Theo Tiến sĩ, bác sĩ Võ Hồng Minh Công, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), ngộ độc thực phẩm là hậu quả của việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm ảnh hưởng đến cơ thể con người.
"Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc độc tố là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ngộ độc thực phẩm. Bạn có thể mắc phải một hoặc nhiều dấu hiệu và triệu chứng như: buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng, đau dạ dày, chán ăn, mệt mỏi, sốt.
Các triệu chứng có thể bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi ăn các thực phẩm bị ô nhiễm hoặc ngày sau đó", bác sĩ Công chia sẻ.
Khi ngộ độc xảy ra bạn sẽ làm gì?
Theo bác sĩ Công, trước hết cần ngưng loại thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc. Người bệnh tỉnh táo nhanh chóng gây nôn để loại bỏ hết thức ăn độc ra ngoài.
Không sử dụng thuốc chống nôn, thuốc cầm tiêu chảy. Nghỉ ngơi, uống nước muối đường hay nước biển khô (oresol) theo nhu cầu cơ thể. Nếu triệu chứng không cải thiện cần đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị.
Người bệnh ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin trong thời gian này.
Phòng ngộ độc thức ăn như thế nào?
Trong quá trình tự mua và chế biến thức ăn, nên mua thực phẩm sạch đã kiểm dịch, không chọn rau củ dập nát, thịt, hải sản có mùi khác lạ.
Khi chế biến cần phải phải sạch sẽ, tránh cất giữ thực phẩm sống và chín gần nhau. Bảo quản thực phẩm đúng cách, không để thực phẩm đã chế biến ở nhiệt độ phòng quá lâu. Luôn nhớ phải ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn hay sau khi đi vệ sinh.
Quá trình du xuân, không ăn hàng quán ngoài lề đường nếu nghi ngờ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm hoặc có dấu hiệu tiêu chảy, nôn và sốt, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.