Nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật hát bội truyền thống, Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM vẫn thường xuyên tổ chức các buổi diễn phục vụ khán giả tại Lăng Ông Lê Văn Duyệt vào sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Hoạt động này thu hút một lượng khán giả nhất định, trong đó có cả các bạn trẻ.
Trước mỗi buổi biểu diễn, các nghệ sĩ có mặt trước 2 tiếng để chuẩn bị. Họ phải tự biết cách trang điểm, vẽ mặt nạ cho chính mình theo từng vai diễn, từng loại nhân vật.
Phần nền da mặt là màu đỏ son có ý nghĩa chỉ người anh hùng trung trinh tiết liệt; Màu trắng mốc là kẻ gian thần, xu nịnh; Màu đen của người chất phác bộc trực; nóng nảy nhưng ngay thẳng, chân thực; Màu xám nhợt là người có tuổi; Màu xanh ám chỉ người mưu mô xảo quyệt, yêu ma…
Phục trang của các nhân vật tuồng gồm: áo giáp, áo thụng, áo đào văn, đai lưng... Đạo cụ thường là kiếm, đao, thương, cờ, quạt, roi ngựa, phất trần...
Nhiều khán giả có mặt từ sớm để chờ đón xem các tiết mục.
Chương trình kéo dài 1 tiếng với khoảng 3 trích đoạn được biểu diễn. Trong hình là trích đoạn "Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê" và "Nguyệt Cô hóa cáo".
Giới trẻ, các gia đình và nhóm bạn thường rủ nhau đến xem và tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật sân khấu cổ nhất của Việt Nam.
“Tôi có biết qua từ lâu nhưng đây là lần đầu được xem hát bội. Tôi thấy môn nghệ thuật này rất thú vị và cũng không đến nỗi khô cứng và khó hiểu như trước đó đã tưởng tượng. Thông qua lớp hoá trang khán giả còn biết được cả tính cách nhân vật. Âm nhạc và các động tác múa cũng rất đẹp mắt", bạn trẻ tên Mai chia sẻ.
Xuất hiện vào khoảng thế kỷ 13 đến nay, qua hơn 700 năm, hát bội nỗ lực tiếp cận khán giả, đặc biệt là với các bạn trẻ bằng lời ca câu hát trau chuốt, kịch bản được dựng với tiết tấu nhanh hơn.
Kết thúc buổi diễn, nhiều khán giả nán lại để giao lưu với các nghệ sĩ trong bộ phục trang ấn tượng. Được mẹ cho đi xem rất nhiều buổi biểu diễn hát bội, hai bạn nhỏ này vẫn luôn tỏ ra thích thú khi được chụp ảnh cùng các bà, các cô vừa ở trên sân khấu đi xuống.