Ngân hàng Thương mại Cổ Phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ đối tượng xấu thực hiện skimming (đánh cắp dữ liệu, làm thẻ giả và rút tiền trái phép) tại hệ thống ATM các ngân hàng.

Để đảm bảo an toàn tài khoản giao dịch của khách hàng, hạn chế các thiệt hại tài chính phát sinh, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ông Hồng Tiến, Giám đốc khối bán lẻ ngân hàng này cho biết, VietinBank đã khoanh vùng các địa bàn, ATM có nguy cơ bị skimming cao. Theo đó, VietinBank đã thực hiện việc chuyển đổi trạng thái thẻ của các khách hàng có nguy cơ bị rủi ro.

Để đảm bảo hạn chế tổn thất các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình sử dụng thẻ, VietinBank cũng đề nghị khách hàng phối hợp sử dụng thẻ an toàn, che tay khi nhập mật khẩu tại ATM, đăng ký sử dụng dịch vụ bảo hiểm rủi ro thẻ... 

Theo nhận định của giới chuyên gia ngân hàng Skimming không chỉ là nguy cơ tại các ATM mà nó còn có thể xuất hiện trên các máy quẹt thẻ tại điểm bán hàng (POS). Với cách thức hoạt động tương tự, thẻ của nạn nhân nhanh chóng bị sao chép sau khi dải băng từ quẹt qua POS. Đồng thời thao tác nhập mã PIN của khách hàng cũng đã bị ghi lại.

Để tránh trở thành nạn nhân của skimming, người dùng nên cảnh giác khi thực hiện các giao dịch qua thẻ như quan sát đầu đọc thẻ, bàn phím của ATM hay POS xem nó có bị xộc xệch, xuất hiện vết băng keo hay có dấu hiệu sửa chữa hay không. Kiểm tra kỹ khi thấy điểm bất thường, chẳng hạn một chấm đen nhỏ trên thân máy, một chiếc hộp đặt gần vì đó có thể là camera; ưu tiên giao dịch tại ATM có đông người sử dụng và không quên che tay khi nhập mã PIN.

{keywords}
Khách hàng nên cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch đối với thẻ ATM thời điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Ảnh minh họa 

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các ngân hàng khác cũng liên tục cảnh báo khách hàng bảo mật thông tin thẻ khi giao dịch tại máy ATM. Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) khuyến cáo để phòng tránh rủi ro, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ bao gồm số thẻ, mã PIN cho người khách.

Đồng thời, quan sát kỹ máy ATM trước khi giao dịch nhất là khe đọc thẻ, bàn phím. Nếu phát hiện ATM có thiết bị lạ hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường thì không thực hiện giao dịch mà báo cho ngân hàng để xử lý.

Cùng thời điểm, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đưa ra 8 lưu ý đối với khách hàng sử dụng giao dịch ngân hàng điện tử.

Theo đó, khách hàng cài đặt mật khẩu cho thiết bị và ứng dụng mobil banking (không sử dụng mật khẩu chứa những thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, số điện thoại, biển số xe…); bảo mật mật khẩu (đổi mật khẩu thường xuyên 3 tháng/lần, tránh lưu lại mật khẩu trên các thiết bị, viết ra giấy…); cẩn thận khi truy cập (không truy cập vào các đường link hoặc mở các file không rõ nguồn gốc.

Kiểm tra kỹ các đường link đăng nhập internet banking do các trang lấy cắp thông tin thường có địa chỉ rất giống ngân hàng…); kiểm tra kỹ các thông tin khi giao dịch; cảnh giác với những cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin; lưu ý khi kết thúc giao dịch cần đăng xuất khỏi tài khoản, không tắt hẳn website giao dịch khi chưa đăng xuất, không lưu lại mật khẩu trên thiết bị…).

Nâng cấp và bảo vệ thiết bị bằng cách cài đặt phần mềm diệt virus, thiết lập tường lửa, tải phần mềm ứng dụng từ những nguồn rõ ràng; thường xuyên cập nhật thông tin cho ngân hàng khi có thay đổi (điện thoại, chứng minh nhận dân…).

(Theo Viet Q)