Tôi xem xét Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” từ góc độ khoa học quản lý, khoa học thông tin và qua lăng kính của người làm công nghệ cao đã tham gia giải quyết những bài toán lớn trong nước và hiện đang cung cấp sản phẩm công nghệ cao toàn cầu.

Vì thế, đây là một lăng kính thực tiễn và cập nhật nhưng cũng không tránh khỏi mang tính cá nhân, chắc chắn chưa thể thể hiện đầy đủ hết tầm vóc và ý nghĩa của Nghị quyết 57. 

Là một doanh nhân công nghệ cao và cũng là một nhà khoa học Việt Nam, tôi đánh giá Nghị quyết 57 không chỉ là một văn bản chính trị mà còn là một bản thiết kế cho sự chuyển đổi quốc gia.

Đây không chỉ là vấn đề về chính sách mà là về một sự thay đổi mô hình, đòi hỏi một chiến lược có phương pháp, thực hiện đồng bộ cùng sự can đảm để vượt qua những giới hạn. 

IMG_11753542BA2D 1.jpg
Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty DTT và Công ty Pythaverse, Ủy viên Ban chấp hành Hội Toán học Hà Nội, nghiên cứu viên Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam. Ảnh: DTT

Bước đầu tiên để nhận ra ý nghĩa của Nghị quyết 57 là nghiên cứu và giải thích nó một cách khoa học, nghiêm ngặt. Điều này có nghĩa là phải vượt qua việc đọc hời hợt và đi sâu vào các nguyên tắc cốt lõi.

Dưới đây là những câu hỏi tôi đặt ra cùng các câu tôi tự trả lời tương ứng.

Tại sao chúng ta cần Nghị quyết 57? 

Theo tôi, khi cần chuyển đổi trạng thái lên cấp độ cao hơn, không chỉ là cải thiện thì chúng ta cần tư duy sâu để đưa ra quyết định chính xác đột phá; các quyết định này phải vượt qua được cái hiện hữu, thậm chí là ngược lại, để đột phá.

Vì vậy, chúng ta cần Nghị quyết 57 để xác định rõ tâm thế bứt phá, thừa nhận nhưng sẵn sàng làm khác những gì hiện hữu.

Nghị quyết 57 rõ ràng mang tư tưởng này trong quan điểm chỉ đạo, đặc biệt là quan điểm loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm", hay xác định vai trò của nhà khoa học là then chốt, định hình các công nghệ chiến lược và quan điểm dữ liệu là tư liệu sản xuất chính.

Đây đều là những tư tưởng kịp thời, cập nhật, có thể giúp tận dụng sức mạnh của “cơn sóng thần” trí tuệ nhân tạo đang ầm ầm đổ tới.

Chúng ta đã sẵn sàng để thực hiện?

Một vế khác của chuyển đổi là chúng ta cần biết mình đang ở cấp độ nào và tại sao đã chín muồi để chuyển lên cấp độ cao hơn. Tôi tin rằng những khảo sát cụ thể, những phân tích dựa trên dữ liệu, các giả thuyết đã được đặt ra và kiểm định, các chuyên gia đa ngành đều đã tham gia vào quá trình xây dựng Nghị quyết 57.

Vì thế, dù trong văn bản không xác định rõ hay gọi tên cấp độ hiện tại và tiếp theo, chúng ta cũng có thể căn cứ vào mô hình trưởng thành năng lực để hình dung.

Trong mô hình trưởng thành năng lực của khoa học hiện đại hay trong lý học cổ xưa, sự thay đổi được phân cấp thành 5 giai đoạn: Khởi đầu, định hình, lặp lại để tiến bộ, cải thiện dựa trên dữ liệu, tối ưu hóa. 

Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển quốc gia đã định hình cụ thể từ Nghị quyết 20 năm 2012 của Bộ Chính trị.

Quá trình ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cũng đã diễn ra từ những giai đoạn chính phủ điện tử đầu tiên và nay đã bắt đầu vào giai đoạn cải thiện dựa trên dữ liệu.

Tuy nhiên, quá trình này đã bộc lộ những vấn đề như Bộ Chính trị đánh giá tại kết luận 69 ngày 11/1/2024, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đề xuất tăng cường vai trò của đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua khoa học công nghệ. 

Có thể khẳng định, về mặt ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chúng ta đang ở giai đoạn “Lặp lại để tiến bộ” và hoàn toàn có thể bứt phá lên cấp độ 4 - “Cải thiện liên tục dựa trên dữ liệu", một giai đoạn lớn mạnh bứt phá.

Xem xét cả 2 câu hỏi trên có thể thấy về mặt khoa học tổ chức, Nghị quyết 57 là cần thiết và đúng thời điểm. Điều này tạo cơ sở để chúng ta bàn tiếp về cách thức triển khai.

Cách thức triển khai toàn diện và đồng bộ chiến lược

Nghị quyết 57 không phải là đích đến mà là điểm khởi đầu. Việc có chiến lược quốc gia này là rất quan trọng, nhưng nó phải được bổ sung bằng các kế hoạch thực hiện toàn diện. 

Tôi cũng tin rằng đội ngũ chuyên gia đang làm việc ngày đêm để xây dựng kế hoạch triển khai, thậm chí đã ngay lập tức triển khai, cụ thể như đề án chuyển đổi số trong Đảng, hoạt động của UBND TP Hà Nội về doanh nghiệp khoa học công nghệ…

Tuy nhiên, ở phần này, tôi muốn hình dung một cách cụ thể qua lăng kính một doanh nghiệp công nghệ cao lĩnh vực công nghệ giáo dục đang đi ra thế giới.

Điều tốt đẹp là với Nghị quyết 57, chúng tôi có thêm sự tự tin và được sự ủng hộ mạnh hơn của các cơ quan nhà nước trong quá trình phát triển công nghệ và xuất khẩu.

Ví dụ, năm 2023, khi ra mắt sản phẩm tại Malaysia, Đại sứ quán Việt Nam đã tích cực ủng hộ chúng tôi, nay với Nghị quyết 57, tôi tin khi tới các thị trường mới thì nhiều cơ quan khác sẽ có thêm những nguồn lực cụ thể để chúng tôi song hành.

Như vậy, ngay lập tức, Nghị quyết 57 đã mang lại động lực mới và đặc biệt tốt cho công đoạn marketing – tiếp cận thị trường quốc tế. 

Chúng tôi chờ đợi kế hoạch triển khai, mà theo đó các doanh nghiệp công nghệ cao như chúng tôi sẽ được mời tham gia vào những chương trình phát triển thị trường toàn cầu của các bộ, ngành hay thậm chí được đặt hàng thử nghiệm, thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương trong cả nước ở lĩnh vực công nghệ giáo dục, điều mà hiện chúng tôi đang được tham gia tại Malaysia, Philippines và Indonesia.

Để mong ước trên thành hiện thực, tôi tin rằng không nằm ở việc tôi là ai, doanh nghiệp của tôi là doanh nghiệp nào mà nó xảy ra vì kế hoạch triển khai có các chỉ số đo lường thành công rõ ràng, đồng thời có các bên chịu trách nhiệm cụ thể.

Do vậy, chúng tôi nếu được mời tham gia là bởi sẽ góp sức vào các chỉ số thành công này nếu có sản phẩm, giải pháp tốt.

viettel 2 692.jpg
Theo chuyên gia Nguyễn Thế Trung, dù các năng lực theo chiều dọc gồm nghiên cứu phát triển, đăng ký sáng chế, thương mại hóa và nhanh chóng mở rộng thị trường là tổ hợp những việc phức tạp, song nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm được, đơn cử như Viettel triển khai viễn thông ở các nước. Ảnh minh họa: Viettel

Quay lại mô hình trưởng thành ở trên, tôi thấy rất cần thực hiện xuyên suốt tư tưởng đồng bộ hóa dựa trên năng lực. Nhiều người nhắc đến “Thánh Gióng” và “Kỷ nguyên vươn mình”.

Trong nghiên cứu văn hóa, hình tượng “Thánh Gióng” chính là hình tượng đồng bộ hàng dọc (Gióng cho thẳng hàng) chứ không phải đồng bộ hàng ngang.

Chính bởi khả năng đồng bộ hàng dọc này mà việc dù khó đến đâu, nếu các khâu đều được “Gióng thẳng và đầy đủ” thì chúng ta có thể bứt phá. 

Do vậy, từ góc độ của doanh nghiệp “mang chuông đi đánh xứ người”, chúng tôi hiểu và có những năng lực theo chiều dọc từ việc nghiên cứu phát triển, đăng ký sáng chế, thương mại hóa và nhanh chóng mở rộng thị trường.

Đây là tổ hợp những việc phức tạp nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm được như Viettel triển khai viễn thông ở các nước, VinFast xuất khẩu ô tô...

Với các cơ sở trên, tôi chờ đợi kế hoạch triển khai Nghị quyết 57 sẽ có những đồng bộ mũi nhọn chiến lược gióng hàng dọc mạch lạc để các bên đều có thể tham gia góp sức hiệu quả và tạo ra những mũi nhọn phát triển, chứ không phải một công cuộc dàn hàng ngang để tiến. Có thể trong 10 mũi nhọn, chúng ta chỉ thành công 2, 3 nhưng chính những thành công này sẽ tạo nên đột phá.

Chúng tôi tin tưởng khi các mũi nhọn phát triển được hình thành công khai, minh bạch thì không chỉ các cơ quan nhà nước mà các nhà khoa học, viện trường và đặc biệt là các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham dự để vừa làm vừa cải thiện, tạo đột phá. 

Tóm lại, trong việc thực thi, chúng tôi mong muốn một lộ trình chi tiết với các chỉ số đo lường thành công rõ ràng, có các bên chịu trách nhiệm cụ thể, có ưu tiên các mũi nhọn đồng bộ hàng dọc với những điều kiện tham gia và lợi ích cụ thể.

Qua đó, Chính phủ, giới học thuật, ngành công nghiệp và xã hội đều phải đóng góp chuyên môn và nguồn lực của mình. Điều này có nghĩa là kế hoạch cần giao các vai trò và trách nhiệm chính xác cho từng tổ chức và đảm bảo rằng chúng phù hợp với chuyên môn và mức độ trưởng thành của họ.

Hành động quyết liệt và tư duy đột phá

Nghị quyết 57 là lời kêu gọi hành động, một mệnh lệnh chiến lược sẽ định hình tương lai của Việt Nam. Là một nhà khoa học và doanh nhân, tôi tin rằng cách tiếp cận khoa học và có phương pháp, kết hợp với sự can đảm để đón nhận những hành động táo bạo, sẽ mở đường cho thành công. 

Bằng cách áp dụng phân tích dựa trên dữ liệu, tạo ra những khuôn khổ chiến lược và điều chỉnh các hành động gióng hàng dọc mạch lạc với các mô hình trưởng thành năng lực, chúng ta có thể nhận ra đầy đủ tiềm năng của Nghị quyết 57 và đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tôi cũng như nhiều người khác đã và đang chuẩn bị để sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng này.

Nguyễn Thế Trung