Cú hích cho phát triển

Nghị định 57 ra đời là một chính sách có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Nội dung đáng chú ý nhất được các doanh nghiệp hoan nghênh là: Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thực hiện trước ngày 1/1/2015 được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. 

{keywords}
Sản xuất công nghiệp hỗ trợ trước năm 2015 sẽ được ưu đãi thuế TNDN (ảnh: Băng Dương)

Đây chính là điểm bước ngoặt, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bấy lâu nay khi theo Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ lại chỉ dành ưu đãi cho các dự án mới, khiến doanh nghiệp đầu tư trước năm 2015 không được ưu đãi gì.

TS Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ: "Phải nói là Nghị định 57 lần này thay đổi triệt để bởi vì trước đây các chính sách có quy định về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhưng chỉ dành cho các doanh nghiệp được thành lập sau năm 2015".

"Từ bây giờ, nếu như doanh nghiệp ra đời trước 2015 được ưu đãi thì lúc đấy doanh nghiệp có thể tiếp cận được chính sách nhiều hơn. Bởi vì hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều có tuổi đời rất là lâu năm và rất ít các doanh nghiệp sau 2015 vì các doanh nghiệp này thường nhỏ và yếu nên họ cũng không quan tâm đến miễn giảm thuế TNDN này", bà Bình cho biết.

Theo bà Bình, thực tế cho đến hôm nay thì chưa có một doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nào được nhận cái ưu đãi thuế này cả.

"Vì thế nên chúng tôi rất kỳ vọng là với Nghị định 57 thì có thể nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận cái ưu đãi về thuế TNDN hơn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ  và thật sự chính sách sẽ được đi vào đời sống của doanh nghiệp", bà nói.

Theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), gần 1/2 doanh nghiệp hội viên VASI đã bị giảm doanh thu đến 50% trong quý I/2020.

Các doanh nghiệp được hỗ trợ trong nước chủ yếu chỉ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên không chỉ thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu đất để xây dựng nhà xưởng nên bất cứ một ưu đãi  về tài chính tài khóa nào cũng giúp doanh nghiệp giữ sức hơn trong thời điểm khó khăn này. Quan trọng là là chính sách như vậy thì sẽ được thể hiện ra sao? Và đây chính là mong mỏi của các doanh nghiệp hiện nay.

Doanh nghiệp mong chờ chính sách trên thực tế

Chuyên chế tạo các chi tiết cho các thiết bị công nghiệp đã gần 10 năm nay, nhưng 100% vốn của Công ty Cổ phần KYOYO Việt Nam đều phải huy động từ người thân. Doanh nghiệp cho biết, tuy Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp hỗ trợ, nhưng họ không dễ tiếp cận.

{keywords}
Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ mong muốn tiếp cận chính sách tốt hơn (ảnh: Băng Dương)

Ông Đặng Trần Thùy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KYOYO Việt Nam, chia sẻ: "Doanh nghiệp tôi 100% phải tự thân vận động, tự tìm kiếm khách hàng, tự quảng cáo, quảng bá sản phẩm đến các đơn vị có nhu cầu. Chúng tôi rất mong muốn thời gian tới nhà nước tổ chức nhiều tọa đàm, kết nối doanh nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp có nhu cầu tại Việt Nam", 

Chính sách ở bên trên và lúc đầu rất tốt nhưng khi đến doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, với nhiều rào cản về các quy định bên dưới để công nhận là doanh nghiệp hỗ trợ, có rất nhiều điều kiện. Nếu không đơn giản hóa, sát thực tế hơn thì doanh nghiệp hỗ trợ khó có thể khẳng định được vai trò của mình.

Theo tìm hiểu, để doanh nghiệp nhận được ưu đãi cao nhất như được miễn thuế TNDN 4 năm và được giảm 50% trong 9 năm tiếp theo là không hề đơn giản. Đầu tiên là doanh nghiệp phải được xác nhận là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, do Bộ Công thương hoặc là các Sở Công thương địa phương xác nhận. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh còn gặp khó bởi chính hệ tiêu chí này. 

Bà Bình đến nghị, Bộ Công Thương cùng với các cơ quan ban ngành liên quan nên tham khảo cách thức của các quốc gia trong việc xác định  doanh nghiệp là công nghiệp hỗ trợ như thế nào.  

"Việc xác định doanh nghiệp đang sản xuất linh kiện phụ tùng, đang cung cấp cho một hạng mục theo một tập đoàn đa quốc gia nào không, chỉ căn cứ vào những hóa đơn họ xuất là có thể biết được rồi. Kông nhất thiết là cứ phải theo một dự án như là cách thức mà chúng ta đang làm, tức là cấp xác nhận theo dự án và phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Điều này khá xa rời thực tiễn", bà Bình góp ý.

Được biết, tại TP HCM, Hà Nội đều đã có chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực. Các chương trình này cũng sẽ ưu đãi cho các doanh nghiệp như thuê nhà đất công với giá ưu đãi, hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp trong vòng 7 năm, đào tạo nhân lực theo đặt hàng của doanh nghiệp, hỗ trợ ứng dụng công nghệ phát triển sản xuất kinh doanh và được hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường.

Mục tiêu đến năm 2025, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 45% nhu cầu nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Mục tiêu rất lớn này chắc chắn sẽ có thể đạt được nếu Nhà nước chung tay cùng doanh nghiệp triển khai các Chiến lược và các chính sáchưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

 

 

 

Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thực hiện trước ngày 1/1/2015 được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp:

- Trường hợp dự án có thu nhập chưa được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi;

- Trường hợp thu nhập từ dự án đã hưởng hết ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện ưu đãi khác được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Trường hợp dự án đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện ưu đãi khác, thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện này.

 

Văn Thành