Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là sử dụng các khả năng hải quân đang gia tăng để kiểm soát đảo và nhóm đảo ở Biển Đông, cũng như kiểm soát nguồn tài nguyên và vị trí chiến lược.
>> Biển
Đông: Hải quân Philippines chờ lệnh, TQ muốn
điều tàu lặn
Ảnh:
wordpress
Biển Đông đã trở thành một trong những điểm nóng bất ổn nhất ở Đông Á. Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei đều tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này. Sự chồng lấn ấy dẫn tới những đụng độ ngoại giao, thậm chí là quân sự trong vài năm gần đây.
Với nhiều nhóm đảo, giàu khoáng sản và tài nguyên năng lượng, chiếm gần 1/3 vận chuyển hàng hải thế giới, giá trị chiến lược của Biển Đông là hiển nhiên. Tuy vậy, với Trung Quốc, việc kiểm soát vùng biển này lại dẫn đến tình thế tiến thoái lưỡng nan: làm thế nào để khẳng định chủ quyền hàng hải trong khi vẫn duy trì được chính sách đối ngoại không đối đầu thiết lập từ thời Đặng Tiểu Bình năm 1980.
Trong bối cảnh mới, cách tiếp cận "chờ thời" của Đặng Tiểu Bình không còn là một chọn lựa lý tưởng.
Đảo lộn logic hàng hải của TQ
Trung Quốc là một lục địa rộng lớn. Trong quá khứ, nước này thường tập trung ở nội địa, với những nỗ lực hướng biển rời rạc, thậm chí sau đó lại quay về sự an toàn tương đối trên đất liền.
Theo truyền thống, các mối đe dọa lớn nhất với Trung Quốc không đến từ biển mà chủ yếu từ đua tranh nội địa hoặc các lực lượng du cư phía bắc và tây. Phần lớn trao đổi thương mại của Trung Quốc với thế giới được thực hiện trên đất liền, qua các nhà buôn Ảrập hay nước ngoài khác ở một số vị trí chọn lựa ven biển.
Có hai nhân tố góp phần tạo dựng kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển hải quân: sự chuyển dịch chiến tranh từ phía bắc xuống phía nam Trung Quốc và những giai đoạn tồn tại tương đối ổn định. Trong suốt triều đại nhà Tống (960-1279), tương ứng với các đội kỵ binh ở các đồng bằng phía bắc Trung Quốc là lực lượng thủy quân khá lớn tại vùng sông ngòi, đầm bãi phía nam. Lực lượng này nhanh chóng phát triển ra với ven biển, và các vua Tống khuyến khích người Trung Quốc trao đổi thương mại hàng hải nhằm thay thế thương nhân nước ngoài dọc theo vùng duyên hải.
Trong khi chính sách "hướng nội" vẫn chiếm ưu thế vào thời nhà Nguyên (1271-1368) thì dưới sự cai trị của người Mông Cổ, Trung Quốc đã thực hiện ít nhất hai cuộc viễn chinh hải quân lớn vào cuối thế kỷ 13 - chống lại Nhật Bản và Java - nhưng không thành công. Thất bại ấy đã góp phần vào quyết định của Trung Quốc khi một lần nữa quay lưng lại với biển.
Vào cùng thời điểm khi Magellan bắt đầu chuyến thám hiểm toàn cầu đầu những năm 1500, Trung Quốc tiếp tục chính sách cô lập, hạn chế thương mại và giao tiếp với bên ngoài, chấm dứt hầu hết các chuyến phiêu lưu hàng hải.
Trọng tâm của lực lượng thủy quân Trung Quốc khi ấy thiên về phòng thủ bờ biển thay vì phô diễn sức mạnh. Sự xuất hiện của các pháo hạm phương Tây trong thế kỷ 19 đã làm đảo lộn logic hàng hải thông thường của nhà cầm quyền Trung Quốc. Họ muộn màng thực hiện một chương trình hải quân dựa trên công nghệ phương Tây.
Tuy vậy, vấn đề hàng hải vẫn chưa được tích hợp đầy đủ vào tư duy chiến lược Trung Quốc. Việc thiếu nhận thức hàng hải đã góp phần vào quyết định của nhà Thanh khi nhượng lại cảng quan trọng ở cửa sông Tumen cho Nga năm 1858, phong tỏa lối vào Biển Nhật Bản từ phía đông bắc. Gần 40 năm sau, mặc dù xây dựng được một trong những đội tàu lớn nhất khu vực, hải quân Trung Quốc vẫn bị lực lượng hải quân mới nổi của Nhật đánh bại. Và gần một thế kỷ sau đó, người Trung Quốc lần nữa gần như tập trung hoàn toàn vào đất liền, với lực lượng hải quân hoàn toàn chỉ có vai trò phòng thủ bờ biển.
Kể từ những năm 1990, chính sách này đã dần thay đổi khi mối liên kết kinh tế Trung Quốc với thế giới được mở rộng. Để đảm bảo sức mạnh kinh tế và nắm giữ ảnh hưởng toàn cầu mạnh mẽ hơn, thì sự phát triển một chiến lược hải quân với vai trò tiên phong trở thành yêu cầu cấp bách.
Câu chuyện "đường 9 đoạn"
Để hiểu về lý lẽ hàng hải của Trung Quốc ngày nay cũng như các tranh chấp lãnh thổ giữa họ và nhiều nước láng giềng, đầu tiên phải hiểu cái gọi là đường 9 đoạn, một ranh giới mơ hồ thể hiện tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đường 9 đoạn dựa trên một bản đồ chủ quyền trước đó gọi là đường 11 đoạn, vẽ năm 1947 dưới thời chính quyền quốc dân đảng mà không có quá nhiều cân nhắc toan tính chiến lược do chính quyền này bận rộn với những vấn đề trong nước. Sau khi chấm dứt chế độ chiếm đóng của Nhật, chính phủ quốc dân đảng đã yêu cầu các sĩ quan hải quân và các tổ công tác thăm dò khảo sát ra Biển Đông để vẽ bản đồ đảo và nhóm đảo. Bộ Nội vụ khi đó công bố bản đồ gồm 11 đoạn "khoanh vùng" hầu hết Biển Đông.
Bản đồ này, thiếu các tọa độ cụ thể, đã trở thành nền tảng cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc hiện đại. Năm 1953, có lẽ để giảm thiểu bất đồng với láng giềng, bản đồ 9 đoạn hình thành khi Bắc Kinh bỏ đi 2 đoạn.
Bản đồ mới của Trung Quốc ra đời mà ít gặp phải sự phàn nàn hay phản đối của các nước láng giềng - rất nhiều quốc gia khi đó còn tập trung vào phong trào giành độc lập dân tộc. Và Bắc Kinh cố tình hiểu sự im lặng ấy là sự chấp thuận của láng giềng và cộng đồng quốc tế, rồi sau đó khá bình lặng về vấn đề này để tránh những thách thức xảy ra. Bắc Kinh cũng tránh xa việc chính thức tuyên bố 9 đoạn ấy là ranh giới bất khả xâm phạm. Bản đồ ấy không được quốc tế công nhận cho dù Trung Quốc coi đường 9 đoạn như căn cứ lịch sử cho các tuyên bố chủ quyền hàng hải của mình.
Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là sử dụng các khả năng hải quân đang gia tăng để kiểm soát đảo và nhóm đảo ở Biển Đông, cũng như kiểm soát nguồn tài nguyên tự nhiên và vị trí chiến lược mà họ có thể. Khi quân đội Trung Quốc kém mạnh, họ đi theo quan niệm gạt tranh chấp sang bên, thực hiện phát triển chung với mục tiêu giảm bớt nguy cơ xung đột do chồng lấn chủ quyền; và cùng lúc đó là tranh thủ thời gian phát triển lực lượng hải quân. Đồng thời, để tránh phải đối đầu với một khối thống nhất các nước tuyên bố chủ quyền, Bắc Kinh thông qua cách tiếp cận mặt đối mặt với cá nhân từng nước. Điều này cho phép Bắc Kinh giữ ưu thế trong những cuộc thương thảo song phương - thứ mà họ e ngại sẽ mất đi trong một diễn đàn nhiều bên tham dự hơn.
Khi sự chú ý của cộng đồng quốc tế, sự cạnh tranh khu vực ngày một gia tăng ở Biển Đông, thì công chúng Trung Quốc - vốn xác định các vùng biển trong phạm vi đường 9 đoạn như lãnh hải của họ - đang đặt ra áp lực để Bắc Kinh có những hành động quả quyết hơn. Điều đó đặt Trung Quốc vào một vị trí khó xử: sức ép khu vực, quốc tế và gánh nặng chủ nghĩa dân tộc trong nước.
(còn tiếp)
Thái An (theo econintersect)