Nhiều điểm mới, tiêu chí cụ thể hơn
Nghị định mới nhất của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) có hiệu lực thi hành từ ngày 22/7/2024, nêu một số quy định mới về xét tặng danh hiệu.
Cá nhân có liên quan đến hoạt động xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT bao gồm diễn viên, đạo diễn, biên đạo múa, chỉ huy dàn nhạc, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch, chỉ đạo nghệ thuật, quay phim, họa sĩ, phát thanh viên, nhạc sĩ sáng tác tác phẩm âm nhạc, nhà nhiếp ảnh.
Đối tượng xét tặng NSND, NSƯT được mở rộng. |
Như vậy, đối tượng xét tặng có sự mở rộng. Đối với cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật, bổ sung quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình. Đối với người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật bổ sung nhạc sĩ sáng tác tác phẩm âm nhạc và nhà nhiếp ảnh.
Hai đối tượng này được bổ sung trên cơ sở đề xuất của một số hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương.
Nghị định cũng quy định cụ thể hơn đối với cá nhân là người cao tuổi, cá nhân là giảng viên các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật… có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc trong loại hình, ngành nghề nghệ thuật và vẫn đang tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Quy định xét tặng mới cụ thể hơn, tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ. |
Nghị định mới quy định chi tiết, cụ thể hơn về cách tính thời gian hoạt động văn hóa, nghệ thuật của cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật và cá nhân sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, bổ sung bảng quy đổi giải thưởng cho tác phẩm âm nhạc và tác phẩm nhiếp ảnh.
Cần lan tỏa tài năng, sự cống hiến của nghệ sĩ
Chia sẻ với Tiền Phong sau khi nhận thông tin về nghị định mới, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - bày tỏ sự vui mừng khi các nghệ sĩ nhiếp ảnh được xét phong NSND, NSƯT.
"Tôi cùng nhiều thành viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam rất vui sau khi đọc Nghị định mới. Nhiều người cho rằng những đóng góp của nghệ sĩ nhiếp ảnh khó tiếp cận với công chúng. Thực tế, chuyên ngành nào cũng muốn tuyên truyền để xã hội biết được đóng góp của văn nghệ sĩ. Những đóng góp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam được Đảng, Nhà nước ghi nhận cả trong thời bình lẫn thời chiến", bà Thu Đông nói.
Một trong những giải pháp lan tỏa thành tích, đóng góp của nghệ sĩ nhiếp ảnh là tổ chức các cuộc thi. Bà Trần Thị Thu Đông cho biết Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam muốn tổ chức nhiều hoạt động nhưng kinh phí không đủ, phải xã hội hóa, phối hợp với bộ, ban ngành, doanh nghiệp, địa phương tổ chức các liên hoan khu vực.
Hội chỉ tổ chức một cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế nhưng phải xã hội hóa hoàn toàn. Kinh phí của hội chỉ đủ để trao giải thưởng, tổ chức hoạt động sáng tác, hỗ trợ hội viên.
Biên đạo múa Tuyết Minh - Phó chủ tịch thường trực Hội nghệ sĩ múa Việt Nam - cho biết Nghị định sát với thực tế hoạt động biểu diễn, đặc thù từng chuyên ngành.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND đề cập thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên. Loại hình nghệ thuật xiếc, múa yêu cầu thời gian thấp hơn - 15 năm. Bởi nghệ sĩ biểu diễn thuộc hai ngành này có tuổi nghề thấp, thời gian đào tạo rất lâu.
Để lan tỏa danh hiệu cũng như sự cống hiến của các cá nhân được phong tặng, nhiều chuyên gia đề xuất giới thiệu tác phẩm, công trình nghệ thuật rộng rãi đến công chúng. Việc lấy ý kiến nhân dân trong việc xét tặng danh hiệu cũng cần chú trọng, tránh mang tính hình thức.