Chủ tịch tỉnh đồng ý chủ trương đổ rác giữa rừng
Theo Sở TN&MT, hiện nay trên toàn thành phố tồn đọng 11.488 tấn rác thải sinh hoạt. Số rác thải này tập kết tại bốn vị trí gồm: Đường Trương Hán Siêu (5.445 tấn); đường nội bộ KCN Mông Hóa (862 tấn); khu đất xóm Văn Minh, xã Quang Tiến (2.965 tấn) và khu đất thuộc phường Kỳ Sơn (2.216 tấn).
Liên quan đến hàng nghìn tấn rác tập kết trên đỉnh đồi thuộc xóm Can, xã Độc Lập, văn bản của Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết, việc đổ rác bắt đầu từ ngày 1/7/2021.
Việc tập kết rác tại xóm Can được thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tại văn bản 1995 ngày 17/11/2020. Văn bản trên thể hiện, giao UBND thành phố "chủ động, khẩn trương tìm các giải pháp để giải quyết ổn định vấn đề xử lý rác thải của TP Hòa Bình".
Sau ý kiến trên của người đứng đầu chính quyền tỉnh Hòa Bình, UBND TP Hòa Bình có công văn 3600 ngày 23/11/2020 đề xuất UBND tỉnh chấp thuận cho thành phố tập kết rác tạm thời tại xã Độc Lập (diện tích tập kết rộng 3 hecta).
Hơn một tháng sau đề xuất trên, UBND tỉnh Hòa Bình ra văn bản số 2331 với nội dung "Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý để UBND thành phố nghiên cứu, khảo sát và có phương án bố trí khu tập kết chất thải rắn sinh hoạt tạm thời tại xóm Can, xã Độc Lập".
Căn cứ văn bản chấp thuận trên, từ ngày 1/7 - 22/7/2021, UBND TP Hòa Bình vận chuyển khoảng 5.000 tấn rác về xóm Can, xã Độc Lập. Một thời gian ngắn sau khi đổ rác về xóm Can, lực lượng chức năng ghi nhận tình trạng nhiễm môi trường quanh khu vực tập kết rác.
Tập kết trái kiến nghị của Sở Xây dựng
Theo Sở TN&MT Hòa Bình, việc tập kết rác tại xóm Can là để "giải quyết tình huống khu xử lý rác thải của Công ty Bắc Việt tại xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình tại thời điểm đó đang phải dừng tiếp nhận xử lý rác thải sinh hoạt của TP".
Việc tập kết rác tạm thời do Sở Xây dựng tổng hợp và đề nghị UBND tỉnh cho phép UBND thành phố Hòa Bình nghiên cứu, khảo sát và có phương án bố trí khu tập kết chất thải rắn sinh hoạt tạm thời tại xóm Can.
Khi đổ rác tại đây, Sở Xây dựng yêu cầu đảm bảo tuân thủ các quy định, gồm: Không làm ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, nước ngầm, trong khu vực và vùng hạ lưu, không làm ảnh hưởng đến môi trường không khí và đời sống nhân dân trong khu vực. Không đầu tư xây dựng thêm khu xử lý chất thải rắn tại vị trí trên.
"Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vấn đề về thu gom và xử lý, UBND TP Hòa Bình tại thời điểm đó chưa triển khai thực hiện theo kiến nghị của Sở Xây dựng nêu trên", Sở TN&MT khẳng định.
Chính vì tập kết rác trái kiến nghị của Sở Xây dựng, nhân dân đã phản ánh về việc bãi tập kết rác tạm tại xóm Can gây ô nhiễm môi trường. Ngay sau đó, UBND tỉnh Hòa Bình ra văn bản chỉ đạo dừng tiếp nhận rác tại xóm Can; đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục và giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường.
Các biện pháp yêu cầu khắc phục gồm: Thực hiện ủi toàn bộ lượng rác thải tập kết tại khu vực tiếp nhận và trên mép hố xuống hố tập kết rác thải đã được lót bạt để hạn chế việc nước mưa cuốn theo nước rỉ rác chảy ra ngoài môi trường;
Thực hiện lu lèn, gia cố phần hạ lưu của khu vực tập kết rác thải tạm thời để chặn dòng, không để nước rỉ rác chảy trực tiếp ra đầu nguồn suối Chanh gây nguy cơ ô nhiễm môi trường;
Thi công cống thoát nước để hoàn trả khe suối cạn (có nước vào mùa mưa), hạn chế tối đa nước ngầm chảy qua khu vực tập kết rác thải;
Bố trí lại phương án tập kết rác thải (ngăn hố tập kết lớn thành các hố nhỏ hơn để thực hiện các biện pháp lót đáy, che chắn bề mặt để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường);
Bố trí 2 hố tập kết rác thải mới trên mặt bằng phù hợp, lót đáy và che chắn hạn chế nước ngầm và nước mưa chảy tràn, để tập kết rác thải tạm thời...
Gây ô nhiễm nhưng tỉnh "đồng ý tập kết tiếp"
Theo Sở TN&MT Hòa Bình, ngày 1/9/2021, chính quyền thành phố có báo cáo UBND tỉnh kết quả khắc phục tồn tại và đề xuất được tiếp tục vận chuyển rác thải sinh hoạt về tập kết tạm thời tại xóm Can.
Trên cơ sở đề xuất trên của TP Hòa Bình, UBND tỉnh đã đồng ý tại văn bản số 7242 ngày 3/9/2021.
Phải hơn nửa năm sau văn bản 7472, ngày 26/4/2022, UBND tỉnh Hòa Bình có công văn đề nghị: "Chấm dứt hoạt động tập kết rác thải tại các điểm tập kết rác thải tạm thời chưa đúng theo quy hoạch; kiểm tra, xem xét xử lý các vi phạm (nếu có); tổ chức thực hiện tập kết rác thải tại các điểm đúng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt".
Hơn hai năm, TP Hoà Bình để tồn đọng số lượng rác thải sinh hoạt lên đến hàng trăm nghìn tấn. Vì không thể xử lý số lượng rác nêu trên, chính quyền TP Hoà Bình tập kết rác tại nhiều vị trí thuộc thành phố. Ghi nhận tại các vị trí tập kết rác như đỉnh đồi xóm Can hay khu đất thuộc xã Quang Tiến... cho thấy, việc tập kết rác không được che chắn đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường. Người dân sống gần các khu vực tập kết nêu trên bức xúc vì phải sống trong cảnh ô nhiễm trong thời gian dài. Trong công văn gửi UBND tỉnh, Công an tỉnh Hòa Bình cho thấy: Kết quả xét nghiệm các mẫu nước thu được tại 8 vị trí khác nhau tại khu vực bãi rác xóm Can cho thấy có hàng loạt chỉ số vượt ngưỡng an toàn hàng trăm lần. Công an tỉnh Hoà Bình cho rằng “việc mua bán, chuyển nhượng đất rừng giữa Công ty Hoàng Long và hộ ông Phạm Quỳnh Lâm để thi công bãi rác tạm thời khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận và chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng có dấu hiệu vi phạm pháp luật”. Ngày 25/11, Cục Bảo vệ môi trường Miền Bắc (Bộ TN&MT) cử đoàn kiểm tra thực địa tại Hòa Bình sau phản ánh trên báo VietNamNet. Buổi kiểm tra chính thức được tiến hành vào ngày 28/11. Đến nay vẫn chưa công bố kết quả. Đầu tháng 12/2022, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình có thông báo về lịch làm việc với UBND TP Hòa Bình về vấn đề môi trường. Công văn trên nêu rõ, việc kiểm tra nêu trên để "có căn cứ báo cáo Ủy ban kiểm tra Trung ương, đồng thời xác định rõ nguyên nhân trong việc dẫn đến chậm xử lý, giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Hòa Bình trong thời gian vừa qua". |