Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề Biển Đông ngày càng bị cô lập do không có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 vào ngày 26/6 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về “cải tạo đất”, "những diễn biến gần đây" và "các sự cố nghiêm trọng" trong khu vực.
Cách tiếp cận ngoại giao "chiến lang" của Bắc Kinh liên quan đến các quốc gia láng giềng có thể "phản tác dụng" vì sự hung hăng quá mức. Bất kỳ lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương nào hay các biện pháp trừng phạt theo Bộ luật Biển xanh của Bắc Kinh ở vùng Biển Đông đều không thể chấp nhận.
Tàu Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: PLA |
Các quốc gia ven biển đang nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải thể hiện sự bất mãn của họ với các hành vi thái quá của Trung Quốc so với giữ im lặng để cứu vớt một nền hòa bình mong manh. Philippines đã tuyên bố phán quyết không thể đàm phán. Ngay cả Malaysia cũng từ bỏ truyền thống "ngoại giao im lặng" của nước này để lên tiếng bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với các thực thể ở Biển Đông, bao gồm cả tuyên bố chủ quyền và các yêu sách biển, hoàn toàn trái ngược luật pháp quốc tế. Công hàm của Malaysia còn đi xa hơn cả các quyết định của Tòa trọng tài.
Trong bối cảnh Trung Quốc đề xuất loại trừ bất kỳ công ty dầu khí nước ngoài nào ra khỏi khu vực vì mục tiêu của Bắc Kinh là khẳng định các yêu sách quá mức bất chấp thiệt hại của những quốc gia khác, cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử sẽ không kết thúc trong tương lai gần.
Phán quyết bị đe dọa vô hiệu
Báo cáo chung của Việt Nam - Malaysia và báo cáo riêng của Việt Nam về ranh giới thềm lục địa mở rộng đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc lần lượt vào các ngày 6 và 7/5/2009 đã bắt đầu cuộc chiến pháp lý thứ nhất ở Biển Đông (cuộc chiến trao đổi công hàm ngoại giao 1.0).
Tổng cộng các bên đã trao đổi qua lại 12 công hàm thông qua Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (trong đó Trung Quốc - 3 công hàm, Malaysia - 2, Philippines - 3, Việt Nam - 3 và Indonesia - 1 công hàm). Trung Quốc đã phản ứng bằng việc lần đầu tiên chính thức công bố bản đồ đường 9 đoạn trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc vào tháng 5/2009, sau đó tranh chấp bãi cạn Scarborough vào năm 2012 và tiếp đó tiến hành cải tạo một số đảo nhân tạo đã chiếm giữ trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 2014.
Dưới sức ép của Trung Quốc, tranh chấp ở Biển Đông đã không được đề cập đến trong Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012. Hành động của Trung Quốc cho thấy, nước này gần như không có đối thủ trong trong khu vực. Tuy nhiên, những hành động hăm dọa của Trung Quốc và cuộc chiến trao đổi công hàm ngoại giao 1.0 đã thúc đẩy Philippines khởi xướng thủ tục trọng tài được quy định trong Phụ lục 7 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, để chống lại Trung Quốc vào năm 2013.
Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, có lợi cho Philippines. Song, thái độ của quốc gia quần đảo này dưới thời Tổng thống mới và sự kiên quyết bác bỏ của Trung Quốc đã đe dọa vô hiệu phán quyết.
Bước ngoặt trong cuộc chiến pháp lý
Bản đệ trình thềm lục địa mở rộng mới của Malaysia vào tháng 12/2019 đã tạo ra một bước ngoặt trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông. Cuộc chiến trao đổi công hàm ngoại giao 2.0 (so với cuộc chiến công hàm 1.0 lần một trong năm 2009 - 2011) toàn diện hơn với sự tham gia rộng hơn của các quốc gia bị ảnh hưởng khác, bao gồm cả các quốc gia ngoài khu vực.
Nhóm tàu Mỹ tập trận tại Biển Đông vào đầu tháng 7. Ảnh: Reuters |
Trong vòng 9 tháng, từ tháng 12/2019 đến tháng 8/2020, 16 công hàm, 2 công thư ngoại giao và một tuyên bố (thông qua Tổng thư ký LHQ) đã được trao đổi. Trong số các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Brunei ra một tuyên bố; Trung Quốc gửi 6 công hàm và 1 công thư; Malaysia - 2 công hàm; Philippines - 2 công hàm, Việt Nam - 3 công hàm. Với các nước không có tuyên bố chủ quyền trong khu vực, Australia gửi một công hàm; Indonesia - 2 công hàm và Mỹ - 1 công thư ngoại giao.
Ngoại trưởng Mỹ Michael R. Pompeo đã làm mạnh thêm lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách biển ở Biển Đông bằng thông cáo báo chí ngày 13/7/2020. Tuyên bố của ông Pompeo đã dẫn đến một loạt tuyên bố sau đó của các đồng minh Mỹ với nội dung đều coi các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông là "không có căn cứ pháp lý".
Lập trường của hầu hết quốc gia trong và ngoài khu vực phù hợp với các quyết định của Toà trọng tài quốc tế. Không có bất kỳ yêu sách biển nào không phù hợp với UNCLOS lại có thể được chấp nhận, bao gồm cả yêu sách đường 9 đoạn hay yêu sách Tứ Sa hoặc bất kỳ tuyên bố chủ quyền lịch sử nào. Bất kỳ hoạt động bồi đắp, tôn tạo hay các hình thức chuyển đổi nhân tạo nào khác cũng không thể thay đổi trạng thái pháp lý tự nhiên của một cấu trúc địa lý theo UNCLOS.
Trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông
Điểm nhấn chính của các công hàm chính là không ai có thể thay đổi hoặc đàm phán lại phán quyết của Tòa vì đó phán quyết chung thẩm. Mỹ gọi các yêu sách hàng hải của Trung Quốc là "hoàn toàn bất hợp pháp". Australia không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng, các yêu sách chủ quyền của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa "được đông đảo cộng đồng quốc tế công nhận".
Malaysia đã đặt dấu chấm hết cho yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc khi quả quyết, các tuyên bố chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với các thực thể biển ở Biển Đông là "không có cơ sở theo luật pháp quốc tế".
Cuộc chiến trao đổi công hàm ngoại giao 2.0 có ý nghĩa quan trọng ở chỗ nó khuyến khích các quốc gia có tuyên bố chủ quyền thể hiện rõ lập trường của họ đối với việc giải thích và áp dụng UNCLOS, làm rõ các ranh giới yêu sách biển, việc tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài quốc tế và giải pháp cuối cùng khả dĩ chấp nhận được.
Cuộc chiến cũng chia các quốc gia có tuyên bố chủ quyền thành hai nhóm riêng với quan điểm cơ bản đối lập nhau. Trong khi hầu hết các quốc gia, có yêu sách và không có yêu sách tại Biển Đông, đều coi UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất để xác định và giải quyết các tranh chấp biển thì Trung Quốc vẫn tiếp tục trộn lẫn yêu sách chủ quyền lịch sử với danh nghĩa có vùng biển đầy đủ đối với các thực thể trong khu vực.
Cuộc chiến trao đổi công hàm 2.0 đã làm sống lại ý nghĩa bền vững của phán quyết Tòa trọng tài năm 2016.
Trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông sẽ được duy trì khi phán quyết được tuân thủ đầy đủ bởi hai bên, Philippines và Trung Quốc và luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS hoàn toàn được tất cả các bên tôn trọng. Tất cả các quốc gia, trong và ngoài khu vực, có thể cùng hưởng lợi ích của việc có Biển Đông như một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - viết trên Tạp chí The Diplomat
Chuyển ngữ: Quỳnh Anh
Bốn năm sau phán quyết Biển Đông: Gió đổi chiều
Phán quyết là điểm tựa cho các nước ASEAN trong cuộc đấu tranh vì một trật tự dựa trên luật pháp với vai trò trung tâm của ASEAN nhằm đạt mục tiêu hòa bình, ổn định và năng động.