Tôi rất mê âm nhạc cổ điển. Cách đây 1 tuần, tôi hẹn đến thăm Giáo sư, Tiến sĩ, NSND Ngô Văn Thành - Nguyên là Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, một violinist cự phách, đồng thời là một bậc thầy đã đào tạo rất nhiều học sinh, sinh viên, trong đó có nghệ sĩ violin Đỗ Xuân Thắng và Đỗ Phương Nhi với nhiều giải quốc tế.
Thật may mắn, cuộc gặp có cả thầy Xuân Thắng và một số người khác. Thấy tôi, mọi người vui mừng, mời tôi ngồi nghe luôn tiếng đàn của Tạ Nguyên Dũng, nghệ sĩ trẻ chuẩn bị hôm sau lên đường tham dự cuộc thi Gold Star International Music Competition 2024 tại Malaysia. Tôi ngồi nghe say mê. Em chơi từng đoạn, từng câu nhạc của bài thi theo đề nghị của hai thầy.
Nghệ sĩ Đỗ Xuân Thắng là người được gia đình gửi gắm dạy em từ những năm trước. Thầy Thắng đưa em đến để Giáo sư Ngô Văn Thành nghe và góp ý thêm trước khi Tạ Nguyên Dũng bước vào một thử thách lớn tại đấu trường âm nhạc quốc tế. Tiếng đàn của Dũng đã làm mọi người có mặt trong phòng khách nhà Giáo sư Ngô Văn Thành xúc động. Riêng tôi vô cùng ngạc nhiên, không chỉ vì Dũng chơi quá hay một bản nhạc rất khó mà vì tôi được nghe kể về những nỗi gian nan mà em phải trải qua.
Tạ Nguyên Dũng sinh năm 2008, đang học lớp 10 trường THPT Văn Lang. Bố là kỹ sư tự động hóa, mẹ công tác trong ngành Y, gia đình không có truyền thống âm nhạc song họ đều rất yêu nhạc cổ điển. Tình yêu đó gắn kết và dệt nên ước mơ đối với các thành viên. Khi bố mẹ quyết định cho Dũng học violin thì đã thấy con nghe và thuộc giai điệu các bản nhạc cổ điển rất nhanh. Dũng còn em trai là Tạ Nguyên Anh 7 tuổi, cũng mê nhạc và đang học violin như Dũng.
Trẻ em ở độ tuổi như Dũng yêu và thuộc các giai điệu nhạc cổ điển đã hiếm, lại còn nhận biết sự đặc biệt của tiếng đàn bậc thầy Joshua bell hay NSND Bùi Công Duy là điều vượt trội của em. Dũng luôn mơ ước có một ngày sẽ chinh phục được cây đàn violin như họ đã làm. Học đàn miệt mài từ lúc 5 tuổi, Tạ Nguyên Dũng thi đỗ Thủ khoa của Khoa Violin Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với 30 điểm. Theo học hệ trung cấp 9 năm, năm thứ 2, Dũng bắt đầu được học với thầy Đỗ Xuân Thắng.
Năm 2020 là thời điểm không thể quên với Dũng và gia đình, khi dịch bệnh Covid hoành hành, em bị gãy tay trái dẫn đến phải bó bột 6 tháng. Suốt khoảng thời gian này, mẹ em hằng ngày phải đưa con đến viện tập phục hồi chức năng. Sau khi tay dần hồi phục, Dũng bắt đầu những bài tập luyện ngón, luyện âm chuẩn, kỹ thuật rung… Đã có rất nhiều những giọt nước mắt vì đau đớn, sợ hãi, lo sợ cánh cửa tương lai tưởng như đóng sập trước mặt nhưng bằng sự kiên trì, lòng quyết tâm và niềm đam mê âm nhạc, Dũng đã nỗ lực mỗi ngày để vượt qua nghịch cảnh.
Năm 2021, Tạ Nguyên Dũng xuất sắc đạt giải Vàng cuộc thi Rising Stars international Art Festival Competition và học bổng Toyota. Nhưng thử thách mới lại đến, năm 2022 một tai nạn xe đạp đã làm gãy xương đòn bên phải của Dũng. Lần này gia đình lựa chọn mổ kết hợp để không ảnh hưởng đến việc tập đàn quá lâu. Sau 2 tuần, nghệ sĩ trẻ đã trở lại tập luyện.
Tạ Nguyên Dũng tâm sự, em luôn nhớ đến lời của thầy Thắng: "Ngã ở đâu thì em đứng lên ở đó. Cứ gắng lên!”. Năm 2023, Dũng đoạt giải cao nhất ở hạng mục độc tấu và hòa tấu trong cuộc thi Rising Stars international Art Festival competition.
Tháng 10/2023, Tạ Nguyên Dũng lại lên bàn mổ lần nữa để lấy nẹp ra. Thầy Xuân Thắng luôn kề cận động viên, ân cần phân tích về tác phẩm, tác giả cho học trò nghe, đồng thời dạy về cách biểu cảm thế nào cho đạt tới ngưỡng của cảm xúc, đạt tới sự tinh tế của từng nốt nhạc.
Tháng 4/2024, Dũng là 1 trong số 33 sinh viên xuất sắc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được tham gia biểu diễn cùng Dàn nhạc Trẻ Thế giới (World Youth Orchestra - WYO) trong 10 ngày.
Đặc biệt, Tạ Nguyên Dũng đã dồn hết tâm sức, cảm xúc của mình vào tiết mục dự thi trong cuộc thi Gold Star International Music Competition 2024 tại Malaysia. Và vinh quang đã mỉm cười với người nghệ sĩ trẻ đầy nghị lực, Tạ Nguyên Dũng đã giành giải cao nhất hạng mục Độc tấu tác phẩm Saint Sean’s Introduction and Rondo Capriccioso Op. 28 trong cuộc thi.
Tạ Nguyên Dũng - Độc tấu Saint -Seans Introdution and Rondo Capriccioso Op.28:
Trần Thị Trường