Diễn đàn quốc hội khắc nghiệt hơn sân khấu nhiều lần và người dân Nhật thường có cái nhìn lạnh lùng và nghiêm khắc với các chính trị gia, những người sống bằng tiền thuế của họ hơn nghệ sĩ.

* Chuyện ứng cử: Chúng ta đã phản ứng quá căng thẳng?
* Dân không bầu nếu ứng viên chỉ giàu và có vợ đẹp

Ở các nước châu Á khác chuyện nghệ sĩ tranh cử và trở thành nghị sĩ có thể là chuyện hiếm nhưng ở nước Nhật điều này rất đỗi bình thường.

Trong tiếng Nhật hiện đại có hẳn một từ được hình thành vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước chỉ những nhà chính trị vốn là nghệ sĩ. Họ được gọi bằng từ “Tarento Seijika”. “Seijika” có nghĩa là “chính trị gia” trong khi “tarento” có nguồn gốc là từ “talent” trong tiếng Anh. “Tarento” có nghĩa rất rộng khi chỉ những người có danh tiếng, được công chúng biết tới và thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thông thường người Nhật quan niệm “tarento” là các nghệ sĩ hài, diễn viên truyền hình, nghệ sĩ biểu diễn….

Nghệ sĩ thành nghị sĩ: Xu hướng lâu đời

Trong lịch sử quốc hội Nhật, hiện tượng “người của công chúng” trở thành nghị sĩ xuất hiện rất sớm. Ngay sau khi Nghị viện đế quốc ra đời không lâu, tiểu thuyết gia Tokai Sanshi nổi tiếng với tiểu thuyết “Giai nhân kỳ ngộ” đã trúng cử vào nghị viện liên tiếp 8 lần liền kể từ cuộc tổng tuyển cử lần thứ 2 năm 1892.

Năm 1946, trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu hạ viện sau chiến tranh thế giới thứ hai, nghệ sĩ, nhà văn Ishida Ichimatsu (1902-1956) đã trúng cử và được coi là “chính trị gia nghệ sĩ” số 1. Truyền thông đương thời gọi ông bằng biệt danh “nghị viên nghệ sĩ”. Danh từ “Nghị viên tarento” được truyền thông nước Nhật sử dụng rộng rãi lần đầu tiên khi nghệ sĩ Fujhara Aki giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7/1962. Trước cuộc bầu cử bà không hề tham gia hoạt động chính trị cũng như chưa từng có phát ngôn nào liên quan đến chính trị vì vậy chiến thắng áp đảo của bà đã làm cho xã hội chấn động.

{keywords}
Ảnh minh họa: nguoidaibieu

Những thành phố lớn thường là nơi có các ứng cử viên là nghệ sĩ. Thành phố Osaka thường có nghệ sĩ hài trúng cử nghị sĩ vì thế các phương tiện truyền thông đại chúng hay gọi các lá phiếu mà ứng cử viên ở đây giành được là “phiếu cười” hay “phiếu nghệ sĩ”. Nhiều chính trị gia hoạt động ở địa phương trong vai trò là thống đốc cũng từng là nghệ sĩ. Tiêu biểu nhất trong số này có lẽ là Higashikokuharu Hideo. Ông vốn là nghệ sĩ hài, trúng cử thống đốc tỉnh Miyazaki năm 2007, đến năm 2012 sau khi hết nhiệm kỳ thống đốc, ông tham gia ứng cử và trở thành nghị sĩ hạ viện.

Lợi thế của nghệ sĩ

Trong chiến dịch tranh cử họ không cần quảng cáo, truyền thông, diễn thuyết ngoài phố cử tri vẫn biết đến họ. Điều này có thể thấy rõ qua trường hợp trúng cử của Aoshima Yukio (1932-2006). Ông vốn hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật với các chức danh: nhà văn, đạo diễn điện ảnh, nhà thơ, diễn viễn và có một lượng người hâm mộ đông đảo. Ông không hề tiến hành bất cứ một hoạt động vận động tranh cử nào nhưng lần nào ông ứng cử cũng đều trúng cử.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến phê phán việc các chính đảng, đoàn thể chính trị  đưa ứng cử viên là nghệ sĩ ra tranh cử chẳng qua là thủ đoạn giành lá phiếu của cử tri. Đáp lại sự phê phán này, những người ủng hộ cho rằng việc quan niệm như thế là phân biệt đối xử nghề nghiệp, điều mà luật pháp nghiêm cấm. Vì vậy, hiện tại quan điểm cho rằng việc quyết định ai thành nghị sĩ là thuộc về cử tri giành được sự ủng hộ rộng rãi.

Vừa là nghệ sĩ vừa là nghị sĩ dễ hay khó?

Ở Nhật Bản, theo luật bầu cử những người nổi tiếng khi ứng cử sẽ phải tạm ngừng các hoạt động biểu diễn trước công chúng và trên phương tiện truyền thông trừ các bản tin liên quan đến bầu cử và các chương trình theo luật định. Ngay cả đối với các chương trình đã sản xuất trước đó thì khi phát sóng cũng phải cắt đi phần diễn xuất của người ứng cử.

Sau khi trúng cử việc có tiếp tục hoạt động nghệ thuật hay không là do bản thân nghị sĩ quyết định. Luật pháp Nhật không cấm các nghị sĩ vừa hoạt động như chính trị gia vừa hoạt động nghệ thuật vì vậy trên thực tế có rất nhiều người đóng cả hai vai. Tuy nhiên, cũng có một vài quy định đặc biệt phải tuân thủ. Chẳng hạn các ứng cử viên là nghệ sĩ khi tranh cử thường dùng tên thường gọi hoặc nghệ danh nhưng khi đã trở thành nghị sĩ thì bắt buộc phải dùng tên thật.

Những năm gần đây, quy định này được bãi bỏ do người Nhật quan niệm nghị viên quốc hội là đại biểu của quốc dân tham gia lập pháp chứ không phải là thành viên của cơ quan hành chính vì vậy có thể dùng tên thường gọi. Tuy nhiên trong các trường hợp được bổ nhiệm làm việc ở các cơ quan hành chính như bộ trưởng các bộ thì khi ký giấy tờ của cơ quan phải dùng tên thật.

Việc các nghệ sĩ tham gia chính trường ở Nhật Bản hiện tại đã trở thành chuyện bình thường không còn gây ra sự ngạc nhiên trong công chúng nữa. Sự “dấn thân” này được nhiều người ủng hộ vì nó phù hợp với tinh thần “chủ quyền thuộc về quốc dân” của Hiến pháp nước Nhật Bản năm 1946. Nó cũng phù hợp với quan điểm thông thường của người Nhật coi “dân chủ là toàn dân trị nước”, vốn được trình bày rõ ràng trong cuốn sách giáo khoa “gối đầu giường” của người Nhật có tên “Trò  chuyện về tân Hiến pháp” được Bộ giáo dục Nhật Bản xuất bản năm 1947 và phát miễn phí tới từng người dân.

Diễn đàn quốc hội khắc nghiệt hơn sân khấu và người dân Nhật thường có cái nhìn lạnh lùng và nghiêm khắc với các chính trị gia- những người sống bằng tiền thuế của họ hơn nghệ sĩ.

Tuy nhiên, trên thực tế các nghệ sĩ trúng cử vào quốc hội ngày một nhiều và trong số đó có người tái cử nhiều lần. Điều đó chứng minh rằng trong nền chính trị dân chủ, người nghệ sĩ hoàn toàn có khả năng “trị quốc” và làm hài lòng người dân.

Nguyễn Quốc Vương, từ Nhật Bản

* Chuyện ứng cử: Chúng ta đã phản ứng quá căng thẳng?
* Dân không bầu nếu ứng viên chỉ giàu và có vợ đẹp