- Quần áo, kính, nước hoa, giầy dép, mỹ phẩm, điện thoại,... những vật dụng từng lọt vào mắt gian của một số người Việt có tính ăn cắp vặt. Nghèo thì ăn cắp cả cái quần, giàu thì thó đồ hàng hiệu, thật đáng lên án.

Đại diện một công ty xuất hàng đi Hàn Quốc hồi cuối tháng 9 hốt hoảng khi phát hiện mất 3 chiếc quần thun tại sân bay Nội Bài. Chúng nằm trong kiện 30 chiếc của tổng lô hàng 148 kiện, sẽ được gửi theo tàu bay chở hàng trên chặng bay Hà Nội - Incheon, cất cánh sớm hôm sau.

Qua xác minh, lực lượng an ninh hàng không Nội Bài đã xác định được đối tượng trộm cắp là một hành khách đến ga hàng hóa Nội Bài làm thủ tục gửi hàng.

Chỉ là 3 cái quần, nhưng nếu thiếu sẽ ảnh hưởng đến cả lô hàng xuất khẩu đi Hàn, thậm chí còn làm mất uy tín của doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh nếu không kịp thời phát hiện ra sự việc và giao thiếu hàng cho đối tác.

{keywords}
Biển cảnh báo người Việt về việc ăn cắp đồ, lấy thức ăn quá nhiều rồi để thừa,... tại một số nước.

Thế nhưng, lúc đó, kẻ ăn trộm chắc không thể nghĩ được xa xôi đến vậy. Đơn giản, có thể họ cho rằng, việc lấy mấy cái quần cũng giống như bắt con gà, vặt quả bưởi,... của hàng xóm. Có thể chẳng phải họ nghèo, mà nghèo văn hóa, ít giáo dục.

Đó là chuyện trộm vặt, diễn ra tại sân bay, siêu thị,... trong nước như chuyện “thường ngày ở huyện”. Từ lâu, nạn moi, rạch, phá hành lý của khách ra để trôm đồ của khách diễn ra đáng báo động tại các sân bay, tần suất nhiều đến mức cơ quan quản lý phải lên kế hoạch phòng chống, cảnh báo, kiểm soát, nhưng cũng chỉ lắng đi một thời gian. Rồi thỉnh thoảng, lại có một vụ than khóc vì mất đồ khi đi máy bay.

Rồi đến chuyện ăn uống và trộm đồ ngang nhiên trong siêu thị, trung tâm thương mại,... cũng không hề hiếm.

Chẳng cớ gì, ra nước ngoài du lịch, đi du học,... đến con nhà giàu cũng nhiễm thói xấu này. Chuyện hai du khách đi Thụy Sỹ lấy trộm 3 chiếc kính, giá mỗi chiếc 300 euro, để rồi bị bắt và bị phạt 2.000 franc (khoảng 46 triệu đồng) vừa qua thật đáng phê phán. Họ không hề nghèo, bởi trước đó đã tung tẩy mua sắm và chi tiêu.

Rồi liên tiếp các vụ, tiếp viên hàng không, phi công trong nước vào siêu thị ở Nhật lấy cắp quần áo hay tiếp tay buôn hàng ăn cắp về nước...

Thế nên, ở Nhật Bản, ở Hàn Quốc, ở Thái Lan,... một số nhà hàng, trung tâm thương mại đã phải treo biển cảnh báo người Việt vì thói xấu mua đồ quên không trả tiền, hay chuyện “đi nhầm” dép, lấy đồ ăn buffet quá nhiều rồi để thừa mứa, lãng phí,...

Theo chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Võ Xuân Hòa, những người giàu mà vẫn ăn cắp vặt thường là những người có đặc điểm tâm sinh lý không bình thường (nói cách khác là có vấn đề về bệnh lý) hoặc do đã có thói quen trộm cắp và không được giáo dục kịp thời. Bên cạnh đó lòng tham cũng là một nguyên nhân dẫn tới hành vi trên.

Hậu quả, người có hành vi ăn cắp vặt không chỉ là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức mà còn làm xấu hổ cả đoàn khách du lịch, hướng dẫn viên và hình ảnh con người, đất nước Việt Nam.

Ng.Hà