Cúng giao thừa là nghi lễ quan trọng của người Việt Nam trước khi Tết Nguyên Đán chính thức bắt đầu. GS Lương Ngọc Huỳnh đã đưa ra gợi ý về cách thức cúng giao thừa sao cho trịnh trọng.

Nguồn gốc lễ giao thừa (lễ trừ tịch)

Theo "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính, người Việt xưa tin rằng, mỗi năm có một vị Hành khiển trông coi việc nhân gian.

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Hết năm, vị thần cũ giao lại công việc cho thần mới vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Vì vậy, người dân làm lễ cúng giao thừa để tiễn vị thần cũ và đón vị thần mới.

Ngày 30 tháng Chạp còn là ngày trừ tịch, nghĩa là trừ hết năm cũ để sang năm mới. Ngoài ra, còn có nghĩa là trừ khử ma quỷ.

Ông cha ta không coi ngày này như một Tết riêng mà xem nó là ngày tiên thường (ngày trước ngày giỗ/ngày cáo giỗ) hôm Nguyên Đán. Vì vậy, trong ngày hôm đó, người dân thường đem trầu cau đi mời ông bà tổ tiên, rồi về cúng Tết.

Nghi lễ cúng giao thừa tại nhà

Theo Gs.Vs Lương Ngọc Huỳnh, đêm 30 tháng Chạp, các nhà thường sửa soạn mâm lễ để cúng giao thừa ở giữa sân. Nếu không có sân thì cúng giữa nhà, hoặc có thể làm lễ trên sân thượng.

Hướng đặt mâm lễ chỉ nên đặt hướng Bắc, hoặc hướng Đông tuỳ theo từng gia đình (hướng Bắc để cúng Thượng Đế, hướng Đông để cúng Thiên Tử là Vua).

Nếu có điều kiện, nên chuẩn bị một chiếc lọng màu vàng có diềm đỏ để che nắng che mưa; Một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ, mặt bàn được trải tấm vải vàng sang trọng ngay ngắn; Một miếng vải đỏ dài trải dưới đất như miếng thảm đỏ để tiễn và rước các vị cựu niên và đương niên Hành khiển;

Một mâm lễ gồm gà trống đỏ, xôi đỏ, bánh chưng xanh, cùng các loại sơn hào hải vị; 9 chén rượu ba màu đỏ, trắng, vàng (màu đỏ để lấy vận khí tốt, màu trắng để lấy tài lộc, màu vàng để lấy sự bình yên, may mắn); 5 chén trà 5 loại hương vị trà khác nhau (trà sen, trà nhài, trà bưởi...); Một mâm hoa quả "ngũ quả" đầy đặn đẹp mắt, trên mâm quả có cài 9 bông hoa đồng tiền; Vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá mỗi loại 99 nén; Thắp 9 ngọn nến hoặc 9 cây đèn dầu.

Gs.Vs Lương Ngọc Huỳnh cũng lưu ý, các gia đình chưa có điều kiện cũng có thể thành tâm chuẩn bị mâm lễ gồm trầu, rượu, hoa quả, xôi gà…; và đặc biệt không nên đốt tiền âm phủ trong lễ đón giao thừa để tránh các vong âm lai vãng.

Sau khi đã chuẩn bị xong mâm lễ trước 12 giờ đêm, vào đúng thời khắc giao thừa thì người lớn nhất trong gia đình ăn mặc chỉnh, tề súc miệng rượu thơm bắt đầu hành lễ.

Dưới đây là nội dung văn khấn đêm giao thừa (Theo GS Lương Ngọc Huỳnh)

Kính lạy chín phương Trời, lạy mười phương Đất, lạy chư Phật mười phương

Kính lạy Thượng Đế vạn năng

Kính lạy Phật Tổ vạn pháp

Kính lạy chư vị tam thiên, chư vị phật pháp

Kính lạy Ngũ Đế, Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế

Kính lạy thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng

Trung đàm thần tướng thiên thiên binh

Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã

Kính lạy sơn thần, long thần, thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ lai sàng chứng giám

Kính lạy cựu niên hành khiển Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Đại Vương hành binh chi thần, Chu Văn An phán quan

Kính lạy đương niên hành khiển Đức Vua Lê Lợi, Lê Lai hành binh chi thần, Nguyễn Trãi phán quan

Giờ phút giao thừa năm Bính Thân chuyển sang năm với năm Đinh Dậu tín chủ con là.... sinh ngày... tháng... năm...

Nguyên quán.... hiện thường trú tại...

Vào giờ phút linh thiêng này, con xin cung thỉnh tiễn nghinh cựu niên hành khiển và kính rước Đức Vua Lê Lợi đương niên hành khiển, Lê Lai hành binh chi thần, Nguyễn Trãi phán quan, vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế giám tra trần thế giám sát muôn dân, trước là tiêu trừ nghiệp chướng giải hạn trừ tà, sau là ban tài ban lộc ban phúc ban thọ và sự bình an cho muôn dân thiên hạ.

Con xin kính mời ngài cựu niên hành khiển, kính mời Đức Vua Lê Lợi và các vị đương niên hành khiển, kính mời sơn thần, long thần, thổ địa thổ công táo quân thổ kỳ lai sàng chứng giám cho tấm lòng thành kính của con.

Con xin đa tạ các vị cựu niên hành khiển đã ban ơn phước lộc, sức khoẻ và sự bình an cho muôn dân trong năm qua.

Kính lạy chư ngài, tín chủ con lòng thành gọi là có chút lễ vật tiềm vàng, rượu trà nhang đăng thỉnh cầu kính mời chư vị thụ hưởng chứng giám, phù hộ cho bách gia trăm họ cùng gia đình chúng con năm mới được mạnh khoẻ, hạnh phúc, an khang thịnh vượng, cầu tài đắc kỳ tài, cầu lộc đắc kỳ lộc vận khí hanh thông, vạn sự như ý. Cầu xin cho đất nước Việt Nam được thái bình đông, tây, nam, bắc, thế giới đại đồng.

Chúng con xin nguyện tu tâm dưỡng tính làm điều tốt đẹp mang lại lợi ích cho quê hương cho đất nước cho nhân dân, trước là kính lễ Trời Phật cùng các vị tiên thần, sau là báo ơn chư vị Đế Vương Việt Nam cùng gia tiên dòng tộc. Chúng con nguyện một lòng xây dựng quê hương, xây dựng đất nước giàu đẹp và hùng mạnh.

Kính mong Thượng Đế, Phật Tổ, cùng chư ngài và tổ tiên chứng giám cho chúng con lời hứa đầu xuân.

Chúng con xin đa tạ, chúng con xin đa tạ, chúng con xin đa tạ.

Cúng xong bạn bái lạy 9 lạy sau đó bái lạy đủ 8 hướng mỗi hướng một lạy lại quay mặt vào hướng ban thờ gia tiên bái vọng thêm một lạy nữa. Sau đó, người cúng lùi ra ba bước mới được đi.

Ngoài cúng tại gia, nhiều gia đình cúng giao thừa ở chùa, đền, miếu

Đêm 30 tháng Chạp, rạng sáng mùng 1 Tết, ở các tỉnh, thành, địa phương, người dân hay đi lễ chùa, lễ đền miếu để cầu xin Phật Thánh phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình suốt năm bình an, may mắn, thịnh vượng, mọi việc như ý.

Mâm lễ các gia đình tùy tâm chuẩn bị, hoặc có thể đến chùa, đền, miếu mua sẵn.

Hái lộc sao cho đúng

Khi đi lễ cầu phúc, nhiều người không xin hương lộc. Thay vào đó, sau khi lễ xong, họ ra sân vườn chùa, đền, miếu hái một cành lá nhỏ, tục gọi là hái lộc, mang về treo trước hiên hoặc cắm vào bình hoa, có nơi còn treo trước gian giữa hoặc cửa ra vào.

Tục hái lộc có ý nghĩa mang tài lộc về nhà, cành lá xanh tốt lại còn khiến còn có ý nghĩa vui tươi. Tuy nhiên ở một số nơi, một số người Việt chưa hiểu hết ý nghĩa, bẻ nhiều cành cây to, gây tổn hại môi trường.

Trên Gia đình và Xã hội, trụ trì chùa La Dương (Hà Đông, Hà Nội), cho rằng: "Đó là quan niệm sai lầm về hái lộc. Hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây. Lộc xuân có thể là mua một vài quả khế, cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nho nhỏ… đem về nhà trong ngày đầu năm".

Nhiều gia đình không đến chùa làm lễ từ đêm, có thể đợi sáng mùng 1 làm cỗ cúng gia tiên rồi mới đi lễ chùa, lễ đền, miếu xin lộc.

Sợ nhất phúc thành họa nếu ngày Tết vung tay kiểu này

Sợ nhất phúc thành họa nếu ngày Tết vung tay kiểu này

Có người mua cành đào giá hơn cả tháng lương. Có người đi siêu thị sắm Tết, nhặt hàng ném vào xe đẩy như bắt được của.

Bài khấn giao thừa ngoài trời, trong nhà theo 'Văn khấn nôm truyền thống'

Bài khấn giao thừa ngoài trời, trong nhà theo 'Văn khấn nôm truyền thống'

Từ bao đời nay, vào thời khắc giao thừa, người Việt thường cúng lễ ngoài trời và trong nhà.

Văn khấn đêm giao thừa mọi nhà hay dùng

Văn khấn đêm giao thừa mọi nhà hay dùng

Lễ cúng giao thừa được cử hành đúng thời khắc kết thúc năm cũ, chuyển sang năm mới. Trong lễ cúng, văn khấn phải được đọc một cách thành kính và trang trọng.

Nhật Linh (tổng hợp)