn, thảnh thơi hơn. Việc nghỉ ngơi lúc này cũng trở nên có chất lượng, tâm trạng như được tiếp thêm nguồn năng lượng; từ đó, có cái nhìn vào cuộc sống thêm tươi tắn, tích cực.

Gắn kết các thành viên: Trong một gia đình, thói lười biếng luôn tạo ra hiệu ứng lây truyền. Cha mẹ lười dọn dẹp thì đừng mong con cái siêng năng. Ngược lại, một người tích cực làm việc, những thành viên khác khó có thể làm ngơ. Mỗi người luôn ý thức, tự giác bắt tay ngay vào phần việc của mình để cùng tạo nên một không gian tươm tất, tự nhiên sẽ trỗi dậy các cảm xúc tích cực, kéo gần khoảng cách giữa các thành viên, quan hệ gia đình thêm gắn kết.

“Nguyên tắc 30 giây” còn có tác dụng lớn khi giải quyết các công việc xã hội. Nếu xấp giấy tờ, hồ sơ, sổ sách sau mấy tháng án ngữ hơn nửa góc làm việc, học tập khiến bạn khó chịu song ngại dọn dẹp vì sợ mất thời gian, thì đây, bạn sẽ rất bất ngờ khi thử đặt một chiếc đồng hồ trong lúc giải quyết mớ sổ sách này.

(Theo PNO)