Nhiều năm nay, hàng nghìn tỷ đồng vốn điều lệ đang "nằm chết" tại các quỹ ngoài ngân sách và được những người quản lý đem đi gửi ngân hàng kiếm lợi thay vì được đưa vào nền kinh tế.

Quỹ chồng quỹ, dân vẫn khó tiếp cận vốn

Các loại quỹ với tên gọi khá kêu như Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX... được thành lập để hỗ trợ phát triển nông thôn; phục vụ nông dân, hợp tác xã (HTX), tạo việc làm... Thế nhưng, hiệu quả hoạt động không đạt như kỳ vọng; người dân, HTX vẫn khó tiếp cận vốn.

Nghìn tỷ 'chôn' tại các quỹ ngoài ngân sách ảnh 1

Dù có nhiều quỹ tài chính để hỗ trợ nhưng người dân, HTX vẫn khó tiếp cận vốn vay (trong ảnh: Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La). Ảnh: PV

Năm 2006, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ra đời. Theo Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, cả nước có khoảng 47 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được các tỉnh, thành phố thành lập với tổng số vốn khoảng 1.470 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay của HTX trên cả nước vẫn gặp khó khăn.

Ông Cần Hoài Anh, Giám đốc HTX nông nghiệp Tâm Tính (Sơn La) cho biết, hợp tác xã có kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết măng tre Bát Độ trong 5 năm (2022 - 2027) với 1.000 hộ nông dân tham gia. Diện tích vùng nguyên liệu dự kiến được sử dụng lên tới 11.000 ha. Tuy nhiên, vì nguồn vốn của hợp tác xã có hạn nên trong năm 2022 mới chỉ hỗ trợ bà con trồng được 50 ha. “Chúng tôi muốn được tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, Quỹ phát triển HTX nhưng vướng quy định về tài sản thế chấp nên rất khó vay”, ông Hoài Anh nói.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc HTX chuyên trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGap tại Thanh Hoá cho biết, ông từng tìm hiểu để tiếp cận vốn vay từ các quỹ hỗ trợ, phát triển HTX; quỹ giải quyết việc làm địa phương nhưng rốt cuộc phải rút lui vì rất khó. “Dù là quỹ hỗ trợ nhưng thủ tục thế chấp tài sản chặt chẽ gần như vay vốn ngân hàng. Điều này khiến HTX như chúng tôi gặp khó khăn trong việc tiếp cận”, ông Hoàn chia sẻ.

Thủ tục vay vốn là một trong những rào cản lớn nhất của HTX khi gửi hồ sơ tới các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Thông báo của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Hậu Giang nêu rõ, để tiếp cận nguồn vốn, ngoài thủ tục như giấy chứng nhận thành viên, thành viên từ 50 người trở lên, cần có tài sản thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, định giá tài sản theo giá đất của UBND tỉnh… Đây cũng là quy định chung của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trên cả nước.

Đại diện Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương có 63 HTX nông nghiệp nhưng chỉ có 2 HTX chủ động được nguồn vốn. Các HTX còn lại rất khó khăn. Dù Liên minh HTX Bạc Liêu có Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX với nguồn vốn 5 tỷ đồng nhưng không triển khai cho vay, vì vướng đủ các quy định. Chưa kể, quỹ chỉ cho vay đầu tư trong khi HTX cần vốn để mua giống, phân bón, mua lúa của nông dân, chứ không phải vay để mua đất, máy móc.

“Các HTX sản xuất có sẵn đất và phương tiện sản xuất, họ chỉ cần vốn để mua vật tư nông nghiệp và thu mua lúa của nông dân. Liên minh HTX đã báo cáo việc này lên cơ quan chức năng để sửa đổi”, đại diện Liên minh HTX Bạc Liêu cho biết. Theo ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 18.795 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có khoảng 45 HTX nông nghiệp được ưu đãi tín dụng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Khó khăn trong tiếp cận tín dụng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khiến năng suất, hiệu quả sản xuất - kinh doanh thấp...

Cần sớm loại bỏ, sáp nhập các quỹ chồng chéo

Quỹ hỗ trợ, phát triển HTX chỉ là một trong hàng chục loại quỹ tài chính nhà nước (TCNN) ngoài ngân sách đang tồn tại. Thậm chí ở nhiều địa phương khó khăn, quỹ tài chính nhà nước vẫn “nở rộ”. Tiêu biểu là ở tỉnh Sơn La đang tồn tại tới 21 loại quỹ tài chính. Nhiều loại quỹ trùng tên, do cấp huyện và cấp tỉnh quản lý riêng biệt như: Quỹ vì người nghèo, Quỹ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ hỗ trợ hội nông dân, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Quỹ giải quyết việc làm địa phương… Năm 2020, tổng số dư nguồn của 21 quỹ đạt 538 tỷ đồng.

Đặc biệt, theo đại diện tỉnh Sơn La, việc huy động nguồn vốn cho các quỹ gặp nhiều khó khăn. Một số quỹ thành lập và hoạt động tương đối giống nhau về chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu và đối tượng phục vụ như: Quỹ hỗ trợ hội nông dân, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Quỹ giải quyết việc làm địa phương. Thậm chí việc sử dụng nguồn vốn của một số quỹ qua thanh tra, kiểm tra còn sai sót, chưa đúng mục đích, sai đối tượng như Quỹ bảo vệ phát triển rừng.

Để tăng cường hiệu quả hoạt động của các loại quỹ, tại công văn báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh yêu cầu đơn vị trực thuộc tỉnh này cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể với quỹ tài chính nhà nước trùng lặp mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Trước mắt, các đơn vị sáp nhập Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ HTX và Quỹ cho vay giải quyết việc làm địa phương.

(Theo Tiền Phong)