Tôi đã từng quan tâm rất nhiều người và rất nhiều việc trong đời. Đồng thời tôi cũng chả quan tâm đến rất nhiều người và nhiều việc khác. Và tất cả những thứ không nằm trong phạm vi quan tâm ấy của tôi đã tạo nên sự khác biệt.
Người ta thường nói bí quyết của tự tin và thành công đơn giản là “không quan tâm”. Thực chất, chúng ta thường liên hệ tới những thanh niên “cứng” khiến người khác phải trầm trồ mà mình biết theo những thứ đó nằm trong phạm vi quan tâm của họ. Kiểu như “Uầy nhìn chị Na lại làm việc cuối tuần nữa kìa, bả *** thèm quan tâm gì luôn.” Hoặc là “Mày nghe chuyện thằng Tèo gọi ông chủ tịch tập đoàn là thằng khốn mà vẫn được thăng chức chưa? Vãi chưởng, thằng đó đúng là *** sợ gì”. Hay “Thẳng Tũn vừa ngủ dậy thì chia tay luôn con bồ sau 20 phút. Nó bảo nó *** thèm nghe mấy chuyện nhảm của bồ nó nữa. Mẹ, thằng này *** quan tâm gì nhỉ.”
Nhiều khả năng là bạn đã gặp ai đó một hay nhiều lần không quan tâm và cuối cùng lại câu được nhiều thứ hay ho nhất. Có lẽ cũng từng có lần trong đời bạn chả thèm quan tâm và sau đó vươn lên một tầm cao mới. Tôi tự biết, bỏ việc ở công ty tài chính sau 6 tuần và nói với ông sếp là tôi sẽ đi bán mấy cái xếp hạng lời khuyên hẹn hò online là đỉnh cao “không quan tâm” của tôi. Cùng lý do với việc quyết định bán hầu hết tài sản và chuyện đến Nam Mỹ. Có vấn đề gì không? Không. Chỉ quyết định và làm thôi.
Giờ thì trông việc “không thèm quan tâm” có vẻ đơn giản nhưng nó hoàn toàn là một bịch burrito (bánh bột ngô Mexico) mới nguyên dưới mui xe đấy. Tôi cũng chẳng hiểu câu vừa rồi có nghĩa không nữa, không quan tâm. Một bịch burrito nghe có vẻ ngon, nên cứ nghĩ vậy đi.
Vấn đề là, hầu hết chúng ta vật lộn với cuộc sống bằng việc quan tâm đến những thứ không đáng để quan tâm. Chúng ta để ý mụ soát vé vô duyên ở ga tàu. Chúng ta khó chịu khi show mình thích trên TV bị hủy. Chúng ta để ý chuyện đồng nghiệp cứ lải nhải hỏi về kì nghỉ cuối tuần hoành tráng của mình. Chúng ta để bụng cả chuyện trời mưa và mình phải ra ngoài chạy bộ vào buổi sáng.
Chỗ nào cũng quan tâm. Cứ như mùa xuân đâm chồi nảy lộc vậy. Để làm gì? Vì cái gì? Có hay ho không? Có sung sướng không? Hay là để được một cái vỗ vai an ủi?
Đấy là chính là vấn đề đấy, bạn yêu ạ.
Bởi vì chúng ta quan tâm quá nhiều, khi chúng ta lựa chọn quan tâm đến tất cả mọi thứ, ta cảm giác như mình lúc nào cũng sẽ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc như vậy, và đó là lúc đời sẽ cho ta biết mùi.
Bởi vậy, khả năng dành sự quan tâm của mình cho một vài điều thực sự đáng quan tâm chắc chắn sẽ khiến cuộc đời này dễ dàng hơn nhiều. Thất bại sẽ bớt khủng khiếp hơn. Những lời từ chối sẽ bớt đau đớn hơn. Những yêu cầu khó chịu sẽ bớt khó chịu hơn và mấy cái bánh mỳ nhạt thếch sẽ có mùi vị hơn một chút. Ý tôi là nếu chúng ta có thể bớt những mối quan tâm đi, hoặc quan tâm một cách nghiêm túc đến vài thứ thôi thì cuộc đời này đã trở nên ngon lành rồi.
Những gì chúng ta không nhận ra là có một nghệ thuật đỉnh cao trong việc “không thèm quan tâm”. Người ta không sinh ra đã không quan tâm được. Thực tế chúng ta được sinh ra theo cách phải quan tâm đến quá nhiều thứ. Đã từng thấy một thằng cu khóc lăn lộn vì mũ của nó không phải kiểu màu xanh mà nó thích chưa? Tổ sư thằng nhãi.
Phát triển khả năng điều khiển và quản lý các mối bận tâm là bản chất của sức mạnh và sự chính trực. Chúng ta phải trau dồi sự thiếu hụt những kĩ năng này qua hàng năm và hàng thập kỉ. Giống như loại rượu vang tốt, những mối quan tâm của ta phải được để thật lâu trong hầm và chỉ bật ra vào những dịp đặc biệt.
Nghe thì có vẻ dễ, nhưng làm thì không. Hầu hết mọi người lúc nào cũng bị cuốn vào những chuyện tầm phào, bị dày xéo vì những chuyện nhảm nhí, chúng ta sống rồi chết bằng những điên cuồng và thăng trầm đời ném cho ta giống như Maria Ozawa trong lúc làm tình vậy.
Vậy nên đời ngắn lắm bạn ạ. Đừng quan tâm mọi lúc mọi nơi nữa. Hãy dành tâm sức để quan tâm đến vài thứ thật sự quan trọng thôi. và đây, cho phép tôi giới thiệu với bạn.
MẸO SỐ 1: KHÔNG QUAN TÂM KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ THỜ Ơ, ĐÓ LÀ VIỆC CẢM THẤY THOẢI MÁI KHI TRỞ NÊN KHÁC BIỆT.
Khi hình dung về việc không quan tâm, hầu hết mọi người nghĩ tới sự dửng dưng hoàn toàn trước mọi thứ, là sự bình thản vượt qua mọi cơn bão.
Lộn hàng rồi các má. Chẳng có thứ gì đáng ngưỡng mộ hay tự tin với trò thờ ơ lãnh đạm cả. Những ai tỏ ra dửng dưng là bọn vớ vẩn và đáng sợ. Bọn chúng núp sau củ khoai tây và internet để làm trò. Thực ra, những đứa thờ ơ lại thường phải cố thể hiện là mình đang thờ ơ vì trong đời thực chúng nó đang để bụng quá nhiều. Thế nên chúng nó tỏ ra như vậy. Bọn chúng trốn trong một cái hố vô cảm xám xịt mà nó tự tạo ra, chỉ quan tâm đến bản thân và tự thương hại chính mình, mãi mãi bị gạt ra khỏi cuộc sống này.
Mẹ tôi gần đây bị một người bạn thân lừa một khoản tiền lớn. Nếu tôi dửng dưng, tôi sẽ chỉ nhún vai, nhấm nháp mocha rồi tải mùa mới của The Wire về. Xin lỗi mẹ.
Nhưng không, tôi đã tức giận. Tôi tức phát điên lên và nói “Không, mặc kệ hết đi mẹ, chúng ta sẽ đến gặp luật sư và chơi tới cùng với tên khốn kia. Vì sao à? Vì con không quan tâm. Con sẽ làm cho đời hắn lên bờ xuống ruộng nếu đó là việc con phải làm”.
Minh họa ở trên là mẹo đầu tiên trong nghệ thuật không quan tâm. Khi ta nói, “Đậu xanh rau muống, xem lão Mark Manson không thèm quan tâm kìa,”, ta không có ý nói là Mark Manson không quan tâm đến mọi thứ, trái lại, ý chúng ta là Mark Manson không quan tâm đến những khó khăn khi phải đối mặt để đạt được mục tiêu, lão ta chẳng thèm đếm xỉa đến việc khiến người khác phát điên khi làm những việc lão ta cho là đúng hoặc quan trọng hay vĩ đại. Đại ý là Mark Manson là một thằng cha tự viết về mình ở ngôi thứ ba và dùng chữ “đếch” 127 lần trong một bài chỉ vì lão ta nghĩ thế là đúng. Lão không thèm quan tâm gì hết.
Đó là những người đáng ngưỡng mộ – không phải ngưỡng mộ tôi đâu các ông ạ – những người vượt qua được khó khăn trở ngại. Những người nhìn chằm chằm vào thất bại rồi thọc cho nó một ngón giữa. Những người không quan tâm đến khó khăn hay thất bại hay xấu hổ hay "ị đùn" trên giường vài lần. Những người chỉ cười thật to rồi làm những việc phải làm. Bởi vì họ biết mình đúng. Họ biết điều đó quan trọng hơn cả bản thân hay cảm xúc hay thậm chí lòng tự tôn và cả nhu cầu của chính họ. Họ nói “kệ nó”, không phải với mọi thứ trong đời, mà là với mọi thứ không quan trọng trong đời họ. Họ dành sự quan tâm của mình cho những điều thực sự quan trọng. Và bởi vậy, bởi vì họ chỉ bận tâm đến những điều lớn lao, những điều quan trọng, người khác cũng quan tâm lại với họ như vậy.
MẸO SỐ 2: ĐỂ KHÔNG PHẢI BẬN TÂM ĐẾN NHỮNG KHÓ KHĂN, ĐẦU TIÊN BẠN PHẢI QUAN TÂM ĐẾN NHỮNG THỨ QUAN TRỌNG HƠN KHÓ KHĂN.
Eric Hoffer từng viết: “Một người có khả năng tự lo chuyện của mình khi nó đáng để lo. Khi nó không đáng nữa, anh ta ngừng lo chuyện của mình và bắt đầu lo chuyện của người khác.”
Vấn đề của những người hay lo chuyện bao đồng là vì họ chẳng có chuyện gì của riêng mình đáng để dốc hết sức quan tâm cả.
Nghĩ một chút xem. Bạn đang ở cửa hàng tạp hóa. Và một bà cô già đang gào lên với thu ngân, mắng nhiếc cậu ta vì không giảm 30 cent trong phiếu giảm giá của mình. Sao bà cô ấy phải xồ lên như thế? Có 30 cent thôi mà.
Chậc, để tôi nói cho bạn nghe. Bà cô già ấy có lẽ chẳng còn việc gì tốt hơn để làm trong ngày ngoài việc ngồi ở nhà cắt phiếu giảm giá cả buổi sáng. Bà ta già và cô đơn. Con cái thì toàn một lũ ngu và chẳng bao giờ đến thăm bà ta cả. Bà ta không được sinh hoạt vợ chồng hơn 30 năm nay. Lương hưu là cứu cánh cuối cùng và bà ta có lẽ sẽ chết trong một cái bỉm và nghĩ mình đang ở Candyland. Bà ta không thể đánh rắm mà không bị đau lưng dưới. Bà ta cũng chẳng thể xem TV quá 15 phút mà không ngủ gật hoặc quên mất phim đang nói về cái gì.
Vậy nên bà ta ngồi cắt phiếu giảm giá. Đó là tất cả những gì bà có thể làm. Nó là đống phiếu giảm giá chết tiệt của bà. Suốt cả ngày, mỗi ngày. Đó là tất cả những gì bà ta quan tâm vì chẳng có cái gì để quan tâm nữa cả. Vì thế khi thằng bé thu ngân mặt đầy mụn 17 tuổi không nhận mấy cái phiếu giảm giá ấy, khi nó bảo vệ sự trong trắng của máy tính tiền giống như hiệp sĩ bảo vệ trinh tiết cho thiếu nữ, bạn có thể cược là bà già kia sẽ phun ra những lời lẽ kinh khủng vào mặt nó như thế nào. Tám mươi năm dồn nén đổ xuống một lần, giống như một cơn bão mưa đá dữ dội về “cái thời của tao” và “chúng mày phải biết lễ phép với người lớn”, khiến cái thế giới nhàm chán của bà chìm trong nước mắt và giọng nói run rẩy.
Nếu bạn thấy mình đang quan tâm quá nhiều thứ tầm thường – avatar mới của bạn gái cũ, điều khiển TV nhanh hết pin, lỡ mất bữa giảm giá mua hai tặng một của một hãng nước rửa tay – thì khả năng là bạn chẳng có gì để bận tâm trong đời một cách chính đáng. Và đó là vấn đề thực sự của bạn. Chứ không phải là nước rửa tay.
Trong cuộc đời này, những mối quan tâm của chúng ta phải được dành vào đâu đó. Không có cái gì là không thèm quan tâm đâu. Câu hỏi đơn giản là mỗi chúng ta chọn phân chia sự quan tâm như thế nào. Bạn chỉ có một số lượng giới hạn các mối bận tâm trong đời thôi, vậy nên phải thực sự quan tâm đến chúng một cách cẩn trọng. Như bố tôi nói, “Việc để mình quan tâm không mọc ở trên cây đâu Mark ạ.” Ok, bố tôi chưa nói thế bao giờ. Cơ mà kệ nó, cứ cho là ổng nói thế đi. Vấn đề là những mối bận tâm phải được tìm kiếm và đầu tư một cách thông minh. Chúng được trồng như một mảnh vườn tươi đẹp, nơi mà nếu bạn đi nặng lên nó và nó thẩm thấu được chất dinh dưỡng thì bạn sẽ nhận được hoa thơm quả ngọt.
MẸO SỐ 3: CHÚNG TA CHỈ CÓ VÀI THỨ ĐỂ QUAN TÂM TRONG ĐỜI, HÃY CHÚ Ý TỚI VIỆC BẠN SẼ QUAN TÂM ĐẾN AI VÀ Ở ĐÂU.
Khi còn trẻ chúng ta chẳng thiếu gì năng lượng. Mọi thứ đều mới mẻ và phấn khích. Và chúng đều có vẻ rất quan trọng. Vì thế, chúng ta cũng quan tâm hết cái này tới cái khác. Chúng ta bận tâm tất cả mọi thứ, tất cả mọi người – về những gì người khác nói về ta, liệu bạn hot boy/girl có gọi lại cho mình không, tất của mình có cùng loại không hay màu bóng bay trong ngày sinh nhật.
Đến khi già đi, ta có thêm nhiều trải nghiệm và bắt đầu tập trung vào phần lớn những điều nhỏ bé lâu dài ảnh hưởng đến cuộc đời ta. Ý kiến của những người ta từng rất để ý trước đây không còn tác động đến ta nữa. Ta tìm được tình yêu hằng mong ước và những lúc xấu hổ vì bị từ chối trước đây chẳng là gì nữa. Chúng ta nhận ra mọi người hầu như chẳng mấy khi để ý hoặc rất hời hợt với ta vì vậy ta tập trung vào làm việc của mình thay vì làm cho người khác.
Về cơ bản, chúng ta chọn lọc những điều ta sẵn sàng dành sự quan tâm. Đó gọi là “trưởng thành”. Rất hay đấy, lúc nào đó bạn nên thử. Trưởng thành là việc xảy ra khi một người học cách quan tâm đến những điều đáng giá. Như Bunk Moreland nói trong The Wire (ờ, kệ xác bạn, tôi vẫn tải về đấy) với đối tác của mình, thám tử McNulty: “Đó là những gì cậu nhận được khi quan tâm tới một thứ không tới lượt cậu quan tâm.”
Rồi sau khi tới tuổi trung niên, một điều gì đó khác bắt đầu thay đổi. Năng lượng của ta tụt dần. Bản sắc của ta được củng cố. Chúng ta biết mình là ai và ta không còn mong muốn thay đổi những gì không thể tránh khỏi trong cuộc đời ta nữa.
Kỳ lạ thay, đó chính là sự giải thoát. Chúng ta không còn phải quan tâm đến mọi thứ nữa. Cuộc đời là thế. Chúng ta chấp nhận nó, chấp nhận đống mụn nhọt và tất cả mọi thứ.
Chúng ta nhận ra mình sẽ chẳng bao giờ chữa khỏi bệnh ung thư hoặc bay lên mặt trăng hay được sờ ngực Jennifer Aniston. Và thế cũng chẳng sao. Cuộc đời vẫn tiếp diễn. Bây giờ chúng ta chỉ dành sự quan tâm của mình cho những điều thực sự đáng giá trong cuộc đời mình mà thôi: gia đình, bạn bè thân thiết, vài cú xoay bóng golf. Và trước sự kinh ngạc của chúng ta, nhiêu đây thứ đã đủ rồi. Sự đơn giản hóa ấy thực sự khiến chúng ta mãn nguyện.
Rồi bằng cách nào đó, một ngày kia, ta thức dậy và già đi. Cùng với hàm răng và khả năng làm tình của mình, khả năng dành sự quan tâm của chúng ta cũng sẽ rút xuống tới một điểm bằng không. Trước bóng chiều tà của cuộc đời, ta mang theo những mâu thuẫn nghịch lý nơi ta không còn năng lượng để quan tâm tới những điều lớn lao trong đời, thay vào đó ta dành hết tâm sức cho những thứ đơn giản và nhàm chán nhưng lại trở thành những việc ngày càng khó khăn đối với cuộc sống của mình: ăn trưa ở đâu, lịch hẹn với các bác sĩ về những khớp xương yếu ớt, phiếu giảm giá 30 cent ở siêu thị, lái xe trong khi buồn ngủ và đâm vào một đám trẻ mồ côi. Bạn biết đấy, những mối quan tâm thiết thực.
Và rồi cũng đến ngày đó, giây phút lâm chung của mình, (hi vọng) là xung quanh ta sẽ là những người ta dành phần lớn sự quan tâm trong suốt cuộc đời, và một vài người khác vẫn quan tâm đến ta, bằng những tiếng thở hổn hển trong im lặng chúng ta nhẹ nhàng rời khỏi thế gian này. Qua những giọt nước mắt và tiếng bíp nhè nhẹ của máy trợ tim cùng vầng hào quang mờ ảo bao phủ lấy ta trong bệnh viện, chúng ta trôi về nơi không ai biết và ảo diệu chẳng thể tin nổi.
Nguồn: Mark Manson
Dịch: Hoàng Dung