16 năm dạy cải lương
Chia sẻ với VietNamNet, ngoài công việc của một nghệ sĩ, Linh Huyền còn gắn bó với sự nghiệp giáo dục suốt 16 năm. Từ năm 2008, chị bắt đầu dạy cải lương với hình thức nhận học trò dạy tại nhà, Sân khấu 126 (nay đã đóng cửa - PV) và Sân khấu Kịch Idecaf. Năm 2016, chị định cư Italy nên chuyển sang dạy trực tuyến.
Linh Huyền không nhớ nổi đã dạy bao nhiêu học trò. Mỗi lớp trực tuyến có 8 - 35 học viên. Chị phụ trách trung bình 3 lớp, dạy 6 ngày mỗi tuần. Mỗi buổi học kéo dài 1 tiếng rưỡi và mất khoảng 6 tháng sẽ xong chương trình căn bản.
Học viên của Linh Huyền không chỉ là người trẻ đang theo đuổi nghề mà còn có kỹ sư, dược sĩ, bác sĩ... đam mê cải lương. Dạy dân trí thức, chị thường xuyên nhận những câu hỏi hóc búa.
Chị có thư ký phụ trách việc sắp xếp lịch vì các học viên sống ở những múi giờ khác nhau như Mỹ, Canada, Pháp, Na Uy, Đức... nhiều nhất vẫn là ở Việt Nam.
Linh Huyền tự soạn giáo trình suốt 16 năm dạy cải lương. Sau khi chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến, chị phải soạn lại toàn bộ giáo trình. Hiện có Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM và Trường Trung cấp Bách khoa Quảng Nam liên hệ đề nghị hợp tác. Chị đã gửi giáo trình để các đơn vị xem nhưng việc hợp tác hay không 'còn tùy duyên'.
Thỉnh thoảng, Linh Huyền nhận lời mời làm diễn giả về văn hóa - nghệ thuật. Lần gần nhất, chị có buổi trò chuyện ở Đại học Torino (Turin, Bắc Italy), nhận được nhiều tràng pháo tay. Bài nói đi thẳng vào thực tiễn văn hóa giữa Italy và Việt Nam. Với lợi thế là nghệ sĩ, chị diễn đạt những nội dung về âm nhạc bằng chính giọng hát một cách sinh động, dễ hiểu. Đại sứ Việt Nam tại Italty Dương Hải Hưng có mặt hôm ấy cũng đánh giá rất cao.
Linh Huyền cho hay 16 năm gắn bó với giảng dạy chưa từng vì lợi ích vật chất. "Không phải học viên nào cũng có tiền đóng học phí, nhất là các em trẻ mới vào nghề. Nếu các em đủ đam mê, tôi sẵn sàng dạy miễn phí. Sau này, nhiều em đi hát kiếm được tiền đã quay lại xin đóng bù học phí ngày xưa", chị kể.
Cuộc sống ở Italy
Hồi mới sang Italy năm 2016, Linh Huyền phải đấu tranh tư tưởng khá nhiều, mất đến 3-4 năm mới quen lối sống và cách vận hành ở đây.
Mỗi ngày, chị thường dậy từ 5h sáng, dành 2 tiếng lễ lạy, sám hối và thiền định. Chị và ông xã - họa sĩ Richard Asinari di San Marzano - luân phiên lo cơm nước, đưa 2 con đi học. Nhà chị quy ước nếu buổi sáng ăn món Việt thì chiều ăn món Italy và ngược lại.
Lo cho con xong, Linh Huyền bắt đầu dạy học trực tuyến. Thời gian trống giữa các lớp, chị tranh thủ xem lại giáo trình cho lớp cơ bản và soạn cho lớp nâng cao. Các học trò cũng hay nhờ chị tư vấn, chuốt bài để thi hát ở Việt Nam.
Buổi tối, Linh Huyền cùng chồng con quây quần bên bếp lửa, xem những bộ phim tài liệu khoa học về sự sống, thế giới tự nhiên hoặc vũ trụ, đặc biệt là các phim của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ).
Sống trong lâu đài trên một ngọn đồi cách mặt đất 400m, đối diện dãy Monteluco hùng vĩ, Linh Huyền không có nhiều nhu cầu giải trí. Bao quanh ngôi nhà là thiên nhiên trù phú, tươi đẹp. Hàng xóm duy nhất của hai vợ chồng là một gia đình sống trên đỉnh núi.
"Niềm vui là mỗi lần mở cửa thấy nai, heo rừng vào sân vườn ăn táo, mấy con chim ưng ăn cơm nguội tôi thả ở bậc thang đá hoặc ngắm hoa nở, thiên nhiên thay đổi quanh nhà", chị cho hay.
Theo Linh Huyền, nơi ở 'nghe có vẻ núi rừng' nhưng thực tế đi bộ xuống phố chỉ mất hơn 5 phút. Cụ thể, từ nhà chị đi hết con đường mòn sẽ đến các bậc thang dẫn xuống thành phố. Mùa thu, hai bên đường mòn rụng đầy lá vàng, đỏ, có thể nằm dài xuống thảm lá rất êm.
Sống giữa thiên nhiên khơi nguồn cho nghệ sĩ nhiều cảm hứng. Dịp Tết vừa rồi, buồn vì nhớ nhà (dù không còn nhà ở Việt Nam), Linh Huyền đứng trước khung cảnh thiên nhiên hát "Má ơi đừng gả con xa...".
"Mỗi lần như vậy, tôi cảm nhận được năng lượng, những 'hồn thiêng sông núi' về lại bên trong mình. Dù vậy, thỉnh thoảng tôi cao hứng mới hát thôi", chị chia sẻ.
Sống trên đồi, vợ chồng Linh Huyền chia nhau việc nhà vì khó tìm người giúp việc. Lâu đài rộng nhưng gia đình chỉ sử dụng cố định vài phòng. Những phòng còn lại chỉ lau chùi, quét dọn khi có khách hay bà con nghỉ lại.
Truyền tình yêu tiếng Việt cho con bằng cải lương
Trong nhà, nơi Linh Huyền yêu thích nhất là bên bếp lửa. Mùa đông năm 2006, chị lần đầu sang Italy thăm Richard, vì quá lạnh mà hay ngồi sofa bên bếp lửa.
Anh bật bài Ruckert-Lieder số 5: I'm lost to the world của Gustav Mahler khiến chị 'hồn như bay lên mây, trong đầu dệt nên rất nhiều màu sắc'.
Nghe Linh Huyền chia sẻ cảm xúc ấy, nam họa sĩ nói: "Hồn của em là âm thanh, hồn của anh là màu sắc. Anh muốn hai đứa mình quyện vào nhau mới có thể cùng đi đến tận cùng những chân trời".
Dù định cư từ năm 2016 nhưng vốn liếng tiếng Italy của Linh Huyền không nhiều. Chị thấy may mắn khi ông xã mang 2 dòng máu Anh và Italy nên có thể sống tốt chỉ với tiếng Anh.
Mùa đông trên dãy Monteluco hùng vĩ. Video: NVCC
Các nhân viên an ninh của ngọn đồi hay họ hàng nhà chồng hay hỏi vì sao Linh Huyền mãi không chịu học tiếng Italy. Có lần, chị hát tặng họ bài Quốc ca Italy rồi nói hiện chưa có thời gian nên tạm thời chỉ học văn hóa, hồn cốt của đất nước, rồi học tiếng sau.
Linh Huyền và Richard có 2 con gái sinh năm 2008 và 2010. Con gái lớn đang học trường mỹ thuật, dự định nối nghiệp cha.
Xuất thân từ dòng dõi có nền giáo dục khắt khe, Richard dạy con rất cẩn thận. Các con tự lập sớm, khoảng 7-8 tuổi đã tự chăm sóc bản thân và sắp xếp việc học. Hai bé chỉ cần ba mẹ khi có bài toán khó, bài thơ hay muốn chia sẻ hoặc rủ cùng chơi xếp hình.
Ở nhà, Linh Huyền hay hát nhạc dân tộc cho con nghe. Bình thường, hai em không chịu giao tiếp bằng tiếng Việt (dù vẫn hiểu khi mẹ nói) nhưng lại có thể hát theo một cách chính xác khiến chị tin đây là cách giúp các con thấm nhuần ngôn ngữ của mẹ.
Ngoài hai con gái, chị còn 1 con trai sinh năm 1999 từ cuộc hôn nhân đầu tiên. Anh làm đầu bếp ở dưới phố, cách nhà mẹ không xa.
Sống ở Italy, Linh Huyền nói 'hồn vẫn lảng vảng ở Việt Nam'. Thỉnh thoảng, chị nhớ các tỉnh thành từng đi qua, được người dân chăm sóc, đối xử tốt ra sao, nhớ những đêm diễn thăng hoa và nhận nhiều điều tốt đẹp...
"Tôi vẫn ấp ủ cuối đời sẽ thực hiện chuyến lưu diễn xuyên Việt, đến lại những nơi đó, ghi hình toàn bộ tour và để trong bảo tàng, xem như khép lại 1 cuộc đời dài", chị trải lòng.
Ảnh: NVCC