Gác lồng nuôi vì thương lái không chịu trả tiền mua tôm
Giữa cái nóng hầm hập tháng 7, bà Nguyễn Thị Bích Hà (42 tuổi, ở phường Ba Ngòi, TP Cam Ranh), rầu rĩ: “Người ta nuôi tôm thì thắng lớn. Còn vợ chồng tôi mới chỉ vài năm đã lâm cảnh nợ cả trăm triệu đồng, đó là chưa tính vốn tích lũy bao năm”.
Bà Hà chia sẻ, bà vốn bị bệnh tim, sức khỏe yếu, chỉ ở nhà nội trợ, thi thoảng lại phải nhập viện. Chồng bà, ông Tống Văn Hóa (44 tuổi), lặn biển thuê. Vợ chồng bà có 2 người con, đang phải nhờ người thân chăm sóc.
Khoảng 7 năm trước, vợ chồng bà Hà dựng được căn nhà cấp 4 trên một dải đất hẹp, dọc mép biển, rồi được người thân cho mượn tiền đầu tư nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh. Ban đầu chỉ vài lồng nuôi, sau tăng lên được 30 lồng.
Liên tiếp trong các tháng giữa năm 2022, vợ chồng bà thu hoạch tôm hùm, bán cho thương lái khoảng 500 triệu đồng. Trong toan tính của người phụ nữ, hai vợ chồng sẽ thả thêm vài nghìn con xuống nuôi tiếp. Thế nhưng, “người tính không bằng trời tính”, số tiền này bên mua không chịu trả.
Nhìn về hướng chồng vừa đưa những lồng nuôi tôm hùm từ biển về gác ở bãi đất trống, bà Hà lo lắng nói: "Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay càng khó hơn. Từ 30 lồng nuôi nay chỉ còn 10 lồng, mà vợ chồng tôi còn mắc nợ. Chúng tôi giờ phải chạy ăn từng bữa”.
Lâm cảnh nợ nần vì bị ‘xù tiền tỷ’
Cùng cảnh ngộ, giữa trưa, bà Hồ Thị Chanh (47 tuổi, ở phường Cam Thuận) ngồi tính toán lại số tiền chi tiêu, trả lãi ngân hàng. Hiện, vợ chồng bà vay ngân hàng khoảng 7 tỷ đồng, mỗi tháng trả hàng chục triệu đồng tiền lãi.
Gần giữa năm 2022, số tôm nuôi trong 100 lồng của gia đình đạt trọng lượng, có thể xuất bán. Lúc này, ông Trần Hữu Tránh (40 tuổi, phường Cam Thuận, TP Cam Ranh) là người địa phương tới tìm gặp tỏ ý muốn mua. Ông Tránh giới thiệu mình là người môi giới, đi thu tôm cho người phụ nữ tên N.T.A.Th. (35 tuổi, giới thiệu là chủ một doanh nghiệp ở TP Thủ Đức, TPHCM).
Ông Tránh khẳng định, bà Th. là chủ doanh nghiệp lớn, có nhiều đối tác và xuất hàng đi nước ngoài. Mỗi kg tôm hùm môi giới người dân bán cho bà Th., ông Tránh được hưởng 10.000 đồng.
Theo chủ lồng, trước đây, họ bán cho các thương lái khác, nhưng vì ông Tránh quen biết, thu với giá cao và thanh toán tiền nhanh nên hợp tác. Sau đó, vợ chồng bà Chanh còn thu tôm hùm của nhiều hộ dân trong vùng, qua môi giới là ông Tránh để bán cho bà Th. với số tiền hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022 đến nay, ông Tránh thiếu của bà Chanh hơn 6 tỷ đồng, vẫn chưa chịu trả.
Bà Chanh là người đứng ra đại diện thu mua tôm của người dân, cũng bị họ tìm tới nhà đòi tiền. Loay hoay nhiều tháng trời, vợ chồng bà phải dùng tài sản thế chấp để vay ngân hàng khoảng 7 tỷ đồng, lấy tiền trả cho mọi người. “Việc thương lái không trả tiền kéo dài, khiến chúng tôi kiệt quệ”, bà Chanh bày tỏ bản thân hơn 20 năm trong nghề, chưa bao giờ lâm vào tình cảnh khốn khó như thế này.
Còn ông Trương Văn An (47 tuổi, ở TP Cam Ranh), từ một gia đình khá giả, giờ đang chật vật với nợ nần. Vợ chồng ông phải thế chấp 6 sổ đỏ vào ngân hàng, vay 9,5 tỷ đồng đi trả nợ tiền mua tôm cho người dân, mỗi tháng trả khoảng 90 triệu đồng tiền lãi.
Theo ông An, cũng vụ tôm năm 2022, ông Tránh tìm tới gặp, nhờ ông mua tôm giúp, mỗi kg sẽ trả công 2.000 đồng. Số tôm thu được, ông Tránh môi giới, bán lại cho bà Th. để kiếm lời. Lúc đầu, thông qua ông Tránh, tiền bán tôm được thanh toán rất nhanh. Suốt thời gian đó, vợ chồng ông An dốc hết tôm hùm thu được của bà con cho bà Th. với số tiền 11 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa được trả. Thời gian qua, ông An nhiều lần yêu cầu thương lái trả tiền, nhưng vẫn chưa được.
Tương tự, hàng chục chủ lồng nuôi tôm ở Cam Ranh thời gian qua “đứng ngồi không yên” vì ông Tránh và bà Th. chưa chịu trả số tiền tôm hơn 40 tỷ đồng. Người nuôi nhiều lần yêu cầu trả tiền nhưng không được phản hồi, nên làm đơn tố cáo tới công an.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Tránh nói mình cũng là nạn nhân của bà Th. Thời gian qua, ông "đứng ngồi không yên", phải né tránh người dân xung quanh vì số tiền môi giới bán tôm hùm không trả được cho người nuôi. Ông Tránh phân trần, đầu năm 2022, bà Th. giới thiệu mình là chủ doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam và nhiều lần đề nghị ông Tránh thu mua tôm của người dân rồi bán lại cho bà. Mức tiền ông Tránh được hưởng là 10.000 đồng/kg tôm.
Ông bảo, thời gian đầu, bà Th. là người rõ ràng trong kinh doanh, thanh toán tiền đầy đủ. Tuy nhiên, bà Th. sau đó vin vào nhiều lý do, trong đó có tiền tôm đối tác chưa chuyển về kịp, để chậm trả cho cho người bán tôm. Còn ông thì bị người bán tôm phản ứng, uy hiếp, thậm chí siết nhà. Thoạt đầu, ông còn tin tưởng, nhưng vài tháng sau sinh nghi, phản ứng đòi tiền.
"Lúc này, Th. mới viết giấy nợ với nội dung chưa trả hơn 40 tỷ đồng tiền tôm là do thu hồi tiền hàng bị chậm và hứa sẽ nhanh chóng thanh toán tiền cho tôi", ông Tránh nói.
Sau đó, ông Tránh và những người dân đi tìm bà N.T.A.T. tại trụ sở công ty, nhà mẹ đẻ, các xưởng, điểm đóng tôm… nhưng đều không thấy. Khi mọi người đến trực tiếp trụ sở Công ty TNHH thủy sản và thương mại Thành Nhơn thì không có biển hiệu, bảng quảng cáo nào thể hiện công ty đang hoạt động.
Chiều 10/7, trả lời PV VietNamNet về vấn đề trên, đại diện Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, Công an tỉnh đã tiếp nhận thông tin, thụ lý đơn tố giác của người nuôi tôm hùm. Công an cũng đã lập hồ sơ, lấy lời khai với những người liên quan và đang trong quá trình điều tra.
Liên quan người nuôi tôm hùm bị thương lái xù tiền không chỉ ở TP Cam Ranh, hồi tháng 11/2023, VietNamNet có nhiều thông tin phản ánh hàng chục chủ lồng nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh) điêu đứng khi bị thương lái P.T.T.H. mua tôm chưa chịu trả hơn 17 tỷ đồng. Sự việc này được người dân tố giác, công an vào cuộc điều tra. |