Xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình dài, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Nghi Lộc đang nỗ lực, huy động mọi nguồn lực, khắc phục mọi khó khăn để xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, đi sâu về chất lượng.

Từ xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của huyện Nghi Lộc có bước chuyển mình rõ nét, an sinh xã hội bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch tích cực và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các thành phần kinh tế, các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn phát triển mạnh, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

W-nghiloc.png
Nghi Lộc đang nỗ lực, huy động mọi nguồn lực, khắc phục mọi khó khăn để xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, đi sâu về chất lượng.

Các xã đã tích cực lồng ghép các nguồn vốn cùng với huy động nội lực sức dân để xây dựng, nâng cấp được 27,4 km kênh mương; huy động 86.500 ngày công tham gia tu sửa, khơi thông, nạo vét kênh mương với khối lượng đào đắp 77.500 m3; đắp tu bổ bờ vùng, bờ thửa với khối lượng 48.100 m3; sữa chữa, nâng cấp 7 trạm bơm, 3 hồ đập, hàng trăm km bờ vùng, bờ thửa nội đồng phục vụ cho yêu cầu sản xuất.

Hiện nay, Nghi Lộc đang là huyện được đánh giá cao về việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất những loại cây con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, mùa vụ từng vùng nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản… Nhờ đó mà nay xuất hiện nhiều vùng sản xuất tập trung, điển hình như: Trồng các loại hoa, rau củ quả tại xã Nghi Long với gần 80 ha và đang được mở rộng sang các xã Nghi Trung, Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Xá, Khánh Hợp... Thu nhập mang lại từ sản xuất hoa, rau củ quả ở mô hình sản xuất công nghệ cao đạt trên 350 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, những vùng có diện tích đất đồi, đất cao trồng lúa không hiệu quả, người dân đã chuyển đổi sang trồng một số loại cây trồng có hiệu quả kinh tế khá cao như: Trồng hành tăm ở các xã Nghi Lâm, Nghi Thuận, Nghi Văn với diện tích gần 150 ha; trồng nghệ ở Nghi Kiều gần 20 ha; trồng măng tây ở Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Công Nam... 

Thời gian qua, huyện tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện đảm bảo ổn định phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong đó, lắp thêm 7 trạm biến áp mới; cải tạo, thay mới 45 máy biến áp; nâng cấp, cải tạo 20km đường dây trung thế, hạ thế; xuất tuyến đường dây cho 35 trạm trên địa bàn; thay thế làm mới 150 cột điện hư hỏng cho toàn huyện.

Đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, hạ tầng kỹ thuật nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật như: Xây mới và đưa vào sử dụng 175 phòng, trong đó 112 phòng học tập, 63 phòng quản trị, hỗ trợ, phụ trợ khác; 4 nhà tập đa chức năng, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố, đạt chuẩn 3 cấp học là 1.368/1.414 phòng học, đạt tỷ lệ 97%; nâng cấp, sửa chữa trạm y tế các xã.

Báo cáo của UBND huyện Nghi Lộc cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 10/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 35,71%; trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục. Dự kiến trong tháng 8 tới sẽ trình tỉnh thẩm định, xét công nhận thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phấn đấu đến cuối năm 2024, Nghi Lộc có ít nhất 20/28 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Huyện Nghi Lộc đang tập trung cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Tính đến nay, huyện đã đạt 2/9 tiêu chí; 17/38 nội dung về huyện nông thôn mới nâng cao.