Bộ VHTTDL vừa ban hành quyết định số 2974/QĐ- BVHTTDL công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, nghề làm nước mắm Nam Ô, Phường Hòa Hiệp Nam, phường Hòa Hiệp Bắc, Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng đã được đưa vào danh mục này.
Nghề làm nước mắm Nam Ô là một trong số ít làng nghề nước mắm truyền thống còn tồn tại trên cả nước vừa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề làm nước mắm Nam Ô, Phường Hòa Hiệp Nam, phường Hòa Hiệp Bắc, Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng đã được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. |
Nam Ô là tên một ngôi làng cổ, cửa ô phía Nam của nước Đại Việt xưa, hình thành cách ngày nay hàng trăm năm, nằm bên vịnh Đà Nẵng, dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Đây là một làng nghề truyền thống khai thác, đánh bắt thủy hải sản, làm nước mắm. Nghề làm mắm ở Nam Ô cũng có từ rất sớm. Thời kỳ còn là một trong những địa phương của Đàng Trong, ngư dân nơi đây đã biết cách làm nước mắm cung cấp cho thị trường các vùng lân cận.
Nhắc đến vùng đất Nam Ô, nhiều người nhớ ngay đến câu “Nước mắm Nam Ô/Cá rô Xuân Thiều” với hàm ý cá rô ở Xuân Thiều mình mẩy, thịt thơm chấm với nước mắm làng Nam Ô là không đâu ngon bằng. Điều này cho thấy, thương hiệu nước mắm nơi đây không thể lẫn với các loại nước mắm khác. Dù đến nay chưa xác định chính xác được nghề làm nước mắm ở Nam Ô có từ bao giờ, nhưng theo những bậc lão niên, nghề này đã có khoảng hơn 300 năm hoặc lâu hơn. Qua nhiều thế hệ, đến nay người dân Nam Ô vẫn kế thừa, giữ gìn nghề truyền thống với sản phẩm mang đặc trưng biển Đà Nẵng.
Nước mắm Nam Ô đã từng là sản vật tiến Vua, được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, có hương thơm, mùi vị đặc trưng, ngọt tự nhiên, màu đỏ thẫm như màu cánh gián. Làng biển Nam Ô có bờ biển dài, nhiều loài hải sản phong phú thuận lợi cho việc đánh bắt và neo đậu tàu thuyền.
Từ thời mở đất, lập làng của các thế hệ trước, nghề đi biển đánh bắt hải sản phát triển mạnh và kéo theo đó là nghề chế biến thực phẩm cũng hình thành và phát triển, đặc biệt là từ con cá cơm than, người dân đã biết chế biến ra thứ nước mắm thơm ngon, mang thương hiệu nước mắm Nam Ô. Nghề làm nước mắm ở Nam Ô đã đem lại cho một bộ phận nhân dân của làng có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập khá hơn so với nghề nông. Sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ tại các nơi phương trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận, ngoài ra còn theo chân người dân, du khách đến các vùng miền trong nước và quốc tế.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, vào những thế kỷ trước, Nam Ô là một trong những địa phương của xứ Đàng Trong, người dân nơi đây đã biết cách làm nước mắm, cung cấp cho thị trường. Đó là vào năm 1621, khi C. Borri - nhà truyền giáo dòng Tên người Ý trong một chuyến du hành đến Đàng Trong đã miêu tả về nghề đánh bắt cá cũng như nước mắm được sử dụng trong ẩm thực hằng ngày của cư dân: “...
Đây là một thứ nước cốt cay cay tựa như mù tạt của ta, nhà nào cũng dự trữ một lượng lớn đựng đầy trong chum, vại như tại nhiều nơi ở châu Âu người ta dự trữ rượu. Thứ nước cá này dùng một mình thì không nuốt được, nhưng được dùng để gợi nên hương vị và kích thích tì vị để ăn cơm, do đó phải có một lượng lớn nước mắm và cũng do đó phải liên tục đánh cá”. Tuy nhiên, phải đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nghề làm nước mắm ở Nam Ô mới phát triển và trở nên nổi tiếng như bây giờ.
Tình Lê