“Các tiếp cận dựa trên nguyên tắc” của Philippines để giải quyết vấn đề tranh chấp quần đảo Trường Sa và việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự đang trỗi dậy để khẳng định chủ quyền của mình rất có thể là tâm điểm chính trong cuộc gặp tuần tới tại Washington giữa Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton.


Một quan chức ngoại giao cấp cao của Philippines hôm qua (16/6) cho biết. Nguồn tin nhấn mạnh, bà Clinton đã đưa ra lời mời ông Del Rosario tới thăm Washington vào tháng trước khi căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền Biển Đông gia tăng.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton Ảnh: AP

Trợ lý Ngoại trưởng Philippines J. Eduardo Malaya, xác nhận rằng, ông Del Rosario sẽ “có chuyến thăm chính thức tới Mỹ theo lời mời của bà Clinton” nhưng không cung cấp chi tiết chủ đề thảo luận giữa hai người.

Tuần trước, ông Del Rosario nói rằng “một cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc cung cấp chìa khóa để đảm bảo tuyên bố chủ quyền của Philippines và thúc đẩy giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông”.

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, những nguyên tắc cung cấp một công cụ hiệu quả cho giải pháp hòa bình và công bằng”, ông khẳng định. Chính sách của Philippines với Biển Đông là “kiên định tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia nói rằng, khi bà Clinton có cuộc điện đàm với ông Del Rosario trong tháng 3 để chúc mừng ông được bổ nhiệm cương vị ngoại truonwgr, họ đã nhất trí sẽ gặp nhau.

Sau đó, bà Clinton đã có lời mời”, ông Cuisia nói. Ngoại trưởng Philippines sẽ tới Washington từ 20-24/6.

Cuối tuần trước, đại sứ quán Mỹ ở Manila đã công bố bức điện mừng của Ngoại trưởng Mỹ nhân Ngày Độc lập của Philippines. Trong đó, bà nói rằng, hai nước là “bạn bè và đối tác lâu dài”.

Chúng ta đã sát cánh bên nhau trong suốt Thế chiến II để bảo vệ các giá trị tự do dân chủ. Ngày nay, chúng ta đang làm việc cùng nhau ở nhiều mặt trận mới. Cho dù đang làm việc để tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp đỡ nạn nhân thảm họa tự nhiên, đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan, kêu gọi bảo vệ tốt hơn quyền con người, hai nước chúng ta đều cùng chia sẻ một tầm nhìn về một thế giới tốt hơn”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Tháng 10 năm trước, bà Clinton đã nói với các nhà lãnh đạo ASEAN tại một hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội rằng: “Mỹ có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không bị cản trở. Và khi tranh chấp gia tăng về chủ quyền hàng hải, chúng tôi cam kết sẽ giải quyết một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế”.

Theo bà Clinton, Washington không có ý định từ bỏ vai trò như một cường quốc chiếm ưu thế trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ song phương và tiếp tục mở rộng các đối tác mới nổi của chúng tôi với nhiều quốc gia”.

Hãng AP bình luận: “Tuyên bố của bà Clinton là sự tế nhị trong cách thức ngoại giao, nhưng thông điệp là rõ ràng: Trung Quốc không được sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự đang trỗi dậy của mình để bắt nạt láng giềng. Những phát ngôn tương tự trước đó từ bà Clinton và các quan chức khác của Mỹ đã bị chỉ trích mạnh mẽ từ Trung Quốc – nước tuyên bố chủ quyền với các vùng rộng lớn ở biển Hoa đông và Biển Đông”.

  • Thái An (Theo inquirer)