Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 100.000 người Dao đang sinh sống tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Người Dao Yên Bái có 4 nhóm chính là Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao quần trắng và Dao làn tuyển.
Với đồng bào Dao, tới nay bà con vẫn gìn giữ được nhiều tập tục, nghi thức nổi bật là lễ mừng thọ và lễ cấp sắc. Riêng với cộng đồng người Dao đỏ Yên Bái bên cạnh 2 nghi lễ quan trọng trên, tục bắc cầu giải hạn từ bao đời nay, đã và đang được cộng đồng gìn giữ phát huy.
Người Dao đỏ Yên Bái quan niệm bắc cầu giải hạn mới xua được những điều xui xẻo, không may mắn, được nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và bình an. Vì thế, khi gia đình có thành viên hay ốm đau, đồng bào thường làm lễ bắc cầu, mong hoá giải mọi điều xui xẻo, mang lại cuộc sống bình an, khoẻ mạnh.
Trước khi tiến hành tục bắc cầu giải hạn, gia chủ chuẩn bị một cây gỗ có đường kính khoảng 40cm, dài 5m và 8 cây tre chuẩn bị cho việc bắc cầu. Cây gỗ sau khi đem về được xẻ bỏ 1/3 cây, phần còn lại được dùng làm cầu. Phần 2 đầu cây gỗ và giữa được khắc chữ thập. Cây cầu 3 nhịp theo tiếng Dao đỏ Yên Bái được gọi là tàng sang poz mảnh chiều được chạm khắc cầu kỳ.
Xưa kia, nghi lễ diễn ra bắc cầu giải hạn diễn ra bên những con suối nhỏ, mương nước. Cây gỗ được bắc qua suối, 8 cây tre xếp 2 bên cạnh, 2 bên đầu và giữa cầu là 6 cây cọc được cắm xuống đất giữ cho cây cầu được chắc chắn, 2 đầu cầu được đắp 2 hòn đá to. Hai bên thân cầu cắm ngược 10 cây nứa, có treo 10 chiếc sọt nhỏ, bên trong mỗi sọt đặt 2 bánh nếp (gzùa tzieng), lấy lá cây phi lao xoắn thành dây dài nối 10 cây nứa lại với nhau. Bà con cho rằng cây cầu càng được chuẩn bị kỹ lưỡng thì càng tốt cho sức khoẻ người được giải hạn và nhất thiết nơi bắc cầu phải là nơi có nguồn nước chạy qua.
Trong nghi lễ bắc cầu giải hạn không thể thiếu bộ tranh “tam thanh” của người Dao. Bộ tranh được treo phía trên bàn thờ bên bờ suối được gia chủ dựng lán làm nơi tiến hành nghi lễ. Lễ vật dâng cúng gồm 3 con gà luộc, 5 chén nước, 5 chén rượu, một bát nhang gồm 9 thẻ hương được thắp lên để báo ông bà tổ tiên, các vị vị thần linh.
Khi trống chiêng nổi lên cũng là lúc các nghi lễ giải hạn được bắt đầu. Thầy cả và thầy 2 mỗi thầy phụ trách một bên đầu cầu. Thầy cả đứng phía bên này đầu cầu thổi tù và mời các vị thần linh (bàn vương, tam thanh, thuỷ hoàng) xuống chứng giám nghi lễ giải hạn của gia chủ. Thầy cả vừa cúng vừa rót thêm rượu vào 5 chén vừa cúng, khấn vừa thổi tù và để cầu bằng tiếng Dao cổ: "Hôm nay là ngày tốt gia đình làm lễ giải hạn, cảm ơn ông bà tổ tiên, các vị thần linh về đây chứng giám Thay mặt gia chủ xin các vị thần linh phù hộ cho ông(bà) luôn được khoẻ mạnh. Linh hồn lỡ có đi nhầm đường xa xin hãy quay trở về, đã đau ốm thì hết đau hết ốm, không bệnh tật, mọi hoạn nạn qua mau”.
Trong lúc thầy cả cúng giải hạn, thì thầy 2 ở phía bên kia đầu cầu gọi hồn (tzụa vuồn – puaz sâu), người được giải hạn ngồi cạnh thầy cúng 2 để được yểm bùa may mắn. Xong nghi lễ này gia đình bê mâm cơm đặt ngay đầu cầu để người được giải hạn và các thành viên trong gia đình cùng ăn (nảhn vuồn) với ý nghĩa cầu sức khoẻ, may mắn, bình an. Sau đó, trong khi tiếng chiêng, trống vang lên, người được giải hạn được một người dắt qua cầu, đi theo ngay phía sau là người nhà bê con gà trống. Nghi thức này hàm ý người khoẻ sẽ phù hộ cho người được giải hạn bình an.
Tục bắc cầu giải hạn chỉ được thực hiện khi thành viên trong gia đình đồng bào Dao đỏ hay ốm đau bệnh tật. Nghi lễ này thường được gia chủ và các vị thầy chúng chuẩn bị trước đó một ngày và sự kiện chính diễn ra từ sáng sớm đến chiều muộn hôm kế tiếp.