Theo một phân tích dữ liệu từ 88 quốc gia, vùng lãnh thổ được công bố hôm 15/10 trên tạp chí y khoa BMJ, trẻ em ở những nước mà các hình phạt thể xác bị cấm thì có xu hướng ít bạo lực hơn.
“Những xã hội cấm các hình phạt này có vẻ là những nơi an toàn hơn cho trẻ em” – tác giả chính của nghiên cứu, ông Frank Elgar, phó giáo sư ở Viện Chính sách xã hội và Sức khỏe của ĐH McGill cho hay.
Bác sĩ nhi khoa, tiến sĩ Robert Sege – người không tham gia vào nghiên cứu này – cho biết “kết quả này thực sự rất hợp lý”. Tiến sĩ Sege hiện đang là giáo sư y khoa ở Trường Y khoa, ĐH Tufts.
Sege cho biết, nhiều người cho rằng những hình phạt thể chất là cần thiết để “dạy cho đứa trẻ biết đúng sai, và nếu chúng ta không sử dụng các hình phạt này, bọn trẻ sẽ trở nên vô tổ chức”.
Tác động khác biệt giữa bé trai và bé gái
Theo Elgar, nghiên cứu này là một trong những “phân tích xuyên quốc gia lớn nhất về bạo lực ở người trẻ” cho đến nay.
Phân tích đã sử dụng dữ liệu từ 2 cuộc khảo sát toàn cầu là Khảo sát Hành vi sức khỏe ở trẻ có độ tuổi đến trường và Khảo sát Sức khỏe trường học toàn cầu. Các nghiên cứu viên đã phỏng vấn trẻ em từ 13 đến 17 tuổi về các chủ đề xã hội, sức khỏe khác nhau như hành vi tình dục, đồ uống có cồn, ma túy, thuốc lá và bạo lực. Những nghiên cứu tương tự ở các quốc gia khác cũng được xem xét.
Khi được hỏi: “Trong 12 tháng qua, bạn đã đánh nhau bao nhiêu lần?” Mức độ thường xuyên được tính là từ 4 lần trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng.
Elgar và nhóm của ông đã thu về hơn 400.000 câu trả lời của đối tượng vị thành niên ở 88 quốc gia, trong đó có cả những nước cấm hoàn toàn, cấm một phần và không cấm đánh đòn hay các hình phạt khác.
Hình phạt thể xác được định nghĩa là việc sử dụng vũ lực của người lớn để “điều chỉnh hoặc kiểm soát” hành vi của một đứa trẻ. Hình phạt trong nghiên cứu này cũng được định nghĩa là "gây đau đớn nhưng không gây thương tích".
Trong số 88 quốc gia được khảo sát, có 30 quốc gia cấm hoàn toàn các hình phạt thể xác, cả ở trường học và ở nhà. Những quốc gia này gồm có New Zealand, Iceland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và một số quốc gia Scandinavia, Trung Mỹ và Nam Mỹ.
38 quốc gia gồm có Mỹ, Anh, Canada đang cấm một phần, cụ thể là các hình phạt như vậy chỉ bị cấm ở trường học.
Còn 20 quốc gia khác như Israel, Ai Cập và một số nước châu Phi không cấm hình phạt thể xác tại thời điểm nghiên cứu.”Các bé trai ở những quốc gia có lệnh cấm hoàn toàn có tỷ lệ bạo lực chỉ chiếm 69% so với các quốc gia không có cấm” – ông Elgar cho hay. “Ở các bé gái, khoảng cách này còn lớn hơn – 42%”.
Tỷ lệ bạo lực thấp nhất lần lượt là ở Costa Rica, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Honduras, Tây Ban Nha, New Zealand và Thụy Điển.
Các quốc gia cấm một phần thì không thấy sự suy giảm bạo lực ở các bé trai, tiến sĩ Elgar cho biết. Tuy nhiên, có vẻ như các bé gái sử dụng những chiến thuật bắt nạt nghiêng về cảm xúc và xã hội hơn là về thể xác.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu về tác động tổng thể của bạo lực trong xã hội bằng cách kiểm tra tỷ lệ giết người, các lệnh cấm vũ khí trong trường học, các chương trình giáo dục phụ huynh và các chương trình thăm viếng gia đình ngược đãi trẻ em, nhưng không phát hiện thấy tác động nào.
Họ đưa ra giả thuyết rằng, những quốc gia giàu có hơn sẽ có ít bạo lực trẻ em hơn nhưng kết quả lại gây ngạc nhiên.
“Các lệnh cấm và mức độ bạo lực ở trẻ em không có mối liên quan gì tới sự giàu có của một quốc gia. Một số quốc gia có thu nhập rất thấp lại có môi trường khá hòa nhã, trong khi một số quốc gia giàu hơn như Mỹ, Anh và Canada thì không”.
Một trong những giới hạn của nghiên cứu là vấn đề “con gà và quả trứng”: Việc cấm các hình phạt thể xác có dẫn đến tỷ lệ bạo lực thấp hơn ở trẻ em hay không? Hay những quốc gia có tỷ lệ bạo lực ở trẻ em thấp thì có xu hướng đưa ra lệnh cấm? Câu hỏi này cần được giải đáp ở những nghiên cứu trong tương lai.
Tác động của hình phạt thể xác
Đánh đòn và các hình thức phạt thể xác khác là hợp pháp và được xã hội chấp nhận ở nhiều quốc gia.
Trên toàn thế giới, có gần 300 triệu trẻ em từ 2 đến 4 tuổi thường xuyên phải nhận những hình phạt thể xác từ cha mẹ hay người chăm sóc, theo một báo cáo của UNICEF vào năm 2017.
Ở Mỹ, một nghiên cứu vào năm 2011 phát hiện ra rằng có 70% các bà mẹ cho biết họ vẫn đánh đòn trẻ chập chững biết đi. Những nghiên cứu trước đó thì cho thấy 80% trẻ em Mỹ nói rằng chúng bị đánh đòn cho đến khi học lớp 5.
Các chuyên gia cho biết, một phần nguyên nhân của việc sử dụng các hình phạt thể xác liên tục ở Mỹ là do nhiều người Mỹ tin rằng nó không có hại và là cần thiết trong việc nuôi dạy con cái.
Nghiên cứu có tên Child Trends vào năm 2015 cho thấy 76% đàn ông Mỹ và 2/3 phụ nữ Mỹ đồng ý rằng “đôi khi cần phải kỷ luật trẻ bằng một hình phạt nặng”.
Trên toàn cầu, có khoảng 1,1 tỷ người chăm sóc xem hình phạt thể xác là cần thiết để nuôi dạy, giáo dục một đứa trẻ - dữ liệu của UNICEF cho hay.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng kết quả cuối cùng của hình phạt thể xác có thể là không tích cực.
“Việc kỷ luật một đứa trẻ là dạy cho đứa trẻ đó cách tự điều chỉnh mình khi bố mẹ không ở cạnh” – tiến sĩ Sege nói. “Đánh đòn không làm được điều đó”.
Một phân tích tổng hợp 75 nghiên cứu về việc đánh đòn cho thấy, hành vi này là một phần nguyên nhân dẫn đến tính hiếu thắng, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, lòng tự trọng xã hội cũng như hành vi chống đối xã hội của trẻ em, mà sau đó sẽ ảnh hưởng tới tuổi trưởng thành.
Các nghiên cứu khác thì cho rằng những đứa trẻ bị phạt thể chất cũng gặp phải những vấn đề về học tập, nhận thức và có xu hướng bạo lực với phụ nữ hơn trong cuộc sống sau này.
Tiến sĩ Sege cho biết, theo nghiên cứu mới này, “khi phụ huynh và nhà trường có dấu hiệu bạo lực, trẻ sẽ tăng xu hướng bạo lực”.
“Tôi hi vọng rằng những nghiên cứu như thế này sẽ thuyết phục được những người vẫn đánh đòn con hay sử dụng các hình phạt thể xác khác nhận ra rằng đó là việc làm không cần thiết để nuôi dạy được những đứa trẻ biết cư xử”.
Nguyễn Thảo (Theo CNN)
Băn khoăn xử phạt dạy thêm, la mắng học trò
Dự thảo xử phạt hành chính các vi phạm trong giáo dục điều chỉnh nhiều vấn đề, trong đó nổi lên nhiều băn khoăn hơn cả là những mức xử phạt liên quan đến dạy thêm, học thêm và xúc phạm người dạy, người học.
Học trò hiến gan cho cô giáo cũ từng dùng roi phạt mình nhiều lần
Một thanh niên người Malaysia đã hiến tặng một phần gan cho cô giáo tiểu học cũ của mình – người mà anh tiết lộ rằng đã từng rất ghét.
Chửi học viên là "lợn": Phạt cô giáo 5 triệu, giải thể trung tâm tiếng Anh
Bà Nguyễn Kim Tuyến – người có những lời lẽ chửi học viên bị phạt 5 triệu đồng do đã thực hiện hành vi vi phạm quy định về kỷ luật người học, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học và bị dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy.
Bao giờ hết cảnh cô giáo phạt học sinh quỳ gối, uống nước giẻ lau?
Những sự việc bạo lực học đường trong từ đầu năm tới đây như quả bom "phát nổ giữa ban ngày", nén nơi này thì xì nơi khác dù đã được các cơ quan quản lý vào cuộc rốt ráo.
Phạt con chạy bộ đi học dưới mưa, người cha gây "sóng mạng"
Một người cha ở Virginia (Mỹ) đã dấy lên một cuộc tranh luận về nuôi dạy con cái sau khi đăng tải trên Facebook một đoạn video quay cảnh cậu con trai 10 tuổi đang chạy bộ trong mưa để đến trường.
Phạt học sinh, cô giáo bị phụ huynh tát phải nhập viện
Đánh một học sinh vì không mặc đồng phục, cô giáo Hải lập tức bị phụ huynh xông vào trường tát ngay trước lớp.