- Là một bà mẹ đơn thân từ khi con được 3 tuổi, nên tôi nhận thức được tất cả mọi việc đều dành cho con gái của tôi. Từ một kế toán trưởng của một tập đoàn lớn nước ngoài, tôi đã nghĩ hẳn ở nhà để chăm lo cho con sau khi chính thức ly hôn.

Nhờ vào một phần tiền để dành trước kia và được bố mẹ cho một khoản, tôi có một căn nhà nho nho 40m2 ở ngoại thành TP.HCM. Mỗi tháng làm bán thời gian được khoản 4 triệu đồng. Việc chi tiêu cho ngôi nhà nhỏ ở ngoại thành trở nên khó khăn nhưng không gì là không thể.

Cách xa trung tâm, việc đi lại, vui chơi khó khăn hơn. Nhưng bù lại, nhà tôi lại gần nhà các chị, nên được các chị hỗ trợ chăm sóc khi mẹ con ổm đau, tôi cũng mạnh dạn hơn hẳn trong quyết định nghỉ việc của mình.

Cần cho con tuổi thơ hạnh phúc

Thời gian trôi nhanh, con gái vào lớp 1. Từ trước đó 1 năm, cô giáo lớp lá cũng đã gợi ý việc cho cháu học thêm chữ đã làm tôi lung lay ý chí của mình: Cần phài cho con có một tuổi thơ hạnh phúc.

Tuy nhiên, mỗi lần nhìn qua nhà hàng xóm, thấy cậu bé mới 4 tuổi, sáng học mẫu giáo được cô giáo dạy chữ, chiều tối về lớp học thêm chép bài tiếp và đi ngủ lúc 10h đêm sau khi làm xong bài tập. Tôi không đành lòng. Thế là: "đường ta ta chọn và ta sẽ đi tiếp", tôi nhất định không cho cháu học thêm chữ.

{keywords}
Ảnh minh họa

Cũng lường trước những khó khăn, tôi đã lên kế hoạch của mình. Khoản thời gian con học lớp lá, tôi bắt đầu cho bé cầm bút, vẽ những nét nguệch ngoạc trên trang giấy trắng. Khi thì hai mẹ con vẽ thuyền, khi thì vẽ hình mẹ và con bên ngôi nhà nhỏ. Tôi quan niệm, tập vẽ sẽ làm cho bé hứng thú và là một cách tốt nhất để dạy bé cầm bút...

Sau 1 tháng, chúng tôi tập vẽ những hình khó hơn, nét nhỏ hơn, ví dụ như vẽ cụm mây con, cụm mây mẹ. Vẽ đôi tai của chú thỏ con trong đang đứng trước hang. Bé vẽ không đẹp, nhưng đó là những nét căn bản khi tập viết chữ. Thỉnh thoảng, cuối tuần, hai mẹ con đèo nhau 14km vào trung tâm thành phố, chúng tôi đi dạo công viên, khu vui chơi miễn phí và không thể thiếu việc ghé thăm nhà sách. Thời gian đầu bé chỉ thích những kệ hàng đồ chơi, còn mẹ thì: "con xem đồ chơi rồi, thế mẹ xem sách nhé".

Vậy là hai mẹ con tung tăng xem sách. Tôi hay mở những truyện tranh, có công chúa, chú thỏ cho con xem và mua về để đọc buổi tối cho con nghe. Những câu chuyện dễ thương cộng với "lời rỉ tai ngọt ngào": "con có thích biết đọc giống mẹ không? mẹ thì thích thỉnh thoảng con đọc truyện cho mẹ nghe cơ". "Con thích chứ sao không, mẹ dạy con viết chữ đi". Vậy là lần đi nhà sách sau, chúng tôi chọn ra cho mình được hai quyển tập tập viết.

Trẻ con, nói đó là quên ngay, nên mặc dù lúc nào thích, thì bé ngồi đồ được 1 - 2 chữ và đứng dậy đi chơi. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi bắt cháu ngồi hoài. Với tâm lý để cháu tự do thoải mái, thỉnh thoảng, khi đọc chuyện xong, tôi chỉ vào 1 chữ và nói hai mẹ con viết chữ này nhé. Thế là con 1 chữ, mẹ 1 chữ.

Dần dà, bé cũng sẽ vào lớp 1. Yên tâm vì con cũng có thể cầm bút, viết được vài chữ. Trường có lớp bán trú, nhưng tôi không chọn vì tôi muốn giản tối đa việc cháu sẽ ngồi vào bàn học.

Cô nhận xét chậm, nhưng...

Nhưng được 2 ngày, cô chủ nhiệm bảo cháu chậm lắm, phải cho đến nhà cô học. Tôi cứ nghĩ cô giáo muốn kiếm thêm thu thập nên bắt cháu đi học thêm. Nhưng sau khi xét lại trình độ của con, tôi nhận ra một điều:

- Giáo trình lớp 1 học thật là nhanh, 1 ngày là 2 chữ cái. Sau 2 tuần là bắt đầu học các chữ ghép ch, th, kh,nh... Sau 4 tuần là bắt đầu các âm au, oi...

- Lớp có đến 45 học sinh.

- Bé chỉ biết viết theo mẫu sẵn, chưa hề biết đọc.

Lo lắng, và bất an vì cả người lớn như mình còn không thể tiếp thu một lượng kiến thức được xem là khổng lồ đó. Nhưng không vì thế mà tôi bắt cháu phải học thật nhiều. Tôi nói chuyện với các chị bạn lớn tuổi hơn, các chị ấy bảo con các chị đều được học trước, nhưng mà tuổi bé học nhanh lắm, giờ tăng tốc là vừa. Vẫn còn cứng đầu, tôi tìm tòi về sự phát triển của trẻ 6 tuổi. Quyết tâm hơn khi biết được: "trẻ 6 tuổi trí não phát triển về ngôn ngữ nhanh nhất trong thời gian này. Trẻ có thể học viết và ghi nhớ rất nhanh". Thế là tôi lên kế hoạch học cùng con và không cho cháu đến nhà cô học thêm.

Mỗi ngày, cô giáo cho khoản 1 - 2 trang bài chép về nhà. Bé được mẹ khuyến khích, chép bài giỏi, sẽ được cô giáo khen, sẽ đọc chữ được, nên sẽ đọc chuyện được cho mẹ nghe. Về nhà lúc 11h trưa, ăn uống, nghỉ ngơi 3h chiều, mẹ và bé ngồi chép bài.

Có ngày thì chép hết, có ngày bé ham chơi và lười, nên chỉ chép được 1/2 trang là bắt đầu :ngọ ngoạy: "mệt, chán, con sẽ không viết xong..." "vậy con viết xong 1 dòng nữa, hai mẹ con đi tưới rau mầm nè". Thế là được thêm 1 dòng. Hai mẹ con đi lòng vòng, phần còn lại được xử lý xong lúc 5h chiều với lời nhắn nhủ: con không viết xong, mẹ không dẫn con qua em Heo chơi đâu" (bé rất thích chơi với em heo). Thế là được qua em Heo chơi, được ăn uổng và... quậy tưng bừng nhà bà chị.

Tối 8h30, hai mẹ con lên giường cũng là lúc bé ê a đọc cho mẹ nghe. Tôi thấy đây là phần khó nhất, vì bé không thể nhớ chính xác được chữ nào đọc là chữ gì. Tôi bèn nghĩ ra 1 cách. Đến những chữ bé khó nhớ, như chữ th, tôi liền bảo, chữ này, giống như là nhà thờ, con thấy không, nhà cho cha đứng giảng nè, cây thánh giá nè, giống không? "dạ giống". Thế thì chữ th giống nhà thờ nên là chữ "thờ". Và con bé dễ dàng nhớ được những chữ ghép. Hoặc chữ ch, thì tôi bảo: chữ h là mẹ, chữ c là con, mẹ nắm tay con chờ xem phim, vậy là chữ "chờ".

Từ đó, được khuyến khích, mặc dù bé không phải là xuất sắc (chữ không đẹp, lúc nào cũng có 1 - 2 chữ bé khó nhớ), nhưng bé đã học theo kịp chương trình trong lớp. Và tôi không đặt nặng vấn đề phải học thật giỏi, thậm chí bản thân còn chuẩn bị trước tinh thần bé có thể ở lại lớp, mà con tôi rất vui vẻ đến trường và vẫn có nhiều thời gian vui chơi. Cả hai mẹ con không phải "vật lộn" hằng ngày.

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Môi trường học tập của bé ngoài kiến thức, còn có những yếu tố khác như: nhà vệ sinh dơ bẩn, các bạn kéo nhau mua đồ chơi, còn con lại không được cho tiền, các bạn quậy phá...

Không chiều con quá mức

Tùy theo từng tình huống và tính cách của bé, mà chúng ta có cách giáo dục các em, chứ đánh, đe dọa sẽ không phải là cách tốt nhất để học, có khi nó sẽ phản tác dụng, dẫn đến việc stress cả ba mẹ và các cháu.

Ví dụ như con gái tôi, về nhà, bảo muốn mua đổ chơi vì các bạn có. Nhưng nếu xét thấy đồ chơi không tốt cho cháu cộng với khả năng tài chính, tôi giải thích rằng "con có nhiều đồ chơi mà các bạn không có và nhà chúng ta không phải khá giả, mình cần sử dụng tiền thông mình, mẹ phải mua gạo, đóng tiền điện.... Nếu giờ mẹ mua cho con cũng được, nhưng tối nay, con phải ngủ không có quạt, nếu con đồng ý, mẹ sẽ mua".

Sau khi bé đồng ý không mua, tôi nói với bé: "nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ cần con giúp đỡ mẹ trong việc quản lý chi tiêu, dọn dẹp nhà cửa, mẹ muốn hai mẹ con mình cùng hạnh phúc, con giúp mẹ nhé?"

Bé 6 tuổi, đã có thể suy nghĩ để lựa chọn cái bé muốn. Có thể bé sẽ sai lầm vì ham chơi tức thì, nhưng mà việc khéo léo lấy đi 1 phần trong sinh hoạt hằng ngày và mục tiêu mà bé hướng đến, sẽ có tác dụng trong việc giáo dục trẻ.

Tuy nhiên, tôi không chiều con quá mức, mà vẫn giữ một mức độ kỉ luật không quá hà khắc cho cháu. Cháu được tự do vui chơi trong giờ chơi, được quậy phá màu vẽ theo ý cháu muốn, được thoải mái la hét vào giờ giải lao. thoải mái sáng tạo theo ý cháu thích về quần áo khi đi ra ngoài. Nhưng tôi cũng là một người nghiêm khắc trong các vấn đề khác.

Chấp nhận để đói

Nhớ lúc cháu 3 tuổi, để dạy cho con tự ăn, tôi đã cho bé nhịn đói 1 buổi vì bé ngồi đó nhưng không ăn.

Tôi bảo: Con có 20 phút nữa để ăn, nếu con không ăn hoặc không ăn hết, mẹ sẽ dọn dẹp, và đến trưa 12h con mới được ăn lại, có thể con sẽ đói bụng đấy." Tuy nhiên, cháu không ăn bữa ấy, nhưng gần trưa, cháu đói bụng xin mẹ ăn. Tôi đáp: "hôm nay 12h trưa mới ăn mà, mẹ nói rồi, con không nhớ sao?" và dù nhịn ăn một bữa, nhưng bù lại, tất cả những bữa sau cháu đều no nê.

Có khi còn: "con không thích ăn cái này" "Mình may mắn, còn có đồ ăn, tuy không hợp với con nhưng mình còn hơn một số người, họ không có cả cơm đó, mẹ chỉ cho con xem này". Thế là tôi giở sách báo, chỉ vào những hình ảnh của những người kém may mắn, để dạy con cách trân trọng cuộc sống này. Bé còn nhỏ, nhưng từ từ, những uốn nắn như thế này sẽ in vào tiềm thức trẻ.

Một người bạn nước ngoài, đã dạy tôi bài học về con. Anh ấy nói: "trẻ em rất bướng bỉnh, nhưng chúng ta cần bướng bỉnh hơn. Khi đó, trẻ em sẽ hạnh phúc theo hướng mà người lớn chúng ta bướng bỉnh".

Anh ví dụ. Muốn con ngồi vào học, bạn sẽ nói: "mẹ cần con ngồi vào vị trí học nghiêm chỉnh". Nếu bé không làm, mình sẽ nghiêm nghị nhìn vào mắt bé và "mẹ cần con ngồi vào bàn học, và đây là lần thứ 2 mẹ nhắc con, nếu 5 phút nữa mẹ vẫn thấy con ngồi chơi, con sẽ không được đi chơi cuối tuần với mẹ. Con muốn là em bé ngoan hay em bé bị phạt?

***

Áp dụng bài học ấy, tôi thấy bé tôn trọng mình hơn và hạnh phúc hơn trong gia đình chỉ có mẹ và con. Việc dạy cháu không còn là một gánh nặng nữa mà là một niềm vui trong cuộc sống. Đến một ngày, hạnh phúc như vỡ òa khi bé nói: "mẹ ơi, tối nay con và mẹ đọc bài nhiều như hôm qua nhé, con muốn học giỏi".

Đôi lời cùng các bậc cha mẹ có con vào lớp một. Khó khăn đó, nhưng không phải chúng ta không vượt qua được. Người lớn chúng ta có cảm giác, trẻ em cũng thế, đòn roi chỉ làm những cảm giác ấy chai lỳ và tình cảm giữa bố mẹ và con cái sẽ cách xa nhau hơn.

Thời gian trôi qua nhanh lắm, chớp mắt cháu sẽ lớn, chăm lo cho cháu nên người là một việc ưu tiên hơn cả kiếm tiền của tôi. Chúng tôi sẽ khó khăn, không được thoải mái về chi tiêu, nhưng dạy con nên người là một niềm vui và là ước mơ của tôi. Tôi có thể làm việc và kiếm tiền sau này, đó là ưu tiên thứ hai của tôi.

Con bạn năm nay vào lớp 1? Bạn có chọn cho con học trước khi vào lớp 1? Vì sao bạn không cho con học trước khi vào lớp 1? Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn tới [email protected] 
  • Phan Hà (TP.HCM)