Cách xử lý duy nhất… là đốt
Cứ thành thói quen, những ngày cuối năm Âm lịch anh Lê Huy Báu (quê Bình Lục, Hà Nam) lại dẫn theo các con cháu ra nghĩa trang thăm viếng các mộ phần trong dòng tộc và của gia đình, thắp hương mời các cụ về nhà ăn Tết. Thông lệ này cũng được anh Báu và gia đình giữ gìn trong dịp Thanh minh hàng năm với mong muốn thế hệ trẻ biết hướng cội, biết ơn tổ tiên.
Tuy nhiên có hai điều anh Báu luôn thắc mắc mỗi lần thăm viếng mộ, đó là: Việc quy hoạch các nghĩa trang ở quê anh khá lộn xộn và tình trạng rác thải tràn ngập bên cạnh khu chôn cất khiến anh luôn ám ảnh. Với thắc mắc đầu tiên, anh Báu cho biết, do yếu tố lịch sử để lại nên mộ phần quê anh được chôn cất không tập trung (ví dụ thôn của anh có tới 4 khu chôn cất, thậm chí một số hộ có điều kiện còn lấn cả đất ruộng làm khu chôn cất bên ngoài phạm vi nghĩa trang), không theo quy chuẩn nào (chiều cao, hàng lối, kích thước…).
“Nay dù địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng khu nghĩa trang thì rất lộn xộn. Nhiều gia đình vẫn giữ tập tục cải táng mất vệ sinh môi trường. Nhiều gia đình ở thành phố có gốc gác ở quê cũng mang mộ phần về chôn cất, mua đất xây mộ rất lộn xộn. Nhiều dòng tộc tự ý biến đất ruộng thành các khu lăng mộ gia tộc, khiến tình trạng nghĩa trang dù rất rộng nhưng lại rất mất mỹ quan”, anh Báu buồn bã nói. Cũng theo anh Báu, tình trạng này diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương khác khu vực đồng bằng Bắc bộ mà chưa có chiến lược cụ thể nào của Nhà nước về vấn đề này.
Ở thắc mắc thứ hai anh Báu cảm thấy buồn chính là việc các nghĩa trang nhân dân đang dần biến thành các bãi rác tập trung của địa phương. Thôn nào chỉn chu thì xây dựng được gian nhà khoảng hơn chục m2, có sàn đổ bê tông làm nơi tập kết rác thải. “Mái tôn phía trên và sàn bê tông phía dưới không có chức năng “lưu trữ” rác thải, mà có tác dụng chống ướt rác để cứ cuối tuần là các thành viên của tổ thu gom rác của thôn xóm lại… đốt cho dễ cháy”, anh Báu nói.
Theo bà Nguyễn Thị Điệp, trưởng thôn Cao Cát (Bình Lục, Hà Nam): Xử lý rác thải sinh hoạt đang thực sự trở thành vấn đề nóng tại các địa phương. Không giống như thành phố có các xe thu gom rác thải hàng ngày, ở nông thôn rác thải đa phần được người dân xử lý bằng cách đốt. Bởi, không đốt thì cũng không biết mang đi đâu. Giấy nilong thu gom nếu không đốt sẽ bay khắp xóm làng, rơi xuống bờ ao, bờ kênh gây ô nhiễm nguồn nước.
“Với các vỏ chai, vỏ lon hay giấy vụn… có thể tái chế bán đồng nát thì người dân giữ lại. Với lá cây trong vườn, rau củ quả thừa thì ủ làm phân. Còn lại rác thải sinh hoạt nói chung, đa phần là vỏ bao nilon hay rác thải nhựa… được người dân tập kết lại và được các thành viên đội thu gom rác của thôn thu gom mang ra nghĩa địa. Cứ vài ba ngày đống rác thải ở nghĩa trang đầy lên là lại được đốt, khói đen bay mù mịt cũng rất độc hại nhưng còn hơn để bay tứ tung và đầy ụ lên”, bà Điệp nói.
Nên đưa vào tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao
Là cán bộ từng làm về công tác môi trường ở Hà Nội, nay về quê Bình Lục để nghỉ hưu ông Đỗ Văn Đức phân tích: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao hiện nay nên đưa tiêu chí bãi rác tập trung, nghĩa trang tập trung vào nghị quyết và trở thành tiêu chí bắt buộc. Vấn đề này khó, đụng chạm tới nhiều người nhưng để cải thiện môi trường sống ở nông thôn thì rất đáng làm và cần phải tính đến ngay, khi mà quỹ đất cho các công trình công cộng cũng đang khan hiếm.
“Mộ phần là vấn đề nhạy cảm, nhưng quy hoạch nghĩa trang tập trung với mộ phần quy chuẩn (kích thước, hàng hướng, mật độ chôn cất…), xây dựng các nghĩa trạng liên xã thậm chí liên huyện theo hướng các công viên xanh sẽ tạo ra được quỹ đất sạch cho các dự án công cộng. Bên cạnh đó, nghĩa trang tập trung sẽ chặn đứng được những cuộc đua “vô bổ” trong xây dựng mộ phần, mê tín dị đoan cũng như xóa bỏ được hủ tục cải táng mà chuyển hết sang hỏa thiêu vừa vệ sinh, vừa tiết kiệm…
Với các nghĩa trang tập trung, nguồn lực của người dân sẽ được tích dồn để xây dựng thành công viên vĩnh hằng, có nơi thờ tự, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ai cũng có chỗ chôn cất (khi diện tích mộ phần nhỏ lại) hoặc tối ưu hóa không gian (các khu nhà để tro cốt tập trung); không lo những chuyện tranh giành đất đai sau khi mất, tránh được nhiều hệ lụy mê tín dị đoan… Đặc biệt, khi các nghĩa trang được quy hoạch thì nơi đây cũng không bị biến thành các bãi rác bất đắc dĩ”, ông Đức hiến kế.
Sau khi nghe được các phân tích của ông Đức, anh Báu trầm trồ: “Nếu làm được như vậy thì tốt quá, sẽ tránh được bao nhiêu sự lãng phí hiện nay trong quá trình chôn cất, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời xóa được rất nhiều tập tục lỗi thời”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia môi trường, để thay đổi được nhận thức của người dân về vấn đề này là việc rất khó nhưng rất đáng làm. Đúng như Nghị định 100 về nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe hiện nay, hoặc chủ trương cấm pháo khi xưa, chỉ cần quyết tâm thì điều gì cũng có thể thực hiện.