Nhiều năm qua, Ngô Thanh Vân là người trong cuộc của điện ảnh Việt. Cô kinh qua nhiều vai trò, từ đả nữ trên màn ảnh đến đạo diễn, nhà sản xuất phim. Như nhà phê bình Lê Hồng Lâm từng nhận định, Ngô Thanh Vân là "người cuối cùng của lứa ngôi sao kiểu cũ".

Những năm gần đây, cô dành nhiều thời gian để tìm kiếm những cái mới cho điện ảnh Việt, bao gồm cả những đạo diễn mới, biên kịch mới, diễn viên mới và cả những kịch bản mới mẻ. Dù đôi khi, thành quả từ những cố gắng mà Ngô Thanh Vân đem lại vẫn chưa thật sự khiến khán giả thỏa mãn.

Nói về chính mình, Ngô Thanh Vân thừa nhận bản thân cô giậm chân tại chỗ suốt một năm qua. Còn đối với điện ảnh Việt, cô cho rằng không ít người lấn sân phim ảnh với vai trò nhà sản xuất để có thêm một danh xưng và "để ghi tên mình lên phim".

{keywords}
Ngô Thanh Vân là "bà đỡ" của không ít đạo diễn, biên kịch trẻ, để tác phẩm của họ có cơ hội đến với công chúng.


"Trở về với kịch bản bình thường, Lan Ngọc không thể tỏa sáng"

- Điện ảnh Việt năm vừa qua chứng kiến sự xuất hiện của những gương mặt trẻ tiềm năng, có thể kể đến Liên Bỉnh Phát, Jun Vũ, Hoàng Yến Chibi, Phương Anh Đào... Chị nghĩ họ có thể trở thành thế hệ ngôi sao điện ảnh tiếp theo của điện ảnh Việt?

- Sở dĩ điện ảnh Việt nhiều năm qua không có được ngôi sao điện ảnh mới là do chúng ta không chịu đầu tư nghiêm túc về kịch bản. Những gương mặt kể trên đều là những diễn viên có tiềm năng nhưng khó có cơ hội để thể hiện tài năng bởi kịch bản của chúng ta đang quá nghèo nàn.

Diễn viên Việt vốn hay lười biếng trong việc đẩy khả năng của bản thân, vì vậy họ càng cần nhân vật giúp họ đẩy khả năng của chính mình đến một giới hạn mới. Có như vậy họ mới có thể tỏa sáng.

Ví dụ Ninh Dương Lan Ngọc, trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể hay Cô Ba Sài Gòn, tôi luôn tạo ra nhân vật đòi hỏi sự phá cách để lột tả tất cả những gì cô ấy có thể làm được. Tôi đẩy Lan Ngọc đến những thử thách không dễ gì đối với cô ấy. Nhưng sau đó, tôi lại thấy Lan Ngọc quay trở lại với với vòng an toàn của chính mình, với những kịch bản rất bình thường. Khi diễn, cô ấy chỉ làm với những phản ứng mà cơ thể mình cho phép, vì vậy không thể tỏa sáng.

- Chị vừa nói diễn viên Việt vốn lười biếng, nhưng tất cả vẫn quy cho kịch bản nghèo nàn?

- Đúng, diễn viên Việt có phần lười, thiếu sức bật nhưng đó không phải là tất cả bởi mọi thứ đều bắt đầu bằng kịch bản. Chúng ta khó trách được diễn viên vì họ đều phải lo cơm áo gạo tiền. Thị trường sản xuất phim gì thì người ta cho mình vai diễn đó. Vì cuộc sống, họ vẫn phải chấp nhận thôi. Kịch bản tới tay mà diễn viên không nhận thì mất đi chi phí để trang trải cuộc sống.

Vì vậy, bắt buộc họ phải tham gia những dự án mà họ không thích. Rõ ràng thị trường đang có quá ít sự lựa chọn cho diễn viên. Nếu muốn trách thì chúng ta phải trách các nhà làm phim không đủ thời gian để đầu tư vào những kịch bản nghiêm túc.

{keywords}
"Nếu muốn trách thì chúng ta phải trách các nhà làm phim không đủ thời gian để đầu tư vào những kịch bản nghiêm túc".

- Diễn viên châu Á bắt đầu có chỗ đứng ở thị trường Hollywood sau phim "Hội con nhà giàu châu Á", liệu có cơ hội nào cho diễn viên Việt?

- Tôi nghĩ rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Ngôn ngữ là rào cản rất lớn. Bản thân tôi còn cảm thấy rất khó thì đừng nói đến các diễn viên khác ở Việt Nam, may ra thì có diễn viên người Việt lớn lên ở nước ngoài mới có cơ hội.

'Nhiều nghệ sĩ làm sản xuất phim để có thêm danh xưng'

- Nhiều năm nay, khi nhắc đến đả nữ phim Việt, người ta thường nhắc đến cái tên Ngô Thanh Vân. Dường như việc tìm kiếm diễn viên kế thừa danh xưng này không phải dễ dàng?

- Để có thể vào vai đả nữ, diễn viên phải có sự chín muồi trong diễn xuất, tính cách phải có phần tomboy ngoài đời, có sức khỏe tốt và chịu hy sinh. Với những yếu tố đó, các diễn viên trẻ hiện tại còn thiếu rất nhiều. Tôi cũng đã thử tìm kiếm nhưng thật sự đến giây phút này vẫn chưa tìm được ai để tôi có thể trực tiếp đào tạo.

{keywords}
"Thật sự tôi cũng rất mệt và muốn tập trung vào vai trò sản xuất".

 - Nhưng chị đâu đã chịu lùi về, vẫn chưa chịu nhường vai cho lớp đàn em. Bằng chứng là chị vẫn quyết định vào vai đả nữ trong "Hai Phượng" do chính mình sản xuất?

- Kịch bản Hai Phượng đến tay tôi cách đây 4 năm nhưng sau đó bị xếp xó bởi đó là một kịch bản viết cho một vai đả nữ nữ. Suốt ngần ấy năm, tôi tập trung sản xuất các phim khác nên quên bẵng đi. Và khi kịch bản Hai Phượng được đem ra trở lại, một lần nữa tôi tìm nữ chính. Tôi thử gần như tất cả những ai có tiềm năng nhưng cuối cùng vẫn không tìm được. Vì vậy, tôi đành đứng mũi chịu sào. Thật sự tôi cũng rất mệt và muốn tập trung vào vai trò sản xuất.

- Vì sao chị lại chọn vai trò sản xuất mà không phải đạo diễn?

Tôi nghĩ khi mình ở vai trò sản xuất thì sẽ hỗ trợ các đạo diễn, biên kịch mới tốt hơn. Làm 2-3 vai trò cùng lúc sẽ khiến bản thân tôi mất tập trung. Tôi biết trên thị trường hiện nay có rất nhiều bạn bắt đầu hăm he sản xuất phim, tự xưng là nhà sản xuất. Có vẻ như trong năm 2018 nhiều người lậm xưng, tự cho mình là nhà sản xuất. Người khác làm nhà sản xuất để có thêm danh xưng, để ghi tên mình lên phim. Còn đối với tôi, việc chọn vai trò sản xuất khiến tôi phải hy sinh nhiều điều khác.

- Phát ngôn này của chị có thể đụng chạm đến Mỹ Tâm, Minh Hằng bởi trong năm qua họ đều lần đầu sản xuất phim điện ảnh?

- Tôi nói đến rất nhiều người chứ không phải chỉ riêng các bạn ấy. 

{keywords}
Ngô Thanh Vân cho rằng không ít người sản xuất phim để có thêm cho mình một danh xưng.


 "Cơ thể tôi suy sụp hoàn toàn"

- Chị đã bắt đầu bước sang tuổi 40. Phụ nữ ở độ tuổi này sức khỏe không còn dẻo dai như nhiều năm trước. Chị gặp khó khăn gì khi phải quay những cảnh hành động ở ngưỡng tuổi này?

- Câu chuyện trong Hai Phượng chỉ diễn ra trong một ngày duy nhất nhưng ở bên ngoài, chúng tôi quay đến 6 tuần. Trong 6 tuần này mỗi ngày chúng tôi đều làm việc suốt 18 tiếng. Phim chỉ có tôi là vai chính, nếu không quay tôi thì quay ai?

Bởi vậy tôi không thể ngưng nghỉ bất cứ lúc nào, ngay cả khi bị chấn thương. Nếu tôi chỉ là diễn viên, tôi có thể õng ẹo để nghỉ cho khỏe. Nhưng tôi còn là nhà sản xuất, mỗi ngày nghỉ là tôi đang quăng 100 triệu qua cửa sổ. Cho nên có đau thế nào, tôi cũng phải ráng hoàn tất vai diễn này.

Bộ phim đẩy tôi đến tận cùng giới hạn của mình, thậm chí là quá giới hạn. Về sức khoẻ và thân thể, tôi cảm giác mình đã hành hạ nó đến mức hết hạn, vượt sức chịu đựng. Về tâm lý, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy đau khổ tột cùng. Quá nhiều cảm xúc sợ hãi, âu lo của một người mẹ mất con dồn nén lại khiến tôi không chịu đựng nổi. Ngày cuối cùng quay, cả cơ thể và tinh thần của tôi suy sụp hoàn toàn.

Tôi không biết có thể gọi là sang chấn hay không nhưng tôi cảm thấy cả cơ thể mình "lụi" đi, chai sạn với mọi thứ. Khi tôi ra những dấu hiệu thì cơ thể cũng không phản ứng.  

{keywords}
"Quá nhiều cảm xúc sợ hãi, âu lo của một người mẹ mất con dồn nén lại khiến tôi không chịu đựng nổi. Ngày cuối cùng quay, cả cơ thể và tinh thần của tôi suy sụp hoàn toàn".


- Sau đó chị mất bao lâu để phục hồi?

- Vừa đóng máy xong thì tôi về châu Âu một tháng. Suốt một tháng, tôi chỉ ở trong nhà, dường như không liên lạc với mọi người và cũng không muốn biết tin tức gì của Hai Phượng. Tôi đóng băng bản thân mình để tìm lại chính mình sau vai diễn đó.

Đóng Hai Phượng xong, tôi phải khâm phục những diễn viên nữ đóng vai siêu anh hùng ở Hollywood. Tôi nghĩ tinh thần của họ phải là tinh thần thép thì mới chịu đựng đựng được tất cả áp lực. Áp lực đối với nữ khi cáng đáng một đường dây hành động gấp 10 lần diễn viên nam.

Theo Zing

Thưc hư phim 'Hai Phượng' của Ngô Thanh Vân bị cấm chiếu vì quá bạo lực

Thưc hư phim 'Hai Phượng' của Ngô Thanh Vân bị cấm chiếu vì quá bạo lực

Trước thông tin phim hành động 'Hai Phượng" của Ngô Thanh Vân bị cấm chiếu, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia trả lời chính thức VietNamNet.