Tại talkshow “MBA For Success” do ISB tổ chức, diễn giả khách mời - ThS. Huỳnh Bửu Quang và người chủ trì sự kiện PGS.TS Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng ISB đã đặt vấn đề về “điểm nghẽn tuổi trung niên”.

Tạo cơ hội, tiếp sức cho người trẻ

Theo ThS Huỳnh Bửu Quang, tốc độ thay đổi thị trường nhanh chóng đã tạo ra 2 xu hướng cho nhân sự tuổi trung niên. Một là họ sẽ đã tích lũy đủ nguồn lực để bứt phá lên những vị trí lãnh đạo cấp cao (senior). Hai là họ vẫn không thể tạo được sự đột phá, có thể chỉ dừng lại ở một quản lý cấp thấp (junior) hoặc tầm trung (middle-class).

Bên cạnh đó, nhóm người thứ hai còn chịu thêm áp lực từ “sức nóng” của sự năng động ở các nhân viên trẻ. Họ thích ứng chậm, có nguy cơ dễ bị những tài năng trẻ “vượt mặt” và rơi vào vùng “không còn giá trị quá lớn”, theo PGS.TS Trần Hà Minh Quân.

Bàn luận về vấn đề này và nghệ thuật lãnh đạo, ThS Huỳnh Bửu Quang cho rằng, một tổ chức luôn được cấu thành trên hình kim tự tháp. Việc bổ nhiệm những vị trí lãnh đạo cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không nhất thiết tỉ lệ thuận với độ tuổi.

{keywords}
Theo đuổi tấm bằng EMBA của Trường ĐH Hawaii (Manoa, Hoa Kỳ), ThS Huỳnh Bửu Quang hiện giữ vị trí Tổng Giám đốc Deutsche Bank Việt Nam

Ông Quang chia sẻ: “Dù vậy, bạn sẽ luôn có cách để cho mình trở nên có giá trị hơn trên con đường sự nghiệp cá nhân. Không làm lãnh đạo (leader) được, thì hãy là một người hỗ trợ (supporter) uy tín bằng cách dùng kinh nghiệm của mình để nâng đỡ người trẻ, góp phần kiến tạo thế hệ mới tài năng cho công ty. Giống như ở trong một đội bóng, nếu không thể chơi ở vị trí tiền đạo, bạn có thể là một chân kiến tạo giỏi hay tỏa sáng khi là hậu vệ, tiền vệ, nâng đỡ những cầu thủ khác trong đội vì một tập thể vững mạnh”.

Theo ông Quang, muốn làm một supporter giỏi, trước hết người đó dù trẻ tuổi hay đã là một nhân sự tuổi trung niên cũng cần có tư duy cởi mở: “Khi đó, bạn sẽ luôn biết cách cập nhật được kiến thức, biết lắng nghe feedback, chia sẻ hiểu biết với đồng nghiệp. Thứ hai là một tinh thần hợp tác, sẵn sàng ươm mầm giới trẻ, để hỗ trợ lớp trẻ tiến xa và không trở thành “lực cản” của họ cũng như tập thể”.

Nghệ thuật lãnh đạo: Học cách không… mắng nhân viên

Doanh nhân Huỳnh Bửu Quang chia sẻ, đôi khi chính mình phải là người chủ động tự soi xét lại cách hành xử của bản thân để tốt hơn mỗi ngày. Ông thừa nhận, trước đây ông có phần nóng tính khi ứng xử với đồng nghiệp. Đôi lúc, ông là người khơi mào cuộc tranh cãi “nảy lửa” với một giám đốc tài chính trong công ty. Ông muốn áp đặt suy nghĩ của mình lên đối phương, trong khi đó vị giám đốc vẫn cư xử nhẹ nhàng, điềm tĩnh.

{keywords}
 Tổng Giám đốc Ngân hàng Deutsche Bank Việt Nam chia sẻ: “Người lãnh đạo giỏi phải thuyết phục được cả cái đầu lẫn trái tim của người khác”.

“Sau này tôi nhận ra cách tiếp cận của mình là sai. Tôi đã học được bài học làm lãnh đạo từ chính người giám đốc tài chính đó về cách cư xử phù hợp trong một đơn vị, tổ chức”, ông Quang nói.

Ông cho rằng, ở Việt Nam, đôi khi những người sếp tự cho mình quyền được mắng nhân viên nhưng không ý thức được rằng hành động này rất phản khoa học nếu xét về khía cạnh nghệ thuật lãnh đạo: “Người lãnh đạo giỏi phải thuyết phục được cả cái đầu lẫn trái tim của người khác. Các bạn trẻ có thể chú trọng đến việc luyện tập cách mình ứng xử trong quản trị điều hành, quản trị cảm xúc từ sớm”.

Ngoài ra, theo ông, người lãnh đạo cũng nên xây dựng một “tư duy mở” trong cả công việc và cuộc sống.

“MBA For Success” là chuỗi sự kiện trực tuyến được chủ trì bởi PGS.TS Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng ISB nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan, chia sẻ thực tế về trải nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc đến từ các doanh nhân, lãnh đạo cấp cao ở các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Đăng ký tham gia sự kiện tại:

https://psomba.com/su-kien/?utm_source=vietnamnet.pr.1901.mbafs.pre

Địa chỉ: 41-43 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 028.3535.9999

Email: [email protected]

Ngọc Minh