Video: Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang hướng dẫn một người Hà Lan hát dân ca tiếng Việt.
Hiện nay, Việt Nam có gần 6 triệu kiều bào đang sinh sống ở 130 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Công tác gìn giữ và phát huy tiếng Việt luôn được bà con kiều bào quan tâm, chú trọng. Những lớp học tiếng Việt, những sự kiện văn hóa Việt thu hút không chỉ thế hệ người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài mà còn nhận được sự chú ý, đánh giá cao của người nước ngoài.
Trong hành trình bảo tồn tiếng Việt, văn hóa Việt, nghệ sĩ nhạc dân tộc Ngô Hồng Quang (SN 1983) đã mang đến làn gió mới, sự lan tỏa văn hóa, ngôn ngữ Việt qua âm nhạc dân tộc.
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cho rằng, âm nhạc của một quốc gia là linh hồn của cả một dân tộc. Anh đam mê, tự hào đóng góp cho sự tiếp nối của âm nhạc truyền thống Việt và thực sự mong muốn được tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê về âm nhạc dân tộc cho các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.
Chị Vũ Thị Vân Anh, giáo viên tiếng Việt ở Hà Lan cho biết, các sự kiện Ngày Việt Nam do chị tổ chức đều mời nghệ sĩ Hồng Quang tham dự. Cách đây nhiều năm, thấy chất giọng của nghệ sĩ hay, rõ ràng và ấm nên chị đã nhờ anh ghi âm những đoạn hội thoại, phục vụ cho hoạt động dạy tiếng Việt của mình trên lớp. “Đến nay, nhiều học viên của tôi vẫn nói tiếng Việt giống như kiểu chất giọng của anh Quang”, chị Vân Anh nhớ lại.
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang có 11 năm học âm nhạc truyền thống tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và ở lại đây giảng dạy sau khi tốt nghiệp. Anh có thể chơi nhiều nhạc cụ như đàn môi, nhị, đàn bầu, sáo, tính, chiêng dây.
Năm 2009, anh sang Hà Lan du học. Sau 4 năm học tại Nhạc viện Amsterdam và Nhạc viện Hoàng Gia Den Haag - Hà Lan, Ngô Hồng Quang tốt nghiệp xuất sắc với tấm bằng thạc sĩ. Nghệ sĩ chọn cho mình con đường sáng tác và biểu diễn độc lập, chu du khắp các nước, mang văn hóa, âm nhạc Việt Nam đến với thế giới.
Trong những chuyến lưu diễn, các tác phẩm anh gửi đến bạn bè quốc tế bằng tiếng Việt, các làn điệu dân tộc kết hợp nhạc cụ dân tộc nhưng chơi theo hơi hướng đương đại đã chạm đến cảm xúc và trái tim người nghe. Điều này khiến các bạn trẻ người Việt Nam ở các quốc gia thích tìm hiểu về nguồn cội của mình hơn vì trong mỗi làn điệu chứa đựng một phần lịch sử, đạo lý, tình cảm của biết bao thế hệ người Việt Nam.
Năm 2023, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang có chuyến biểu diễn tại Hà Lan vào mùa hè với vai trò là nghệ sỹ chơi nhạc. Đây là một sự kiện về ẩm thực nhưng có hoạt động âm nhạc, trong đó có vở kịch khá đặc biệt, tái hiện một phần văn hóa Việt Nam.
Đoàn biểu diễn đã đưa việc nấu nướng lên sân khấu, vừa đóng kịch vừa nấu đồ ăn. Khi cơm chín, mùi thơm tỏa ra cùng mùi khói bếp khiến kiều bào rưng rưng xúc động, nhớ lại kỷ niệm về Việt Nam với mùi cơm mới và khói bếp ở những làng quê – nơi mình sinh ra, lớn lên. Nơi ấy có gia đình và những bữa cơm đoàn tụ… Toàn bộ diễn viên là người Hà Lan nhưng họ đã hát dân ca như nghệ sĩ Ngô Hồng Quang yêu cầu để tác phẩm thêm chân thực, sinh động.
Anh chia sẻ thêm, quá trình sinh sống, học tập ở Hà Lan, anh từng gặp nhiều học sinh gốc Việt nhưng nói tiếng Việt kém, thậm chí không nói được tiếng mẹ đẻ. Điều này thực sự khiến anh trăn trở và suy nghĩ. Vì vậy, anh mong muốn sẽ dùng chính những làn điệu dân ca, âm nhạc dân tộc để tạo sự thích thú, hấp dẫn thế hệ kiều bào trẻ.
Tuy nhiên, nếu đi theo lối truyền thống các em sẽ khó tiếp cận, vì thế anh chọn những con đường sáng tạo độc đáo trong âm nhạc, dựa trên nền âm nhạc dân gian truyền thống. Trong đó, kết hợp âm nhạc dân gian với đương đại, trong đó tỳ bà, sáo, đàn nguyệt… sẽ chơi cùng cello và beatbox.
Hay trong nhiều chuyến lưu diễn, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang vẫn giữ được chất của quan họ, xẩm, dân ca Mông nhưng anh cải biến âm nhạc truyền thống bằng cách tìm những khoảng hở của âm nhạc dân gian để cho beatbox len vào.
Điển hỉnh, anh từng kết hợp dân ca quan họ với beatbox trong một liveshow âm nhạc “Nam Nhi”. Sự phối hợp có tính toán nhưng vẫn dành đất cho ngẫu hứng của hai thứ âm nhạc tưởng như trái ngược: beatbox (hiện đại, nặng tính tiết tấu và kích động) với quan họ (dân gian, đầy chất trữ tình, mềm mại) đã tạo nên những trải nghiệm mới cho giới trẻ.
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cho rằng, với những người Việt Nam rời xa quê hương lập nghiệp nơi xứ người, bản sắc Việt được thể hiện qua những tà áo dài, câu đối đỏ, tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết hay nét văn hóa ẩm thực, âm nhạc đặc trưng. Điều này rất cần được các bạn trẻ hiểu, trân trọng và duy trì. Tuy vậy, hiện nay, trong các gia đình người Việt sinh sống ở nước ngoài, thế hệ F2, F3 không có điều kiện tiếp xúc với bản sắc văn hóa Việt do không thường xuyên dùng tiếng Việt.
Vì thế, việc thường xuyên tổ chức các sự kiện cộng đồng, các lớp học văn hóa Việt, sự kiện âm nhạc dành cho kiều bào là điều rất cần thiết. Khi các em thích, các em sẽ học, tập luyện, hát được bài dân ca, hát được tiếng Việt, các em sẽ nói được tiếng Việt tốt hơn.
Đưa tiếng Việt ra thế giới để người Việt ở khắp nơi không quên đi cội nguồn dân tộc là điều vô cùng trân quý. Hành trình giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ là kế thừa quốc ngữ của cha ông mà còn giúp chúng ta hội nhập, giữ gìn được bản sắc riêng trong cộng đồng văn hóa chung của nhân loại.
"Trong nhiều lần chu du khắp nơi trên thế giới, mỗi một quốc gia tôi đặt chân tới hay mỗi một chương trình biểu diễn có tính âm nhạc quốc tế được đề cao thì âm nhạc dân gian Việt Nam luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Những làn điệu ngũ cung không những được hoà mình bay lượn cùng các thể loại âm nhạc của các nước trên thế giới để người nghe quốc tế thấy được những âm sắc mang tính hoa mỹ rất Việt Nam mà còn được đón nhận một cách nồng nhiệt từ nhiều tầng lớp yêu nhạc khác nhau bởi yếu tố văn hoá và lịch sử của âm nhạc truyền thống. Đây là những dấu hiệu tích cực và là động lực chính để tôi có thể vững bước trên con đường mình đã và đang chọn lựa", nghệ sĩ Ngô Hồng Quang nói.
Quỳnh Nga