Tính đến thời điểm này, ta vẫn là giống loài thông minh, có não bộ tiến hóa nhất Vũ trụ này. Và đã từ lâu, ta vẫn kiếm tìm một giống loài tương tự trong Vũ trụ rộng lớn.
Ta có hàng loạt dự án nhắm tới mục đích này: Viện SETI (Search for Extraterrestrial Intelligence - Tìm kiếm Sinh vật Thông minh ngoài Trái đất) sử dụng sóng vô tuyến quét toàn bộ vũ trụ này, ta khám phá ra nước tại hành tinh khác nhằm tìm kiếm dấu vết sự sống, ta tìm thấy hàng ngàn hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có thể là nơi sự sống phát triển.
Ta muốn trả lời câu hỏi con người có cô đơn trong Vũ trụ này không.
Nhưng liệu ta đã tìm đúng nơi đúng chỗ chưa? Trái Đất này chính là hành tinh duy nhất ta chắc chắn 100% rằng sự sống có thể tồn tại, ta có thể tự tìm kiếm dấu vết của một nền văn minh tiến hóa trong lịch sử 4,5 tỉ năm phát triển của Trái Đất chứ? Thế giới này mà ta đang sống rất có thể đã tạo ra nhiều hơn một nền văn minh.
Đây không phải là một câu chuyện giả tưởng. Đã từng có công trình nghiên cứu của nhà thiên văn học Jason Wright, về việc con người không phải là giống loài duy nhất xây dựng nên được một nền văn minh hiện đại, tiên tiến trong Hệ Mặt Trời này.
"Thực sự là ta chưa khám phá xa đến thế", nhà khí hậu học Gavin Schmidt, giám đốc Viện Goddard chuyên ngành Nghiên cứu Vũ trụ tại NASA, nói với trang tin Motherboard. "Nó thậm chí chưa bao giờ trở thành đề tài nghiên cứu tiềm năng cả".
Nhằm làm rõ vấn đề, ông Schmidt hợp tác cùng nhà vật lý học Adam Frank, cùng nghiên cứu về việc "tìm ra một nền văn minh tiên tiến khác trong lịch sử địa chất Trái Đất". Họ muốn biết rằng trên chính Trái Đất này, liệu đã có một "loài người" nữa tồn tại.
Nghiên cứu vừa mới được xuất bản trên Tạp chí Sinh vật học Vũ trụ Quốc tế này chỉ ra đâu là những dấu vết còn lại một nền văn minh đã có thể tồn tại trong quá khứ. Schmidt và Frank sử dụng những dấu vết của Kỷ Anthropocene, có thể gọi là Kỷ Nhân sinh, kỷ hiện tại mà trong đó hoạt động của con người ảnh hưởng tới hành tinh này, gây nên biến đổi trên những khía cạnh như khí hậu hay đa dạng sinh học.
Với Kỷ Nhân sinh làm kim chỉ Nam, ta có thể tìm những dấu vết tương tự khác trong lịch sử Trái Đất, từ đó tìm ra dấu vết của một nền văn minh hiện đại khác.
"Có rất nhiều thứ tốt đẹp đang diễn ra với nền văn minh nhân loại, nhưng để có được nó thì hệ sinh thái và các loài sinh vật đã phải trả cái giá rất đắt", nhà nghiên cứu Schmidt nói. Ông nhấn mạnh rằng rất nhiều hậu quả thuộc phạm trù "khuất mắt trông coi" bởi mức độ tiện lợi của nó, đơn cử có thể kể tới hệ thống cống ngầm hay việc xả thải. Bởi lẽ đó, Kỷ Nhân sinh đã để lại rất nhiều vết hằn lên lịch sử địa chất của hành tinh này.
"Toàn bộ chỗ rác thải được giấu đi khỏi mắt nhân loại, nhưng không hề biến mất khỏi lịch sử Trái Đất".
Hai nhà nghiên cứu Schmidt và Frank đề xuất là hãy tập trung vào tìm kiếm những dấu hiệu khó tìm thấy, như phụ phẩm của việc sử dụng chất đốt hóa thạch, những sự kiện tuyệt chủng lớn, thậm chí là dấu vết của nhựa đã từng được sử dụng bởi (những) nền văn minh trước chúng ta, những vật liệu tổng hợp, dấu vết của canh tác mức độ cao hay việc phá rừng để phát triển kinh tế, hay có thể tìm tới những dấu vết phóng xạ từ những nhà phát hạt nhân hay chiến tranh hạt nhân.
"Sẽ phải thực sự nghiên cứu vô vàn lĩnh vực khác nhau và tổng hợp lại chính những gì bạn muốn tìm", ông Schmidt nói. "Nó bao gồm hóa học, trầm tích học, địa chất học và nhiều ngành khác nữa. Rất thú vị đấy chứ".
Trong lúc rảnh rỗi, Schmidt đã viết một cuốn truyện ngắn có tên Dưới Bóng Mặt Trời – Under the Sun, kịch tính hóa một số nghiên cứu mà ông đang thực hiện. Trong đó, có một ý tưởng được nêu thế này:
"Có thể khoảng thời gian mà trong đó một nền văn mình để lại dấu vết của mình ngắn hơn rất nhiều so với tổng thời gian tồn tại của nền văn minh ấy, bởi lẽ một nền văn minh không thể tồn tại quả lâu khi vẫn làm những thứ như chúng ta vẫn đang làm đây".
"Hoặc là họ dừng lại, hoặc là bạn làm hỏng mọi thứ, hoặc bạn không tiến triển được xa hơn. Dù thế nào, thì những hoạt động có thể để lại được dấu vết sẽ đều nằm gọn trong một khoảng thời gian rất ngắn".
Có thể có tới hàng tỉ dấu vết như thế này khắp Vũ trụ này, nhưng vừa ít vừa rải rác nên ta chẳng bao giờ thấy được.
Và logic này cũng đúng với chính Trái Đất và nền văn minh của chúng ta. Nếu như ta tìm thấy dấu vết của một nền văn minh trước con người, có lẽ đó sẽ là một bài học quý giá cho chính chúng ta: có thể chính những hành động phá hoại môi trường đã xóa sổ nền văn minh trước đây, và nhân loại lại phát triển từ con số 0, ra được chúng ta như ngày hôm nay.
Theo GenK