Người Mông ở Điện Biên có nhiều nghề thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc như nghề rèn, làm nhạc cụ, dệt vải, thêu, vẽ hoa văn trên vải. Trong đó, nghề rèn là một trong những nghề truyền thống lâu đời, gắn liền với hoạt động sản xuất của bà con người Mông.
Theo Quyết định số 1406/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên được vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề rèn truyền thống là một việc làm hết sức cấp bách, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá độc đáo riêng của dân tộc.
Ngày 21/10, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Tủa Chùa năm 2023, UBND huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã chính thức tổ chức Lễ công bố và trao giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên.
Từ xa xưa, đồng bào Mông luôn chọn địa hình vùng cao của miền núi sinh sống theo hướng tự cung, tự cấp. Vì vậy, họ phải tự tìm cách sản xuất các nông cụ, vật dụng hàng ngày để phục vụ cuộc sống. Ngày nay, tuy cuộc sống đã có nhiều đổi thay, các vật dụng trong nhà cũng dễ dàng mua được ở chợ xã, chợ huyện, song nhiều người Mông vẫn giữ nghề rèn truyền thống.
Trước đây, hầu như gia đình người Mông nào cũng có một lò rèn riêng để làm nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Các sản phẩm trong nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông rất phong phú. Đó là những công cụ được sử dụng nhiều trong sinh hoạt, lao động sản xuất hằng ngày như: dao, rìu, liềm, thuổng, cuốc, xẻng...
Nghề rèn của đồng bào Mông không chỉ tạo ra những nông cụ thiết thực trong đời sống mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, trong các thôn, bản chỉ còn rất ít hộ lưu giữ nghề rèn truyền thống nhưng nhu cầu sử dụng nông cụ rèn vẫn rất lớn. Do đó, một số hộ vẫn giữ nghề rèn, tạo ra nông cụ để bán tại các phiên chợ, tăng thu nhập.
Khánh Vy