Tại lễ khai giảng tại trường THPT Lê Quý Đôn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu: "Học sinh ngoài việc học kiến thức, học nghề cần trang bị thêm cách làm con hiếu thảo, làm vợ, chồng, cha mẹ tốt …".

Bí thư Nhân cho rằng, để đất nước phát triển phải có con người, hơn nữa là con người có chất lượng. Từ đó, ông gợi ý Trường THPT Lê Quý Đôn nên thực hiện các chương trình ngoại khóa dạy học sinh làm vợ, làm chồng tốt để xây dựng văn hóa gia đình trong tương lai. Ngoài bằng đại học, cao đẳng, học sinh nên được giáo dục để có “bằng” làm vợ chồng, cha mẹ tốt…

Ở góc độ nào đó, ý kiến này đã gây ngỡ ngàng dư luận. Tuy nhiên cần nhìn nhận, đó là một ý tưởng quá tuyệt vời! Cần hiểu đó là, học sinh phải được học về đối nhân xử thế theo tiêu chuẩn văn minh chung của thế giới hiện nay.

Bấy lâu nay, các mối quan hệ gia đình trong xã hội đã xảy ra quá nhiều vụ đảo điên. Ông hiếp cháu, bố hiếp con, cha mẹ, vợ chồng, con cái anh em đánh đập tàn ác với nhau, chém giết nhau. Nhiều vụ án gây kinh hoàng và phẫn nộ dư luận bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng của nó, mà gần đây nhất là vụ anh giết cả nhà em trai ruột 5 người ở Đan Phượng Hà Nội, con cắt cổ mẹ ruột đang bị liệt ở Như Xuân Thanh Hóa. Thật là khủng khiếp đáng ghê tởm!

Bên cạnh đó, chuyện các thành viên gia đình đối xử với nhau thiếu chuẩn mực đã trở nên khá phổ biến. Bố mẹ dạy con bằng roi theo tư tưởng "thương cho roi cho vọt", chồng dạy vợ bằng thượng cẳng chân hạ cẳng tay theo nếp nghĩ "dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về"... Ra ngoài đường thấy nhan nhản học sinh, sinh viên thản nhiên nói tục chửi bậy trong giao tiếp.

{keywords}
Đất nước muốn trở nên văn minh phải từ những con người văn minh. Ảnh: VietNamNet

Nguyên nhân của các vụ bạo lực, suy đồi, lệch lạc trên do con người ngày nay không ứng xử chuẩn mực trong các mối quan hệ đó. Không ít người ngỡ việc ứng xử của mình là đúng đắn mà không biết nó lệch lạc, trái ngược tiêu chuẩn đạo đức văn minh của nhân loại.

Tư tưởng về làm chồng, vợ, cha, mẹ trong xã hội Việt Nam vẫn còn bị lấn át bởi tư tưởng phong kiến lỗi thời. Ngoài ra, còn có sự du nhập văn hóa ứng xử từ nước ngoài về nhưng không nhiều và có những cái không phải là chuẩn mực, thậm chí là rác văn hóa. Cho nên, việc làm chồng làm cha, làm vợ làm mẹ, học sinh đối nhân xử thế ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu kiến thức chuẩn mực văn minh chung của thế giới.

Đáng báo động, trong tình trạng ứng xử lệch lạc đó tồn tại nhiều người có trình độ học vấn chuyên môn cao như cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng vẫn dạy vợ con bằng cách hành hung, đối xử với bố mẹ bất hiếu ...

Lưu ý, tất cả các học vấn chuyên môn kia, chung quy là để phục vụ cho mục đích chính làm người mà thôi. Vậy mà trình độ đối nhân xử thế chưa có, chưa chuẩn văn minh, thì làm sao những thứ học vấn chuyên môn kia trợ giúp đắc lực cho việc làm người đúng hướng được?

Có tài mà không có đức chuẩn mực dẫn đến làm việc gì cũng sai trái, là tất yếu. Mà đã làm việc sai trái, thì mục đích làm người đã không đạt được. Mục đích làm người mà không đạt được, đi học trình độ chuyên môn còn có ý nghĩa gì?

Rõ ràng, học sinh cần phải được đào tạo chuẩn mực về việc làm con, làm cha mẹ, làm vợ chồng đã, trước khi lập gia đình sinh con. Bởi chuyện làm con, kết hôn làm vợ chồng rồi làm cha mẹ thì ai cũng phải trải qua. Vậy tại sao lại không đào tạo cho các em kiến thức chuẩn mực, trong khi xã hội hiện nay thực tế đã nhan nhản những người chồng người vợ, những ông bố bà mẹ không đủ trình độ để vào vai trò của mình?

Qua những vụ đảo điên, lệch lạc nêu trên đã cho thấy, rõ ràng không phải cứ mang giới tính nam là làm chồng, làm cha được, hay cứ mang giới tính nữ là làm vợ, làm mẹ được. Muốn làm chồng, làm cha, làm vợ, làm mẹ một cách đúng đắn trong thời đại hiện nay thì người ta phải được học theo tiêu chuẩn đạo đức văn minh của nhân loại. Chứ không phải là theo truyền thống phong kiến cũ để lại như xuất giá tòng phu, gia trưởng, con trai nối dõi tông đường, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy bảo sao phải nghe vậy cấm cãi,.. đã trở nên sai trái lỗi thời so với tiêu chuẩn đạo đức văn minh chung của nhân loại.

Vì vậy ý kiến này của Bí thư Nhân là quá đúng đắn. Và với tình trạng ứng xử đạo đức gia đình lệch lạc nhan nhản trong xã hội như hiện nay thì ý kiến của ông cần được phổ biến áp dụng rộng hơn chứ không phải chỉ có ở trường PTTH Lê Quý Đôn (TPHCM).

Đất nước muốn trở nên văn minh phải từ những con người văn minh, đạo đức tạo nên. Có đạo đức văn minh mới tạo ra được thế giới vật chất văn minh. Một đất nước có văn minh mới hùng mạnh.

Rất mong các cấp các ngành, các địa phương quan tâm đến ý kiến này của Bí thư Nhân để nó được lan tỏa áp dụng rộng rãi trên cả nước, góp phần vào việc xây dựng một quốc gia văn minh, hùng mạnh.

Phạm Mạnh Hà