Kỷ niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nghệ sĩ Hiền Lê ra mắt album Tình. Sản phẩm gồm 8 ca khúc: Sóng về đâu, Bốn mùa thay lá, Nắng thủy tinh, Em còn nhớ hay em đã quên…
Đây đều là các ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ họ Trịnh mà Hiền Lê yêu thích, nghe nhiều lần và dành thời gian chiêm nghiệm, lắng lòng với suy tư trong cuộc sống.
Trao đổi với VietNamNet, Hiền Lê cho biết ấp ủ thực hiện album nhạc Trịnh rất lâu nhưng vì nhiều lý do nên đến nay mới ra mắt.
Nữ nghệ sĩ biết đến nhạc Trịnh từ khi còn là một cô bé học lớp 6. Dịp tình cờ cô nghe được ca khúc Mưa hồng trong một buổi chiều mùa đông Hà Nội. Vì yêu thích giai điệu, ca từ Hiền Lê dần tìm nghe thêm các ca khúc khác và say đắm lúc nào không hay.
“Nhạc Trịnh với tôi là sự gửi gắm tâm tư, nỗi niềm và chữa lành tâm hồn. Giờ đây khi có vài trải nghiệm trong cuộc sống, cảm xúc đủ ‘chín’ tôi mới mạnh dạn vào phòng thu thu âm các ca khúc album. Tôi vui vì có được một sản phẩm tạm gọi là chỉn chu để tri ân người nhạc sĩ tài hoa”, Hiền Lê chia sẻ.
Khi thực hiện album Tình, Hiền Lê dành thời gian nghiên cứu về bối cảnh sáng tác, nội dung ca khúc. Cô tự tìm hiểu các thông tin về nhạc sĩ họ Trịnh qua các thước phim tài liệu, các quyển sách Những bức thư tình, Tôi là ai là ai... qua đó cô hiểu được phần nào về triết lý nhân sinh, Phật giáo thấm đẫm trong xuyên suốt các tác phẩm của nhạc sĩ họ Trịnh.
Ngoài hoạt động solo, Hiền Lê cũng là một thành viên trong nhóm Du ca của nhạc sĩ Trần Tiến nên được ông kể câu chuyện tình bạn với nhạc sĩ họ Trịnh.
"Cuộc chuyện trò với nhạc sĩ Trần Tiến - người bạn của Trịnh Công Sơn giúp tôi hiểu hơn về nhạc sĩ và âm nhạc của ông. Các nghệ sĩ xưa sống với tinh thần du ca, đối đãi tình nghĩa và sẵn sàng hỗ trợ nhau trên bước đường âm nhạc”, Hiền Lê kể.
Nữ nghệ sĩ nhìn nhận nhạc Trịnh lâu nay luôn gắn liền giọng ca tiêu biểu như Khánh Ly, Hồng Nhung, Cẩm Vân… và sau này thêm vài gương mặt mới. Tất cả đều có chung một suy nghĩ, nỗi niềm: Đưa nhạc Trịnh Công Sơn lan tỏa đến khán giả như một thứ di sản văn hóa vô giá.
Tâm thế chị ra sao nếu đón nhận tranh cãi, so sánh?, Hiền Lê nói tôn trọng ý kiến cá nhân mỗi người. Dẫu vậy, là một nghệ sĩ, cô cho phép sáng tạo và thể hiện góc nhìn riêng với âm nhạc của cố nhạc sĩ.
Hiền Lê không cố gắng làm khác, bởi theo cô, mỗi ca sĩ tự thân đã có giọng hát, cảm xúc và cách thể hiện riêng biệt.
“Tôi không sợ bị so sánh, càng không áp lực bởi suy cho cùng âm nhạc xuất phát từ trái tim. Tôi chỉ biết thỏa mãn cảm xúc khi trình diễn, qua giọng hát, tiếng đàn, còn việc đánh giá thế nào thuộc về khán giả”, cô bày tỏ.
Hiền Lê sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật với bố là nghệ sĩ - thầy giáo dạy đàn violin. Năm 11 tuổi, nữ nghệ sĩ theo học violin tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và tốt nghiệp sau hơn 10 năm.
Hiền Lê từng được gọi là “cây vĩ cầm biết hát”, bởi cô là nghệ sĩ Việt Nam hiếm hoi có thể ca hát và kết hợp đàn violin một cách chuyên nghiệp. Cô biểu diễn với nhiều dàn nhạc, như Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc Giao hưởng Đông Nam Á...
Gần 10 năm vào Sài Gòn lập nghiệp, Hiền Lê còn nhiều khó khăn. Nghệ sĩ vẫn miệt mài làm nghề, mưu sinh với tiếng đàn, giọng hát. Cô ví mình như con thiêu thân, cứ thấy ánh sáng là lao tới bất chấp.
Để đảm bảo kinh tế, Hiền Lê nhận dạy thêm nhạc cho các bạn trẻ. Những tâm hồn trẻ thơ, trong sáng giúp cô như được trẻ hóa. Ca sĩ hạnh phúc vì dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô luôn dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc xung quanh.
Năm 2024, Hiền Lê ấp ủ nhiều kế hoạch nghệ thuật, trong đó có việc phát hành một số ca khúc tự sáng tác. Nghệ sĩ nỗ lực đổi mới, tiếp cận dòng chảy đương đại với mong muốn đưa âm nhạc đến gần hơn với khán giả.
"Tôi vẫn sẽ đi với vết thương trên chân vào niềm hạnh phúc trong tim. Tôi là người không giỏi tính toán nên không đoán biết mình sẽ đi tới đâu. Tôi chỉ biết rằng, còn hơi thở và trái tim còn thổn thức thì khi đó tôi còn đàn còn hát”, cô chia sẻ.
Hiền Lê đàn hát 'Nhìn những mùa thu đi'