Năm 2018, Nghĩa Hành là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi được công nhận đạt huyện nông thôn mới.
Xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tiếp tục triển khai sâu rộng việc thực hiện xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.
Vì vậy, sau khi được công nhận nông thôn mới, huyện Nghĩa Hành tiếp tục rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch, giải pháp giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và vạch lộ trình mới. Phấn đấu thực hiện mục tiêu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, tiến đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025.
Theo đó, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghĩa Hành Khóa XXII ban hành Nghị quyết số 01 về tiếp tục nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, huyện Nghĩa Hành huy động trên 43 tỷ đồng để đầu tư đồng bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng 17 khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, phát triển diện tích cây ăn quả lên gần 800 ha. Dự án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả đến năm 2023 tăng lên 100 ha ở một số xã có diện tích tập trung lớn. Triển khai 5 cánh đồng mẫu lớn, diện tích 113ha.
Hiện 100% tuyến đường do huyện quản lý được đầu tư, nâng cấp. Điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ở Nghĩa Hành đã lồng nghép có hiệu quả với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.
Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã và đang tập trung đầu tư vào việc thực hiện các dự án phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện góp phần giảm nghèo bền vững.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình năm 2022 và 2023 trên 7,6 tỷ đồng nhằm đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, truyền thông và giảm nghèo về thông tin, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình...
Đến cuối năm 2022, huyện Nghĩa Hành có 1.003 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,87%. Ước thực hiện cuối năm 2023, toàn huyện còn 862 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,24%. Dự kiến, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 ước đạt 50,32 triệu đồng/người/năm, tăng 6,74 triệu đồng trên người/năm so với năm 2020.
Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Nghĩa Hành tập trung nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Phấn đấu đến năm 2025, duy trì và giữ vững 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, rà soát hoàn thiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2023 là Hành Tín Đông, Hành Thịnh và Hành Thuận. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho hay, huyện Nghĩa Hành rất tự hào vì được chọn xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và đang nỗ lực hết mình để thực hiện. Tuy nhiên, làm được điều này cần nguồn lực rất lớn từ ngân sách nhà nước, tham gia của doanh nghiệp và đóng góp của người dân trên địa bàn.
Song song với đó, huyện Nghĩa Hành sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn các xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện.
Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai cấp xã, huyện, đảm bảo bền vững. Tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh các công trình cấp xã, cấp huyện; đảm bảo đạt chuẩn cơ sở vật chất cho các trường học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh.