Ba bài viết về đời sống công chức với đồng lương “suy dinh dưỡng” khiến họ đắn đo lập gia đình hoặc sinh con và phải làm thêm mọi việc để bươn chải đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của nhiều độc giả. Nhiều người thấy bóng dáng cuộc sống của mình trong những câu chuyện được các nhân vật trải lòng trong bài viết. Họ cũng tự kể về cuộc sống chật vật của chính mình với đồng lương còm cõi…

>> Công chức loay hoay kiếm kế sinh nhai
 >> Không dám sinh con vì lương thấp
 >> Làm Nhà nước 23 năm, hưởng lương... 2 triệu


“Sao giống mình thế!”

Rất nhiều công chức đã thốt lên câu nói trên sau khi đọc những thông tin về “người cùng cảnh ngộ” trong các bài viết trên VietNamNet. Điểm chung của họ là “lương 1,3 triệu/tháng/người, cha mẹ trợ cấp thêm 1 triệu/tháng, cuộc sống bế tắc, không lối thoát”.

Rất nhiều người sau khi “mạnh dạn” sinh đứa con đầu lòng đang rất đắn đo khi muốn sinh tiếp đứa thứ 2 vì “không biết sẽ nuôi nấng kiểu gì. Đứa đầu không có ông bà ngoại viện trợ thì cũng không thể sống sót nổi đến ngày hôm nay”.

Rất nhiều công chức đã thốt lên câu nói trên sau khi đọc những thông tin về “người cùng cảnh ngộ” trong các bài viết trên VietNamNet. Điểm chung của họ là “lương 1,3 triệu/tháng/người, cha mẹ trợ cấp thêm 1 triệu/tháng, cuộc sống bế tắc, không lối thoát”.
Nhiều người cũng chia sẻ lương tháng tính ra cũng tầm hơn 2 triệu, cả 2 vợ chồng được khoảng 5 triệu (làm 12 tiếng mỗi ngày/người). Với mức thu nhập đó, đã mất khoảng 1 triệu tiền nhà, điện, nước, “khi con nhỏ ý thích uống sữa nhưng chỉ dám cho con uống ngày 2 hộp sữa vinamilk chứ không dám cho nhiều hơn chứ đừng nói đến sữa ngoại”.

Trước thực tế có không ít công chức vì thu nhập quá thấp nên đắn đo chuyện lập gia đình hoặc lập gia đình rồi nhưng không dám sinh con, nhiều ý kiến bạn đọc (có thể cùng cảnh ngộ) đã bày tỏ thông cảm và động viên: “Lương thấp thì vẫn phải lấy vợ, vẫn phải sinh con. Có nhiều ta tiêu theo kiểu có nhiều, có ít ta tiêu theo kiểu có ít. Khi có rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì ta càng phải cố gắng kiếm tiền, cố gắng làm thêm xoay xở để sinh tồn. Biết đâu lấy vợ sinh con trời thương lại cho lộc”, bạn đọc dtien16 chia sẻ.

Có những bạn đọc cho rằng làm Nhà nước rất nhàn nên hưởng mức lương thấp là xứng đáng. Tuy nhiên, không ít bạn đọc phản bác: “Không phải là sướng nếu nhàn theo kiểu làm Nhà nước. Nhàn mà lại suốt ngày lo cơm áo gạo tiền thì còn khổ hơn, cảm thấy thời gian trôi qua rất lãng phí. Lúc nào cũng phải loay hoay đổi việc, rồi làm thêm, làm nếm.

Chúng tôi sẵn sàng làm vất vả nhưng lương cao. Như vậy sẽ thoải mái hơn. Còn làm việc ở Bộ là có thưởng, có lộc thì tôi nghĩ chỉ một bộ phận thôi, còn nhân viên quèn thì cũng chỉ hưởng lương theo đúng bậc ngạch. Giảng viên đại học và cán bộ Viện nghiên cứu cũng thế. Nhìn vào nhà nước công nhận có những người đất đai, nhà cửa, xe nọ xe kia, nhưng mà thường phải khi nắm giữ một chức vụ gì đó dễ có bổng lộc”.

Vì sao không dám từ bỏ?

Nhiều bạn đọc đã băn khoăn khi đặt ra câu hỏi: Trước khi vào Nhà nước, người lao động biết lương thấp, công việc nhàn nhưng cơ hội thăng tiến rất khó, thậm chí biết là có chân trong Nhà nước cũng là cả một vấn đề. Vậy tại sao vẫn vào Nhà nước?

“Tôi thấy kinh ngạc khi có nhiều bạn cam chịu làm Nhà nước với mức lương không đủ ăn mà vẫn cố bám lấy chỉ vì 1 chữ "nhàn". Nhàn làm gì khi ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, chơi không dám chơi? Các bạn còn trẻ thì phải lao động hết mình để sống tốt và có tích lũy cho tương lai, ít ra cũng phải kiếm đủ tiền để mua sắm những thứ mình thích mà không phải suy nghĩ nhiều, rồi thỉnh thoảng biếu bố mẹ tiền ăn quà, cho bố mẹ đi du lịch cho các cụ vui vẻ... Có cơ man thứ cần đến tiền mà chỉ vì sợ vất vả các bạn đã bỏ qua những cơ hội tốt”, một độc giả bày tỏ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu ai cũng có tư tưởng “ra đi” thì sẽ lấy ai làm giáo viên, ai làm bác sỹ, ai sẽ làm công việc hàng ngày trong cơ quan Nhà nước hiện nay? Đó là chưa kể đến việc làm Nhà nước có quan hệ rộng, dễ có được học bổng đi du học (chỉ cần thông minh, nhanh nhẹn một chút), ở lâu lên lão làng nên càng có thâm niên tiếng nói càng có trọng lượng (khác hẳn với công ty nước ngoài), …

“Hơn nữa, làm Nhà nước lâu nên cũng ì ạch lắm. Nhất là đầu vào của nhà nước hiện nay tỷ lệ rất cao là những người làng nhàng, vì người giỏi, suất sắc, nhanh nhẹn, tháo vát thì có vào nhà nước làm gì đâu. Vì vậy nhiều người chả có cơ hội làm thêm, cũng chả có đủ năng lực để bứt phá ra ngoài. Làm được đã làm rồi, ra được đã ra rồi, còn đâu thời gian mà ngồi kêu ca nữa”, bạn đọc namxuxi chia sẻ.

Tất yếu phải tự thân vận động Nhiều công chức đã xác định “đây là thực trạng chung của cả nước, nói nhiều thành ra đổ lỗi cho nhau, mỗi người phải tự lo lấy cuộc sống của mình, phải tự thân vận động. Xung quanh ta còn nhiều cơ hội để làm việc”. Vì thế, rất nhiều công chức đã chia sẻ những cách làm thêm để tăng thu, xoay sở đảm bảo cuộc sống của cả gia đình. Có những công chức cho biết ngày đi làm ở cơ quan Nhà nước nhưng tối về phải đi thu tiền điện, tiền nước cho công ty điện nước hoặc thu tiền điện thoại, tiền internet cho công ty viễn thông.

Thu nhập từ khoản này không thể gọi là cao (mỗi tháng tổng cộng được trên 1 triệu) nhưng mức này đã bằng nửa tháng lương của một công chức có thâm niên làm việc gần chục năm trong cơ quan Nhà nước. Cũng lại có những người làm thêm bằng những công việc chân tay khác như làm bảo vệ buổi tối cho các công viên – nơi có nhiều người vào chơi, tập thể dục… Có người đi giao hàng, có người nhận đánh máy thuê, có người không thể xoay sở vào đâu được đành cầu cứu đến sự viện trợ của cha mẹ, anh em – những người có điều kiện kinh tế tốt hơn mình.

Cẩm Quyên (Tổng hợp)