Các nước sang Việt Nam ăn thịt khen ngon, nhưng bảo họ nhập thì đều lắc đầu. Các chuyên gia cho rằng, lý do chính là vì dịch bệnh. Phải mất 5-10 năm nữa mới, chúng ta mới có thể xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi.

Rào cản dịch bệnh

Sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước. Chúng ta mới xuất khẩu một vài sản phẩm như lợn sữa, lợn choai, trứng muối,...

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu khẩu chính ngạch thịt lợn sang một số thị trường, đó là Hồng Kông, Malaysia với sản phẩm lợn sữa và lợn choai đông lạnh. Năm 2016, chúng ta xuất khẩu được 11.000 tấn thịt lợn, trị giá 100 triệu USD. 5 tháng đầu năm 2017, lượng xuất khẩu đạt 10.600 tấn, trị giá 46 triệu USD.

Sản phẩm trứng gia cầm cũng được xuất khẩu sang Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, song, dưới dạng chế biến như trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng chim cút đóng hộp. Riêng với thịt gia cầm, chưa có sản phẩm nào được xuất khẩu, ông Đông cho hay.

{keywords}
Sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đang dư thừa nhưng chưa thể xuất khẩu (ảnh Dân Việt)

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Bởi, nguồn cung dồi dào, dư thừa để xuất khẩu, thậm chí có thể xuất khẩu với số lượng lớn.

Tuy nhiên, ông Vân cho biết, các nước nhập khẩu rất sợ dịch bệnh. Sản phẩm chăn nuôi phải đảm bảo sạch dịch bệnh thì mới cho xuất vào. Trong khi, chúng ta chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh. Ăn thịt lợn, gà của Việt Nam DN các nước khen ngon, nhưng bảo nhập khẩu thì ắc đầu không đồng ý.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thắng Lợi, cũng cho biết, lợn sữa Việt Nam là đặc sản mà cả thế giới không có. Nhiều đối tác như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc,... sang Việt Nam đặt vấn đề mua thịt lợn, trong đó có thịt lợn sữa và thịt lợn choai. Song, tới nay, mới chỉ có 2 thị trường nhập mặt hàng này.

Việc mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi rất khó. Nguyên nhân bởi chúng ta không đảm bảo được vấn đề an toàn dịch bệnh và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các nhà máy chế biến cũng không đáp ứng được yêu cầu của các nước.

“Chúng tôi không cần xúc tiến thương mại. Mọi việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đều là vô nghĩa nếu cơ quan thú y hai nước không thông thương. Thực tế chúng tôi đã phải trả giá cho điều này”, ông Hoàng nói. Năm 2014, doanh nghiệp của ông mò mẫm xúc tiến xuất khẩu thịt lợn sang Singapore, mọi thủ tục đã hoàn thành nhưng cơ quan thú y nước này trả lời là không xem xét hồ sơ của Việt Nam vì còn dịch lở mồm long móng.

5-10 năm nữa mới xuất khẩu được

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, xuất khẩu là hướng đi tất yếu với ngành chăn nuôi. Bởi nếu không xuất khẩu được, ngành chăn nuôi của Việt Nam vẫn quay lại bài toán lúc thừa lúc thiếu.

“Chẳng có Chính phủ nào đi giải cứu hết được nông sản của đất nước cả. Đã đến lúc chúng ta phải có chiến lược, một chiến lược bài bản bàn về câu chuyện xuất khẩu, trong đó có nhiều việc phải làm từ quy hoạch vùng chăn nuôi đảm bảo an toàn cho đến định lượng sản phẩm ra thị trường, xây dựng các bộ tiêu chí, hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại… Nếu làm quyết liệt thì 5-10 năm  nữa chúng ta mới xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi made in VietNam”, ông Sơn nói.

{keywords}
Nguyên nhân khiến sản phẩm chăn nuôi chưa thể xuất khẩu là do chưa có vùng an toàn dịch bệnh

Ông Sơn cho rằng, việc giải cứu cho người chăn nuôi trước khủng hoảng thừa thịt lợn và thịt gà, trứng gia cầm chỉ là giải phải trước mắt, chưa phải là lâu dài.

Câu chuyện ở đây chính là nói đến quy hoạch, quy hoạch về không gian, quy hoạch về sản phẩm, một định hướng lâu dài. Thêm nữa, đã đến lúc chúng ta phải xem xét chăn nuôi Việt Nam phải có điều kiện. Bởi, với một vùng, liên vùng không thể tăng đàn ồ ạt do sức chịu tải của môi trường không chỉ có giới hạn.

Khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, song Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, giá thành cao, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; người chăn nuôi, cũng như các doanh nghiệp đang đói thông tin về thị trường,... đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của các hiệp hội ngành hàng.

Ông Tám lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, cần hướng đến các sản phẩm đã qua chế biến. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế.

Đối với xuất khẩu động vật sống, cần đảm bảo an toàn dịch bệnh, có các vùng sản xuất an toàn. Do đó, nên có quy hoạch cụ thể và có chính sách phù hợp nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Riêng với Cục Thú y, Thứ trưởng Tám yêu cầu cần phải tiếp tục đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, phải thông tin rõ ràng cho doanh nghiệp; đồng thời phối hợp với các địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Ngoài ra, theo ông Hoàng Thanh Vân, cần hạ giá thành sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh được.“Phải triệt tiêu được tất cả những bất lợi trên thì chúng ta mới có thể xuất khẩu được các sản phẩm chăn nuôi”, ông Vân nói.

Như Băng