Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, chủ trương đầu tư phát triển điện hạt nhân đã được Chính phủ đưa ra và giao Bộ Công Thương nghiên cứu.
Trước đó, chủ trương phát triển điện hạt nhân được đưa ra vào năm 2009, song sau đó tạm dừng. Thời gian gần đây, dựa trên căn cứ Quy hoạch điện VIII, bộ này nghiên cứu lại, tìm hiểu thực tế và nhu cầu thực tiễn để báo cáo với Chính phủ.
Thứ trưởng Tân thông tin thêm, tại nhiều quốc gia, phát triển điện hạt nhân đang là xu thế. Bởi, nhu cầu về năng lượng tăng nhưng thiếu điện nền nên phải phát triển điện hạt nhân. Theo đó, các quốc gia này đều nghiên cứu tăng gấp 2-3 lần sản lượng và quy mô điện hạt nhân.
Ở Nhật Bản, dù đã có sự cố trước đó, nhưng tỷ trọng điện hạt nhân tại quốc gia này vẫn chiếm 20-25% sản lượng điện, ông dẫn chứng.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng nhấn mạnh, hiện nay trên thế giới đã phát triển điện hạt nhân ở giai đoạn công nghệ thứ 3, thứ 4. Các công nghệ này được áp dụng vào thực tiễn, đảm bảo an toàn tối đa, mức độ rủi ro về 0.
Về mốc thời gian phát triển điện hạt nhân, Thứ trưởng cho biết, bộ này đang xin chủ trương, báo cáo cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo quy trình, phải được các cơ quan nhà nước chấp thuận mới đủ cơ sở tiếp tục triển khai, đồng thời mới có thể tính toán mức đầu tư, chu trình, nhu cầu… Từ những tính toán đó sẽ xác định được năm nào chúng ta có dự án điện hạt nhân và sản lượng điện ra sao, Thứ trưởng giải thích thêm.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Điện lực sửa đổi vào chiều 21/10.
Tại dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này đề cập tới phát triển điện hạt nhân. Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, do đây là dự án quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia.
Đáng chú ý, các dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng nhằm đảm bảo an toàn cao nhất. Ngoài ra, tùy thuộc tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ, dự thảo luật quy định Thủ tướng sẽ quy định cơ chế đặc thù để triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Bên cạnh đó, quy hoạch loại nguồn điện hạt nhân là một phần gắn liền, đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, để đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện.
Việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định liên quan.