Sáng 13/5, theo giờ địa phương, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Chính phủ và nhân dân Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam gần 40 triệu liều vắc xin phòng chống Covid-19 qua kênh song phương cũng như qua cơ chế COVAX vào thời điểm Việt Nam đang gặp khó khăn nhất, giúp Việt Nam kiểm soát đại dịch. Ảnh: X.G

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Mỹ đã ứng phó thành công với đại dịch Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường với minh chứng sống động là việc tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ tại Thủ đô Washington DC. Trong thành công đó, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như cá nhân Ngoại trưởng Blinken đóng vai trò rất quan trọng.

Quan hệ hai nước có lịch sử đặc biệt

Trao đổi về quan hệ song phương Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quan hệ hai nước có lịch sử đặc biệt. Ngay từ khi Việt Nam mới giành độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Truman, trong đó đặc biệt là lá thư ngày 16/2/1946.

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay quan hệ giữa hai nước đã đạt được những bước tiến dài và tích cực. Trong đó, chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ 7 năm trước đã đặt nền móng vững chắc, tạo cơ sở để quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ phát triển sâu rộng, trên nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, vì hoà bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. 

Khẳng định, Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Thủ tướng đánh giá cao chính sách của Mỹ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng.

Người đứng đầu Chính phủ hoan nghênh những kết quả tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua, thể hiện qua việc trao đổi đoàn các cấp, các ngành và lĩnh vực, kim ngạch thương mại đang ngày càng tăng nhanh và ổn định, đạt gần 112 tỷ USD năm 2021 bất chấp các khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tăng cường hợp tác ở các lĩnh vực Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng như giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: X.G

Trên cơ sở chân thành, tin cậy, trách nhiệm, tôn trọng, bình đẳng và cùng có lợi, Thủ tướng đề nghị Mỹ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực cụ thể như khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như phối hợp xử lý các vấn đề toàn cầu như ứng phó với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chống sụt lún ở đồng bằng Sông Cửu Long, bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững và có sức chống chịu…

Mỹ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng

Ngoại trưởng Blinken chia sẻ những kỷ niệm đẹp về Việt Nam qua hai chuyến thăm Việt Nam vào 2015 và 2016, nhất là những ấn tượng sâu sắc về sự cần cù, hiếu khách của người dân cũng như sự năng động của nền kinh tế Việt Nam.

Ngoại trưởng Blinken tái khẳng định Mỹ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và bày tỏ nhất trí với đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính về những bước tiến tích cực và tiềm năng của quan hệ Việt Nam – Mỹ. Ngoại trưởng Blinken khẳng định Mỹ coi vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh là một trong những ưu tiên cao trong quan hệ với Việt Nam. Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19, Ngoại trưởng Blinken mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào nỗ lực cùng quốc tế để kiểm soát dịch bệnh.

Về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Ngoại trưởng Blinken hoan nghênh những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 và khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết này.  

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Blinken cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Việc Mỹ và ASEAN tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, góp phần tăng cường hợp tác toàn diện, trách nhiệm giữa Mỹ với ASEAN nói riêng và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nói chung.

Ngoại trưởng Blinken cho biết sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một trong những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy một khuôn khổ kinh tế có lợi cho tất cả các nước. Đây là một cơ chế mở và linh hoạt, đồng thời nhất trí về việc cần làm rõ hơn nội hàm của sáng kiến này.

Hai bên nhất trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Đề nghị Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Tại đây, Thủ tướng đánh giá cao vai trò, nỗ lực của Hội đồng An ninh Quốc gia trong phối hợp với các nước ASEAN tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ. Qua đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Biden đối với ASEAN và khu vực.

Khẳng định Việt Nam luôn coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, Thủ tướng mong muốn cùng Mỹ tiếp tục đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thực chất, ổn định lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi nước và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới.

Thủ tướng đề nghị Mỹ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả và đa dạng hoá chuỗi cung ứng, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu…  Cố vấn Sullivan chia sẻ nhận định của Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng sự chân thành, tin cậy và trách nhiệm là phương châm để có mối quan hệ tích cực giữa hai quốc gia. Ông khẳng định, Mỹ tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự khác biệt về hệ thống chính trị giữa Mỹ và các nước đối tác...

Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thu Hằng (từ Washington D.C)