Bắt đầu câu chuyện với PV VietNamNet, nghệ sĩ Trịnh Thanh Bình chia sẻ: “Giọng hát opera là làm thật, ăn thật, không qua hệ thống thu âm hay hỗ trợ âm thanh nên nghệ sĩ cần nỗ lực học hỏi không ngừng như việc ăn uống, hít thở mỗi ngày''.
“Trót” mê đắm âm nhạc hàn lâm
Nghệ sĩ Trịnh Thanh Bình sinh năm 1979 tại Hà Nội trong gia đình yêu nghệ thuật. Thuở niên thiếu, anh từng mơ ước trở thành chiến sĩ công an.
Cơ duyên đưa Trịnh Thanh Bình đến âm nhạc hàn lâm là khi anh tham gia CLB ca hát tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô rồi quyết định thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Hiện giờ, opera được khán giả đón nhận nhiều hơn, nhưng 25 năm trước chọn học nghệ thuật hàn lâm là một thách thức. Trịnh Thanh Bình tự nhận mình “bảo thủ” nên dù có nhiều lựa chọn, anh vẫn mê đắm opera. Càng học càng say mê, càng thấy thể loại âm nhạc này có thể vang lên ở bất kỳ quốc gia nào, anh tiếp tục dấn thân.
Ở Việt Nam, không có trường nào đào tạo đủ kỹ năng để trở thành nghệ sĩ nhạc kịch. Trường nhạc chủ yếu dạy kỹ thuật thanh nhạc, không dạy kỹ thuật biểu diễn và ngược lại, các trường sân khấu chưa đào tạo thanh nhạc bài bản. Vì vậy, như các nghệ sĩ khác, Thanh Bình vừa học, vừa tìm đường, bổ sung kỹ năng, trau dồi diễn xuất và ngôn ngữ để trở thành nghệ sĩ opera thực thụ.
“Để có giọng hát opera là quá trình khổ luyện công phu, khi biểu diễn không qua hệ thống hỗ trợ âm thanh nên nghệ sĩ cần học hỏi, luyện tập chăm chỉ như việc ăn uống, hít thở mỗi ngày. Cát-sê nghệ sĩ solo của dòng nhạc thị trường luôn là niềm mơ ước của các nghệ sĩ opera Việt Nam. Công sức bỏ ra cho một vở diễn là vô cùng lớn so với những gì họ nhận lại”, Trịnh Thanh Bình chia sẻ.
Rèn luyện suốt hơn 20 năm, Trịnh Thanh Bình đã có bề dày kịch mục vai chính và thành tích đáng nể mà bất kỳ diễn viên nào cũng mơ ước, nổi bật là các vai chính trong các vở opera kinh điển như: Rodolfo trong La Bohème (Puccini), Don Jose trong Carmen (Bizet), Ferrando trong Cosi fan tutte (Mozart), Gawain trong Der durch das tal geht (Người đi qua thung lũng, Pierre Oser), Hưng trong Blog opera (Gustav Andersson và Trần Mạnh Hùng)...
Ngoài việc biểu diễn các tác phẩm opera kinh điển, Thanh Bình còn là khách mời trong nhiều chương trình hòa nhạc uy tín và các vở thanh xướng kịch lớn của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Tiêu biểu là các tác phẩm: Giao hưởng số 9 (Beethoven), Messiah (Handel), Carmina Burana (Carl Orff), Coronation Mass (Mozart), Das Lied von der Erde (Bài ca trái đất, Mahler)...
Năm 2021, anh giành giải cao nhất cho hạng mục ca sĩ Diễn chính xuất sắc tại hội thi Ca múa nhạc toàn quốc với vai Jean Valjean trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ (Victor Hugo).
Ngày 9 và 10/8 vừa qua, vở opera La Traviata (Giuseppe Verdi) ra mắt tại Nhà hát Hồ Gươm. Đây là lần đầu tiên vở opera được trình diễn ở Việt Nam và Trịnh Thanh Bình tỏa sáng với vai chính Alfredo, nhà thơ lãng mạn, si tình, dâng hiến hết lòng cho tình yêu.
“Vác tù và hàng tổng” đến hơi thở cuối cùng
Trong quá trình làm nghề đầy thách thức và gặt hái được không ít vinh quang, Thanh Bình rất hiểu "lỗ hổng" và thiệt thòi mà các nghệ sĩ opera Việt Nam gặp phải. Tháng 2/2023, giọng nam cao hàng đầu của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thành lập mô hình Kosmos Opera.
Kosmos Opera gồm các tài năng trẻ từ các trường đào tạo chuyên nghiệp về thanh nhạc và những tên tuổi đã được khẳng định, cùng chung đam mê, sáng tạo và năng động, muốn giới thiệu nghệ thuật opera gần hơn với công chúng.
Nghề đã chọn mình nên Trịnh Thanh Bình muốn góp phần xây dựng đội ngũ biểu diễn chuyên nghiệp cho nghệ thuật này. Anh đầu tư vốn, tìm địa điểm tập luyện định kỳ cho nhóm trên 20 thành viên. Vừa là người sáng lập, quản lý, vừa là người thầy tận tâm không lấy học phí, anh dồn tâm huyết bồi dưỡng, hoàn thiện kỹ năng cho các em trên sân chơi chuyên nghiệp.
Opera là thể loại kén khán giả, hỏi nghệ sĩ Trịnh Thanh Bình có sống được bằng nghề không mà lại “đèo bòng, vác tù và hàng tổng” thêm Kosmos Opera, anh cười nhìn xa xăm: “Đó là tình trạng chung của nghệ thuật”.
Trịnh Thanh Bình thừa nhận phải "chân trong, chân ngoài", vừa làm nghệ thuật, vừa kinh doanh. Dù opera không có nhiều đất diễn như các loại hình nghệ thuật khác, anh sẽ theo opera trọn đời và truyền ngọn lửa nghề cho thế hệ tương lai.
Nghệ sĩ không quan tâm nhiều đến việc bỏ công sức thế nào duy trì Kosmos Opera. Điều khiến anh vui và hạnh phúc là khi các thành viên được rèn luyện và hoàn thiện, có thể tỏa sáng trên sân khấu, trở thành những solist trong tương lai.
Để theo đuổi hành trình này, Trịnh Thanh Bình luôn biết ơn vì có vợ - nghệ sĩ sáo flute Hồng Ánh. Cùng nghề, chị hiểu, cảm thông và chia sẻ với anh.
“Mỗi lần làm việc mệt mỏi ở ngoài, về nhà nhận được nụ cười cảm thông và chia sẻ động viên từ bà xã khiến tôi lại vững tin sẽ 'vác tù và hàng tổng’ tới hơi thở cuối cùng. Công việc của tôi cũng giống các thầy cô nhiều thế hệ trước, là nối dài câu hát chứ không có gì to tát”, nghệ sĩ chia sẻ.
Sắp tới, Kosmos Opera cùng ca sĩ Phúc Tiệp, NSƯT Vũ Thắng Lợi, NSƯT Khánh Ngọc... sẽ biểu diễn các tác phẩm: Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận), nghệ sĩ Trịnh Thanh Bình sẽ lĩnh xướng Tiến về Hà Nội (Văn Cao) và Qua miền Tây Bắc - Chiến thắng Điện Biên (Nguyễn Thành - Đỗ Nhuận) trong chương trình Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi 2024.
Đây là lần thứ hai liên tiếp Kosmos Opera biểu diễn trong Hoà nhạc Quốc gia Điều còn mãi. Nghệ sĩ Trịnh Thanh Bình hào hứng vì ý nghĩa của chương trình và đặc biệt trân trọng các tác phẩm do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chuyển soạn và phối khí: “Đây là niềm vinh dự và cơ hội để tôi bày tỏ lòng biết ơn với thế hệ cha anh đã tạo nên chiến thắng lịch sử ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’ này.”
Nghệ sĩ Trịnh Thanh Bình cho biết, với yêu cầu của chương trình, anh sẽ bổ sung thêm nghệ sĩ vào Kosmos Opera để có dàn hợp xướng hơn 30 người. Cát-sê không quá quan trọng với anh vì với một chương trình không bán vé như Điều còn mãi, điều quan trọng và hạnh phúc là các nghệ sĩ được cất lên những thanh âm thiêng liêng, đẹp đẽ vào ngày vui của dân tộc - Quốc khánh 2/9.
Nghệ sĩ Trịnh Thanh Bình trong vai Alfredo vở opera La Traviata: