- Là người dân Đà Nẵng, khi đi đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh cho con... bạn sẽ nhận được một tấm thiệp chúc mừng. Nếu không phải là cư dân ở đây, dù chỉ đến thành phố này du lịch và một lần lỡ vi phạm luật giao thông bạn cũng sẽ rất cực kỳ bất ngờ.
'Chuyện lạ' về cảnh sát giao thông Đà Nẵng Nhiều người từ nơi khác đến TP. Đà Nẵng khi vi phạm luật giao thông như chạy vào đường cấm, đậu đỗ trái phép… chỉ bị lực lượng CSGT “hỏi thăm” và nhắc nhở. |
CSGT được hỗ trợ để không tiêu cực
Được mệnh danh là "Thành phố đáng sống nhất ở Việt Nam", Đà Nẵng gây bất ngờ cho khách du lịch bởi nếu họ vi phạm luật giao thông như chạy vào đường cấm, đậu đỗ trái phép…. chỉ bị lực lượng CSGT “hỏi thăm” và nhắc nhở. Thậm chí, còn được hướng dẫn tận tình để lần sau không tái phạm.
Đại tá Lê Ngọc - Trưởng phòng Phòng CSGT CATP Đà Nẵng cho biết trên VietNamNet: “Chủ trương của chính quyền TP là nếu phát hiện khách du lịch hay người ở các tỉnh thành đến Đà Nẵng nếu vi phạm các lỗi như đi ngược chiều, không đúng làn đường... thì CSGT thực hiện dừng xe, giải thích lỗi vi phạm cho người dân, cho lái xe hiểu. Nếu tái phạm nhiều lần sẽ xử lý nghiêm”.
CSGT Đà Nẵng không những không xử phạt mà còn tận tình chỉ dẫn cho lái xe đi đúng đường trong TP |
Được biết, từ đầu năm 2012, TP này đã có quyết định hỗ trợ mỗi chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ tại 4 trạm cửa ô là Hòa Phước, Hòa Nhơn, Hòa Hải và Kim Liên 5 triệu đồng/tháng. Số tiền hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách TP.
Giải thích về điều này, lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng, việc hỗ trợ nhằm giảm bớt những khó khăn về đời sống kinh tế cho các cán bộ chiến sĩ để họ yên tâm công tác, tránh mọi cám dỗ, tiêu cực.
Ngoài việc hỗ trợ tiền, Đà Nẵng cũng đang lắp đặt camera giám sát quá trình kiểm tra, xử lý của CSGT tại 4 trạm cửa ô, nếu phát hiện cá nhân nào sai phạm sẽ đuổi khỏi ngành.
Chính vì lẽ đó nên nếu bất cứ ai, chức vụ nào mà vi phạm luật lệ giao thông tại địa bàn TP Đà Nẵng đều từ bỏ ý định kêu ca hay xin xỏ, bởi họ thừa biết rằng nếu kêu ca hay nhờ vả cũng không có ai dám tha.
Tặng thiệp chúc mừng cho người dân
Một cử chỉ đẹp của TP này đang gây xôn xao dư luận gần đây là từ những tấm thiệp. Cuối tháng 2/2015, UBND phường Hải Châu 1, quận Hải Châu thực hiện việc gửi thư chúc mừng đến người dân khi đăng ký kết hôn hoặc làm giấy khai sinh cho con, thư chia buồn khi gia đình họ có người vừa qua đời và thư xin lỗi khi cán bộ phường chậm trễ hoặc làm sai đối với người dân.
Theo lãnh đạo phường này, các thư cảm ơn, thư chia buồn… đều có tên cụ thể của người dân. Việc làm này giúp cán bộ phường hiểu hơn về tâm tư, hoàn cảnh của người dân.
Một gia đình có thành viên mới hay có người thân vừa qua đời, cán bộ phường cũng đều biết để chia sẻ và không vô cảm trước hoàn cảnh của người dân.
Đây là việc làm rất mới mẻ nên người dân khi nhận được thư đều tỏ ra rất bất ngờ.
Tuy nhiên, người dân được nhận thư chúc mừng phải là gia đình thực hiện đúng kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3; các cặp vợ chồng chấp hành đúng luật hôn nhân một vợ, một chồng...
Chuyện lạ ở nhà vệ sinh công cộng
Tại nhà vệ sinh công cộng ở bến xe khách liên tỉnh Đà Nẵng, bất cứ ai “buồn cái sự đời” đều được nhà vệ sinh công cộng 'đón tiếp' miễn phí. Tuy nhiên, điều đặc biệt là ai vào đây cũng phải để giày dép ở ngoài, sau đó thay dép khác mới được vào.
Ngoài ra, theo báo Tiền phong, một chuyện tạo nên "tiếng thơm" cho Đà Nẵng nữa là chuyện thu phí trông xe, tắm biển. Mặc dù giữa những ngày hè nóng nực 39, 40 độ, người dân Đà Nẵng cũng như du khách đến các bãi biển đông ngẹt, giá gửi một xe máy và hai người tắm tráng cũng chỉ mất 4000 đồng. Dù đông hay ít khách cái giá này cũng không đổi.
TP biết "lắng nghe"
Buổi lắng nghe, vận động thanh thiếu niên nói không với ma túy ở Đà Nẵng (Ảnh: GDVN) |
Không chỉ tìm mọi cách làm hài lòng du khách, TP này cũng có nhiều động thái tích cực nhằm hạn chế các tệ nạn xã hội. Sáng 18/6 vừa qua, Bí thư TP cùng Chủ tịch các quận, huyện đã có buổi nói chuyện với 100 thanh thiếu niên đã từng và đang sử dụng ma túy trên địa bàn.
Để các cháu, các em có thể thoải mái nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, Bí thư Đà Nẵng yêu cầu cứ nói thoải mái, lãnh đạo TP sẽ xem xét giải quyết.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Trần Thọ cho rằng lãnh đạo TP không thể nào bỏ rơi, không kỳ thị, xa lánh các em. Bằng chứng là có đầy đủ Bí thư, Chủ tịch các quận huyện ngồi đây để lắng nghe.
Ông Trần Thọ cũng cho hay TP sẽ giúp đỡ các em bằng cách hỗ trợ học nghề, tác động đến các doanh nghiệp để nhận các em vào làm việc, sẽ hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện cho các em làm ăn...
Chi tiền cho người dân liên hoan
Nhân dịp kỉ niệm ngày giải phóng thành phố 29/3, chính quyền TP này cũng đã quyết định chi 19 tỉ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ khoảng 6.000 thôn, tổ dân phố tổ chức liên hoan.
Mỗi tổ dân phố sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng, còn mỗi thôn là 12 triệu đồng. Đây cũng là lần đầu tiên sau 40 năm, người Đà Nẵng mới có dịp tổ chức một tiệc mừng rộng rãi và quy mô.
Theo ông Đào Tấn Bằng - Bí thư quận Ngũ Hành Sơn, người dân rất phấn khởi khi nhận được khoản tiền hỗ trợ của TP nên nhiều khu dân cư đã quyết định làm heo ăn mừng.
Từ những việc làm nhỏ, những chính sách của TP này đã nhanh chóng "lấy lòng" người dân cũng như du khách có cơ hội được đặt chân đến đây.
'Chuyện lạ' về cảnh sát giao thông Đà Nẵng Nhiều người từ nơi khác đến TP. Đà Nẵng khi vi phạm luật giao thông như chạy vào đường cấm, đậu đỗ trái phép… chỉ bị lực lượng CSGT “hỏi thăm” và nhắc nhở. |
Lê Lan (tổng hợp)