Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho rằng, cần có biện pháp chấn chỉnh các tổ chức, doanh nghiệp lạm dụng việc yêu cầu người dân nộp Phiếu lý lịch tư pháp.
Thời điểm đầu tháng 4, người dân ở Hà Nội có nhu cầu làm lý lịch tư pháp phải đi từ 4 - 5h sáng đến Sở Tư pháp lấy số thứ tự, nhiều người tới 4 lần mới đến lượt làm hồ sơ.
Cùng với đó, đã xảy ra tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp, gây khó khăn cho người dân. Ngay cả lái xe công nghệ cũng phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của đơn vị tuyển dụng.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo kiểm tra, xử lý phản ánh của người dân về việc đơn vị tuyển dụng lao động là người giao hàng yêu cầu người xin việc phải cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp, nếu không có phiếu này thì không được tiếp nhận hồ sơ xin việc.
Bà Đỗ Thị Thúy Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đang thực hiện các nhóm nhiệm vụ để triển khai thực hiện Chỉ thị trên.
Tuy nhiên, bà Lan thừa nhận có tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, thậm chí doanh nghiệp dịch vụ chạy xe grap cũng yêu cầu lao động phải cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Theo bà Lan, đã xảy ra tình trạng nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hiểu chưa đúng về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp quy định trong Luật Lý lịch tư pháp, dẫn đến việc yêu cầu người dân phải cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 không đúng quy định.
“Việc này là lạm dụng về luật, hiểu chưa đúng về quy định đối với Phiếu lý lịch tư pháp số 2”, bà Lan nói.
Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho biết, Phiếu lý lịch tư pháp số 2 chỉ người dân được yêu cầu cơ quan tố tụng cung cấp. Nội dung phiếu này gồm các thông tin về họ tên, nơi sinh, họ tên cha mẹ, vợ (chồng) của người được cấp phiếu; thông tin về tình trạng án tích và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phiếu lý lịch tư pháp số 2 chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Do vậy, việc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp yêu cầu người dân phải cung cấp, nộp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 khi thực hiện các thủ tục là không đúng quy định.
Bà Lan cho rằng, cần có biện pháp chấn chỉnh các tổ chức, doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2; cần nghiên cứu bổ sung quy định, có chế tài đủ mạnh để xử lý các doanh nghiệp, tổ chức lạm dụng việc yêu cầu người dân cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định.
Liên quan đến việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục. Về một số thủ tục cần cắt giảm, đơn vị đang báo cáo Thủ tướng về việc này.
Ngoài ra, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đang phối hợp với Bộ Công an để xây dựng giải pháp triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Việc thí điểm sẽ được triển khai tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nếu kết quả tốt sẽ nhân rộng ra toàn quốc.
Hồi tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký chỉ thị về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Chỉ thị của Thủ tướng cho biết, một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, tuân thủ đúng quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp; Có biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp của tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý…