Chia sẻ tại hội thảo “Bảo mật và an toàn thông tin (ATTT) trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam” diễn ra ngày 28/9 vừa qua, ông Nguyễn Đăng Đào, Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, thời gian vừa qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng khung chương trình, cơ chế chính sách, thỏa thuận phối hợp, triển khai các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể bảo đảm bảo mật, xác thực, giám sát ATTT.
Bên cạnh đó, đã nghiên cứu, sản xuất, triển khai đưa vào sử dụng nhiều sản phẩm bảo mật như: sản phẩm bảo mật truyền hình hội nghị cho các hệ thống truyền hình hội nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ... và một số địa phương; sản phẩm bảo mật kênh truyền, bảo mật cơ sở dữ liệu, bảo mật thư điện tử, bảo mật thông tin thoại/fax, vệ tinh Vinasat, Trunking, sóng ngắn, sóng cực ngắn… Tư vấn, cung cấp, tích hợp, huấn luyện triển khai chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội.
Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã kiểm tra đánh giá và giám sát an toàn thông tin cho một số mạng CNTT các cơ quan Bộ, ngành, địa phương như: mạng CNTT của Văn phòng Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, các Bộ Ngoại giao, Tư pháp, KH&CN cùng UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Thái Bình, Bắc Ninh… “Những hoạt động nêu trên đã góp phần thúc đẩy quá trình triển khai các ứng dụng của Chính phủ điện tử thời gian vừa qua”, ông Đào nhấn mạnh.
Về định hướng trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Đăng Đào cho biết, với nhiệm vụ được Chính phủ giao, trên vai trò, trách nhiệm của cơ quan mật mã quốc gia, để đáp ứng các yêu cầu thực tế triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm bảo mật, xác thực, giám sát ATTT cho các ứng dụng của Chính phủ điện tử.
Cụ thể, theo đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ, một nhiệm vụ sẽ được cơ quan này tập trung trong thời gian tới là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm và giải pháp bảo mật, đặc biệt là các sản phẩm bảo mật kênh truyền, bảo mật hệ thống truyền hình hội nghị, bảo mật cơ sở dữ liệu, bảo mật mạng CNTT, các thiết bị di động, đa dịch vụ… đáp ứng nhanh chóng, kịp thời nhu cầu bảo mật của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương.
Nâng cao năng lực cung cấp, tích hợp, huấn luyện triển khai chứng thư số chuyên dùng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội; tập trung nghiên cứu việc tích hợp giải pháp bảo mật, xác thực chữ ký số chuyên dùng đối với các thiết bị cầm tay, di động nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực cho hệ thống giám sát ATTT có khả năng cảnh báo sớm, chính xác các nguy cơ gây mất ATTT cho các mạng CNTT; tăng cường khả năng hỗ trợ ứng cứu, sẵn sàng tham gia hỗ trợ giải quyết các sự cố an ninh mạng khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ cũng cho rằng, để giải quyết tổng thể nội dung triển khai Chính phủ điện tử, đảm bảo hiệu quả và thông suốt, cần thiết phải quan tâm và hoàn thiện các yếu tố: môi trường chính sách, các văn bản quản lý; hạ tầng CNTT đồng bộ, an toàn; nguồn nhân lực và trình độ CNTT phải được bổ sung cả về lượng và chất; sự chấp nhận công nghệ mới của người dùng; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chính phủ điện tử; ý chí, quyết tâm của các cấp lãnh đạo, quản lý và đặc biệt là công tác bảo mật, xác thực và giám sát ATTT phải được chú trọng và triển khai đồng bộ…