Dự kiến ngày 18/4, TAND huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm lần 2 đối với các bị cáo Phạm Đức Hạnh (nguyên cán bộ địa chính xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn); Đinh Hữu Sỹ (nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn) và bị cáo Nguyễn Thành Đô (nguyên cán bộ đo đạc bản đồ Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên Môi trường tỉnh Ninh Thuận).
Theo truy tố, Đô được giao nhiệm vụ đo vẽ Bản đồ địa chính, địa điểm thực hiện dự án Nhà máy mặt trời Mỹ Sơn (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận).
Cuối tháng 3/2017, Đô thực hiện quy trình đo vẽ bản đồ và lập hồ sơ theo đúng quy định, được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận phê duyệt, sau đó chuyển giao lại cho chủ dự án và các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện quy trình thu hồi đất giải phóng mặt bằng.
Đến cuối tháng 9/2017, Sỹ đã phân công Hạnh phối hợp với Trung tâm quỹ đất huyện Ninh Sơn tiến hành kiểm kê tài sản, diện tích đất thu hồi. Tuy nhiên, khi kiểm kê phát hiện diện tích đất tại thực địa có sai khác với Bản đồ địa chính do 8 hộ dân có đất trong vùng dự án tự ý cày phá, bao chiếm, trồng cây trên một phần diên tích hơn 149 héc ta thuộc UBND xã Mỹ Sơn quản lý.
Cùng lúc đó, 8 hộ dân này cũng khiếu nại việc chưa đo hết diện tích đất của họ nên tháng 10/2017, Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên Môi trường tỉnh Ninh Thuận đã phân công Đô tiến hành đo lại đất cho các hộ dân khiếu nại.
Sau khi tiến hành đo đạc, 8 hộ dân này được đo thêm hơn 82 ngàn m2. Sau đó, Hạnh lập danh sách chủ sử dụng đất thu hồi dự án rồi báo cáo trong cuộc họp Hội đồng tư vấn đất đai xã Mỹ Sơn. Tuy nhiên, Hạnh không báo cáo về trường hợp 8 hộ dân được đo thêm này nên Hội đồng tư vấn không hay biết.
Tiếp đó, Hạnh soạn thảo và tư vấn cho Sỹ ký các văn bản, báo cáo xác nhận nguồn gốc đất, diện tích đất của các hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm, canh tác từ năm 2010 đến năm 2013.
Các hộ dân có đất canh tác nằm trong dự án bị thu hồi không đủ điều kiện được bồi thường về đất nhưng được xem xét hỗ trợ.
8 hộ dân được đo thêm đất sau đó đã nhận hỗ trợ về đất và hoa màu.
Theo quy kết của VKS, tổng số tiền thiệt hại là hơn 431 triệu đồng.
Sau đó, Hạnh và Đô bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”; Sỹ bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại phiên sơ thẩm lần 1 hồi tháng 3/2020, TAND huyện Ninh Sơn tuyên phạt Hạnh 30 tháng tù, Đô 27 tháng và Sỹ 18 tháng. Cả 3 được hưởng án treo.
Đồng thời, Tòa cũng kiến nghị UBND huyện thu hồi lại số tiền hơn 431 triệu đã chi trả cho các hộ dân trên.
Bản án sơ thẩm chưa khách quan ?
Sau phiên sơ thẩm, VKSND huyện Ninh Sơn đã kháng nghị, đề nghị thay đổi tội danh của Đô từ “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đồng thời, không cho 3 bị cáo hưởng án treo.
Hạnh kháng cáo cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” chứ không phải là tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”. Bị cáo Sỹ cũng có kháng cáo cho rằng mình bị oan, không phạm tội.
Các hộ dân cũng kháng cáo, đề nghị không thu hồi lại số tiền họ được hỗ trợ.
Tại phiên phúc thẩm, ông Nguyễn Đức Hòa (Phó Chủ tịch huyện Ninh Sơn) khẳng định, các bị cáo không gây thiệt hại cho Nhà nước vì nguồn vốn chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất là của doanh nghiệp.
Theo ông Hòa. căn cứ xác định nguồn gốc đất, thời gian lấn chiếm, sử dụng đất của các hộ dân trong vùng dự án được xác định theo Kết luận thanh tra của UBND huyện. Theo đó, các hộ dân lấn chiếm từ năm 2010 đến trước khi có thông báo thu hồi đất.
"CQĐT xác định các hộ dân lấn chiếm đất sau khi có thông báo thu hồi đất là không có cơ sở. Các hộ dân không được bồi thường về đất nhưng được hỗ trợ và tài sản trên đất theo chủ trương đã được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt, tiền đã chi là hợp lý", ông Hòa khẳng định.
Từ lập luận này, ông Hòa đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Đại diện phía Công ty Hoàng Sơn (dự án Nhà máy Nhiệt điện mặt trời Mỹ Sơn) khẳng định, mình cũng không phải là bị hại, số tiền hơn 431 triệu đồng là để chi trả bồi thường cho các hộ dân, nếu có dư ra cũng không đòi lại.
Tòa phúc thẩm xác định, cơ quan điều tra ghi không đúng với ý kiến của người dân, dù họ khai canh tác đất từ trước tháng 3/2017 nhưng lại ghi sau tháng 3/2017.
Đồng thời, các biên bản kiểm kê, đo đạc hiện trường lập tháng 8/2017, xác định đất có trồng mía, cây keo lá, tràm từ 6-8 tháng (trước khi có thông báo thu hồi).
Vì vậy, cấp phúc thẩm xét thấy việc xác định số tiền dùng để thực hiện hỗ trợ cho các hộ dân thuộc ngân sách Nhà nước hay vốn của doanh nghiệp là căn cứ quan trọng để xác định bị hại là ai?
Cấp phúc thẩm nhận định, việc điều tra của cấp sơ thẩm chưa khách quan, chưa thu thập đủ chứng cứ chứng minh đối với hành vi gây thiệt hại của các bị cáo và nguồn tiền mà bị cáo gây thiệt hại. Vì vậy, cấp phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Đoàn Nga