Hãng thông tấn Reuters đưa tin, bình luận trên được ông Pompeo đưa ra tại Bangkok, thủ đô Thái Lan, nơi ông có cuộc họp với các ngoại trưởng các nước tham gia Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong (LMI) ngày 1/8.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc họp ở Bangkok ngày 1/8. (Ảnh: Reuters)

"Mực nước của con sông đang ở mức thấp nhất trong một thập niên qua - hệ quả của việc Trung Quốc xây đập giữ nước ở thượng nguồn", ông Pompeo chỉ ra một cách cụ thể. Theo Ủy hội sông Mekong (MRC), hồi tháng 6 và tháng 7, mực nước trên con sông này giảm xuống mức "thấp nhất trong những kỷ lục thấp".

Sông Mekong bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua các nước Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia và Việt Nam thông qua các lưu vực và nhánh, cung cấp nguồn sống cho 60 triệu người. Tuy nhiên, nhiều nhóm môi trường lo ngại các con đập do Bắc Kinh hậu thuẫn nằm trên thượng nguồn sẽ phá hủy nguồn thủy sản và cho phép Trung Quốc thao túng con sông này.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, các kế hoạch của Trung Quốc đối với dòng sông này, trong đó nổ mìn và nạo vét đáy sông, cho thấy "các xu hướng rắc rối". "Chúng ta đã chứng kiến việc xây đập vô tội vạ trên thượng nguồn củng cố sự kiểm soát đối với các dòng chảy nơi hạ lưu", ông Pompeo nói.

Hạn hán ở Thái Lan đã khiến chính phủ phải kêu gọi người dân hoãn cấy lúa.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại cuộc họp rằng Trung Quốc đã xả thêm nước để "giúp Thái Lan". "Thái Lan đang chịu đựng thì Trung Quốc cũng đang phải chịu đựng", ông Vương Nghị khẳng định.

Giới chuyên gia về môi trường đã nhiều lần cảnh báo về tác hại của những con đập mà Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong, với một số ý kiến còn ví chúng như "những quả bom nước" đang đe dọa các quốc gia hạ nguồn.

Thanh Hảo