Với sự phát triển của những chiếc điên thoại thông minh (smart-phone) như thời nay thì nó trở thành một nguồn giải trí mà giới trẻ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc lạm dụng điện thoại quá nhiều giờ trong ngày vô tình lại làm ảnh hưởng tới các hoạt động thể chất, từ đó gây trì trệ cơ thể của bạn.
Trong một nghiên cứu mới được công bố tại Hội nghị Mỹ Latinh ACC 2019, lứa tuổi sinh viên đại học sử dụng điện thoại thông minh trên 5 tiếng/ngày vô tình làm tăng 43% nguy cơ béo phì, đi kèm với nhiều lối sống thiếu lành mạnh khác nên còn làm tăng cả nguy cơ mắc bệnh tim. Tác giả cuộc nghiên cứu này là bà Mirary Mantilla-Morrón (chuyên gia phục hồi chức năng tim và mạch máu tim tại Khoa Khoa học Sức khỏe của Đại học Simón Bolívar ở Barranquilla, Colombia).
Bà Mirary cho biết: "Điều quan trọng là mọi người phải hiểu và nhận thức được rằng, mặc dù công nghệ di động rất hấp dẫn với những ưu điểm như sự tiện lợi, thoải mái truy cập thông tin, dịch vụ nhưng đi kèm với đó, nó cũng sẽ gây ra những thói quen và hành vi không lành mạnh cho cuộc sống của con người".
Khi bạn dành quá nhiều thời gian chỉ để ngồi nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại, vô tình sẽ tạo điều kiện cho các hành vi lười vận động, từ đó giảm thời gian hoạt động thể chất nên làm tăng nguy cơ tử vong cao, hoặc bệnh tiểu đường, tim mạch, các loại ung thư khác... Ngoài ra, nó còn là nguyên nhân gây đau nhức xương khớp và kéo theo các triệu chứng cơ xương khớp.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích trên 1060 sinh viên của Khoa Khoa học Sức khỏe tại Đại học Simón Bolívar trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2018). Nhóm tham gia nghiên cứu gồm có 700 nữ giới và 360 nam giới. Độ tuổi trung bình là từ 19 - 20 tuổi.
Kết quả cho thấy, trong nhóm nam giới tham gia, có 36,1% khả năng thừa cân và 42,6% khả năng bị béo phì. Nhóm nữ giới tham gia có khả năng thừa cân là 63,9% và 57,4% khả năng béo phì.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, nguy cơ béo phì tăng 43% nếu họ sử dụng điện thoại thông mình từ 5 tiếng trở lên mỗi ngày. Nguyên nhân là do lứa tuổi sinh viên có khả năng tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, đồ ngọt, đồ ăn vặt nhiều, từ đó làm giảm hoạt động thể chất nên dễ gây thừa cân, béo phì.
Trong cuộc nghiên cứu này, có 26% đối tượng thừa cân và 4,6% những người béo phì đã dành hơn 5 tiếng sử dụng thiết bị di động của họ. Bà Mirary chia sẻ: "Kết quả cuộc nghiên cứu này cho phép chúng tôi nêu bật một trong những nguyên nhân chính gây ra béo phì về thể chất, đi kèm với đó là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
Chúng tôi cũng xác định rằng, lượng thời gian mà một người tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, cụ thể là điện thoại di động kéo dài có liên quan đến sự phát triển của bệnh béo phì".
Ngoài gây thừa cân, béo phì, việc sử dụng điện thoại nhiều còn dẫn đến những tác hại gì?
- Suy giảm trí nhớ.
- Gây tê nhức tay.
- Đau mỏi cổ, vai gáy.
- Khô và mỏi mắt.
- Nổi mụn trứng cá.
- Xuất hiện nếp nhăn, nám da.
- Tạo quầng thâm mắt.
Source (Nguồn): Sciencedaily, ACC