Hiện đã có 34/63 tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành các văn bản triển khai công tác ngoại giao kinh tế để thực hiện chương trình hành động của Chính phủ.
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21, tại phiên thảo luận 1 với chủ đề “Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương trong tình hình mới”, Chủ tịch tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh Thái Phúc Sơn và Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng chia sẻ các bài học thành công trong việc xúc tiến đầu tư nước ngoài, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa và thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bình Dương “trải chiếu hoa" mời gọi đầu tư, "trải thảm đỏ" thu hút nhân tài
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ rằng, những hoạt động đối ngoại đa dạng, phong phú và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
“Thu hút FDI của tỉnh gấp hơn 30 lần về số vốn và số dự án so với năm 1997. Lũy kế đến ngày 30-11-2023, toàn tỉnh hiện có hơn 4.200 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 40,3 tỷ USD, đứng thứ hai trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài”, ông Võ Văn Minh dẫn chứng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, để tiếp tục thu hút FDI cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của địa phương, phối hợp đồng bộ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; thực hiện các quy hoạch vành đai công nghiệp, vành đai đô thị, dịch vụ gắn với vành đai giao thông, phát triển công nghiệp khoa học công nghệ, công nghiệp thế hệ mới, phát triển các đô thị theo mô hình Phát triển theo hệ thống giao thông công cộng (Transit Oriented Development – TOD) và mô hình Khu liên hợp công nghiệp-đô thị-dịch vụ; quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối vùng; tập trung phát triển hạ tầng văn hóa-thể thao-y tế-giáo dục-khoa học công nghệ cùng với tập trung quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trong vùng.
Mỗi người Hà Tĩnh ở nước ngoài là một “Đại sứ văn hóa”
Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh Thái Phúc Sơn thông tin: Hà Tĩnh hiện có khoảng 85.000 người đang học tập, công tác và làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có nhiều trí thức, chuyên gia đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng quê hương đất nước...
Với phương châm mỗi người Hà Tĩnh ở nước ngoài là một “Đại sứ văn hóa”, cộng đồng người Hà Tĩnh ở nước ngoài ngày càng ý thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc duy trì, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, truyền thống quê hương Hà Tĩnh, gìn giữ và phát huy tiếng Việt trong lòng xã hội ở nước sở tại.
UNESCO công nhận di sản vịnh Hạ Long có sự tiếp sức của nhiều cơ quan
Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng cho biết, với địa hình đa dạng được phân bổ hợp lý, có miền núi, trung du, đồng bằng, biên giới, hải đảo; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo hướng bền vững; đặc biệt có di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và trên 600 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 57 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 89 di tích xếp hạng cấp tỉnh... là những điều kiện thuận lợi để Tỉnh lựa chọn tăng trưởng xanh cho mục tiêu phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngày 16/9, tại thủ đô Ryiad, Saudi Arabia, ranh giới di sản thế giới vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh được Uỷ ban Di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 45 phê duyệt mở rộng sang Quần đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng. Sự kiện này đã đưa vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trở thành di sản thế giới đầu tiên ở Việt Nam có ranh giới nằm trên địa phận hai tỉnh.
Sự thành công của hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà vào Danh mục Di sản thế giới là thành quả của những nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian dài của chính quyền tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, của cộng đồng và trên hết là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ; sự tư vấn chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các chuyên gia trong nước và quốc tế về di sản, và vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO trong việc hoàn thiện và vận động hồ sơ đề cử.
Được biết, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đối ngoại nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, qua đó thúc đẩy tìm kiếm nguồn lực bên ngoài, nhất là các nguồn lực thế hệ mới phục vụ cho phát triển địa phương.