Tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch.
Theo dự thảo, giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch là các giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật thể hiện trong lĩnh vực du lịch bao gồm các hoạt động kinh doanh, tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến và quản lý nhà nước về du lịch.
Các giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, quảng cáo, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, quy định khác của pháp luật có liên quan và quy định này.
Dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực du lịch thực hiện theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Cổng thông tin điện tử của Bộ hoặc tại địa chỉ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.
Dự thảo nêu rõ, tổ chức, cá nhân tạo lập các trang thông tin điện tử (website) hoặc ứng dụng di động chào bán sản phẩm, dịch vụ du lịch trong lãnh thổ Việt Nam do chính chủ sở hữu (hoặc đơn vị được chủ sở hữu ủy quyền) trang thông tin này cung cấp, phải thực hiện thông báo, công bố thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam về thương mại điện tử.
Tổ chức, cá nhân chào bán dịch vụ lữ hành trên trang thông tin thương mại điện tử do mình sở hữu (hoặc đơn vị được chủ sở hữu ủy quyền) phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành tương ứng với chương trình du lịch chào bán.
Số hiệu giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành phải được đăng trên trang chủ của trang thông tin thương mại điện tử. Tổ chức, cá nhân chỉ được chào bán dịch vụ lưu trú trên trang thông tin thương mại điện tử do mình sở hữu (hoặc đơn vị được chủ sở hữu ủy quyền) khi đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định của Điều 49 Luật Du lịch.
Trường hợp cơ sở lưu trú đang trong quá trình xây dựng hoặc sửa chữa, trong hợp đồng giao dịch điện tử phải công khai thông tin về thời gian dự kiến hoàn thành, đáp ứng các điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
Dự thảo nêu rõ, thông tin, hình ảnh sản phẩm, dịch vụ du lịch được chào bán trên trang thông tin thương mại điện tử du lịch phải trung thực, chính xác và được cập nhật ít nhất 6 tháng/lần.
Cũng theo dự thảo, tổ chức, cá nhân tạo lập các sàn giao dịch điện tử hoặc ứng dụng di động cung ứng dịch vụ trung gian giữa bên bán và bên mua các dịch vụ du lịch trong lãnh thổ Việt Nam, thể hiện bằng tiếng Việt, phải thực hiện đăng ký, công bố thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam về thương mại điện tử.
Các tổ chức, cá nhân Việt Nam có quyền chọn các sàn giao dịch điện tử trong nước hay nước ngoài để bán các sản phẩm dịch vụ của mình, nhưng không được dùng tiếng Việt để chào bán sản phẩm, dịch vụ du lịch, trên các sàn giao dịch điện tử chưa được Việt Nam cấp phép.
Sàn giao dịch điện tử chỉ được bán chương trình du lịch của doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; phải bảo đảm trách nhiệm của đại lý lữ hành quy định tại Điều 43 Luật Du lịch.
Bên cạnh đó, sàn giao dịch điện tử chỉ được bán dịch vụ lưu trú của cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch.
Dự thảo nêu rõ, khách du lịch mua dịch vụ du lịch thông qua sàn giao dịch điện tử thì hợp đồng cung cấp dịch vụ là hợp đồng giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch và khách du lịch. Hợp đồng giữa Sàn giao dịch và tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch phải xác định rõ phạm vi trách nhiệm của mỗi bên đối với khách du lịch.
Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, khiếu kiện giữa khách du lịch và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch, sàn giao dịch điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; hỗ trợ khách du lịch tìm kiếm các dịch vụ thay thế có tiêu chuẩn tương đương hoặc tốt hơn.