Đã cắt giảm 51 thủ tục, điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp
Ngày 6/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ - Văn phòng Chính phủ đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 11 tháng năm 2017 và kết quả kiểm tra tháng 11/2017.
Tổ công tác cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy năm 2017 là năm cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, trong tháng 11, Tổ công tác tiếp tục kiểm tra chuyên đề Bộ TT&TT, Bộ Giao thông Vận tải trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Kết quả kiểm tra tại Bộ TT&TT cho thấy, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ cùng nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Bộ TT&TT đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác.
Cụ thể, theo đánh giá của Tổ công tác, Bộ TT&TT đã cơ bản hoàn thành đúng tiến độ nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Trong 528 nhiệm vụ được giao từ ngày 1/1/2017 đến 10/10/2017, Bộ đã hoàn thành 308 nhiệm vụ, 217 nhiệm vụ đang được triển khai trong hạn. Công tác xây dựng thể chế của Bộ đã ngày càng được hoàn thiện: trong 10 tháng năm nay, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Nghị định, 9 Quyết định; ban hành 29 Thông tư theo thẩm quyền và trình Thủ tướng Chính phủ 17 Đề án.
Bộ TT&TT đã có nhiều biện pháp chỉ đạo cụ thể, quyết liệt để đưa các hoạt động thông tin về chính sách, pháp luật, đời sống kinh tế-xã hội đi đúng hướng, kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận và tác động tích cực tới người dân, doanh nghiệp; phối hợp kịp thời với cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý những thông tin sai sự thật, kích động chống phá, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của nhân dân; có nhiều giải pháp hiệu quả trong quản lý nhà nước về báo chí, viễn thông, quản lý tài nguyên viễn thông…
Công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ TT&TT với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ đã rà soát, cắt giảm 51 thủ tục, điều kiện kinh doanh gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; đã xây dựng và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 60/2014 về hoạt động in (dự thảo đã bãi bỏ 9 quy định về hoạt động hợp tác chế bản, in và gia công sau in; đề nghị bãi bỏ 6 nội dung quy định đối tượng được nhập khẩu thiết bị in, đối tượng sử dụng máy photocopy… để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân).
Đồng thời, đề xuất bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện (chuyển sang hậu kiểm); chủ động trong việc phân loại, tách bạch cụ thể danh mục hàng hóa phải KTCN còn chồng chéo; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ; thực hiện phân cấp mạnh cho địa phương trong việc quản lý, thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến KTCN, với số TTHC đã phân cấp cho địa phương thực hiện là 50.
Tuy nhiên, theo Tổ công tác, bên cạnh kết quả đạt được, một số mặt công tác của Bộ TT&TT còn hạn chế như: tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo vi phạm pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp nhà báo có dấu hiệu tăng lên; vấn đề an toàn thông tin (ATTT); tình trạng tin nhắn rác, SIM kích hoạt sẵn vẫn tồn tại…
Giữ vững chủ quyền quốc gia về không gian mạng
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, trong báo cáo, Tổ công tác đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT về một số nhiệm vụ. Cụ thể, cùng với đề nghị Bộ TT&TT khẩn trương thực hiện 3 nhiệm vụ quá hạn như đã cam kết, Tổ công tác cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ tiếp tục có giải pháp quyết liệt chấn chỉnh, giám sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp nhà báo; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm của các cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí hoặc ấn phẩm báo chí để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa.
Chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để đẩy mạnh công nghiệp CNTT, thúc đẩy phát triển hạ tầng CNTT và các sản phẩm dịch vụ CNTT, đào tạo nhân lực CNTT chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số nhằm tiếp cận và tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng 4.0…; có giải pháp hiệu quả thúc đẩy các bộ, cơ quan, địa phương chuyển động mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT trong thực thi công vụ gắn với hoạt động cải cách hành chính; hỗ trợ, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc triển khai xây dựng Thành phố thông minh.
Đáng chú ý, Tổ công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT tập trung nghiên cứu giải pháp hiệu quả bảo đảm ATTT, đặc biệt là ngăn chặn hiệu quả việc tấn công vào các trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương; kịp thời hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương ứng phó trước nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng Internet, giữ vững chủ quyền quốc gia về không gian mạng, hạn chế tối đa sự thiệt hại, rủi ro theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 15 về đảm bảo ATTT mạng.
Bộ TT&TT cũng được đề nghị tập trung chỉ đạo triển khai việc đầu tư, sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp thuộc Bộ theo đúng các quy định hiện hành, bảo đảm tối đa vốn của nhà nước. Đặc biệt, cần có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT của Bộ phát triển mạnh và bền vững; đồng thời tiếp tục có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong việc ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, hệ lụy tin nhắn rác, thu hồi SIM kích hoạt sẵn, có cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển thuê bao di động trả sau.